Nga và Ukraine sử dụng pháo cao xạ cổ để đối phó máy bay bay thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bước sang giai đoạn mới với sự lên ngôi của pháo cao xạ khi máy bay đôi bên đều áp dụng phổ biến chiến thuật bay thấp để tránh radar và tên lửa tầm xa…

Các lực lượng quân sự Nga và Ukraine cùng phát hiện ra rằng họ cần nhiều đến hệ thống phòng không, bao gồm cả các cỗ pháo cao xạ cổ để đối phó với máy bay phản lực, máy bay trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa trên bầu trời Ukraine.

Pháo cao xạ của quân đội Ukraine. Ảnh: AFP.

Pháo cao xạ của quân đội Ukraine. Ảnh: AFP.

Hiệu quả kinh tế của pháo cao xạ trước các thiết bị bay tầm thấp

Pháo cao xạ có từ thời Thế chiến I, khi súng máy và pháo được sử dụng để bắn rơi các chiếc máy bay còn mới mẻ vào lúc đó. Trong Thế chiến II, một nửa số máy bay ném bom của quân Đồng minh bị bắn rơi ở Đức là nạn nhân của “flak” - một từ viết tắt của một thuật ngữ Đức dùng để chỉ pháo cao xạ (hoặc hỏa lực cao xạ).

Tuy nhiên, vào thập niên 1950, sự ra đời của các chiến đấu cơ bay nhanh ở tầm cao khiến pháo cao xạ ít tác dụng so với tên lửa có dẫn đường - với khả năng bay ở tốc độ Mach 4 và lên tới độ cao 30km.

Nga hiện nay tấn công các thành phố và nhà máy điện của Ukraine bằng các đợt phóng UAV và tên lửa hành trình. Còn Ukraine dùng UAV để theo dõi và phục kích xe tăng, pháo binh Nga.

Trước tình huống mới, nếu dùng các tên lửa đất đối không cỡ lớn tầm xa đắt tiền để đánh chặn các UAV rẻ tiền cỡ nhỏ thì chẳng khác nào lấy dao giết trâu để mổ gà. Việc bên tấn công ngày càng dựa vào các tên lửa và máy bay bay chậm và thấp khiến pháo cao xạ “lên giá” trở lại.

Nick Reynolds - một chuyên gia về lục chiến tại Viện United Services Hoàng gia (RUSI) - một think tank tại Anh Quốc, nói với Business Insider: “Pháo cao xạ đã bị xem nhẹ nhưng giờ thì chúng ta không thể phớt lờ loại vũ khí này nữa”.

Reynolds là đồng tác giả của một nghiên cứu mới của RUSI về cuộc không chiến ở Ukraine. Nghiên cứu này phân tích những gì Ukraine cần để chống lại lượng lớn UAV cảm tử Iran do Nga đang sử dụng.

Nghiên cứu này hối thúc các nước phương Tây gửi thêm cho Ukraine các pháo cao xạ tự hành, như khẩu Gepard do Đức sản xuất, và các hệ thống phòng không vác vai tầm ngắn như Stinger do Mỹ sản xuất.

Báo cáo của RUSI có đoạn: “Nhìn chung, các hệ thống pháo được ưa thích hơn tên lửa do chi phí thấp hơn và sự có sẵn của đạn pháo so với tên lửa đất đối không hoặc tên lửa phòng không vác vai”.

Nga và Ukraine cùng sử dụng các pháo phòng không S-60 có từ thập niên 1940. Tuy nhiên, các vũ khí này cũng như các loại pháo cao xạ hiện đại hơn của Liên Xô như ZSU-23-4 Shilka và 2S6 Tunguska (cũng được hai phe sử dụng) bị cho là có ít tác dụng trước các UAV.

Báo cáo của RUSI nêu: “Do UAV Shahed-136 của Iran có kích cỡ tương đối nhỏ, đường bay thấp, tốc độ nhỏ nên các loại pháo cao xạ tự hành như Shilka và Tunguska đều gặp khó khăn trong bắn rơi UAV này”.

RUSI đánh giá pháo Gepard của Đức (với cặp nòng 35mm) là “hiệu quả cao”.

Đức đã cam kết 50 khẩu Gepard như một phần trong gói các tên lửa và pháo phòng không của phương Tây viện trợ cho Ukraine. Một số chuyên gia còn hối thúc Mỹ gửi cho Ukraine pháo Vulcan 20mm gắn trên xe thiết giáp chở quân M113 của thập niên 1960.

Vũ khí cũ, tình thế tiến thoái lưỡng nan mới

Nghiên cứu của RUSI cho thấy Ukraine đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về phòng không.

Các tên lửa SAM do phương Tây sản xuất tỏ ra hiệu quả trước các máy bay và tên lửa hành trình của Nga nhưng Ukraine chưa nhận đủ các tên lửa phòng không dư thừa để duy trì tốc độ bắn lớn hiện nay của họ. Các tên lửa phòng không vác vai cũng hiệu quả trong bắn hạ các UAV cảm tử và thậm chí cả tên lửa hành trình nhưng tầm bắn ngắn của các tên lửa này cũng như tiền tuyến dài tới 1.600km khiến Ukraine phải cần đến lượng lớn tên lửa như thế để bảo vệ binh sĩ ở mặt trận cũng như cơ sở hạ tầng ở sau lưng. Pháo cao xạ là giải pháp tiết kiệm kinh phí khi chống UAV nhưng tầm bắn của nó cũng hạn chế.

Cuối cùng, báo cáo kết luận rằng UAV Shahed-135 “đơn giản và không quá khó đánh chặn” nhưng “hầu hết các phương tiện làm được điều đó đều quá đắt hoặc cần một số lượng lớn không thể chấp nhận được mà các nhiệm vụ quốc phòng khác cũng cần đến”.

Các pháo cao xạ cổ hơn cũng mang lại lợi thế chính trị. Các nước ủng hộ Ukraine đã lưỡng lự trong việc cung cấp một số vũ khí công nghệ cao, bao gồm máy bay tiêm kích và tên lửa tầm xa có thể đánh sâu vào lãnh thổ Nga do sợ gây bất hòa với Nga.

Mặc dù vậy, báo cáo của RUSI vẫn cho rằng cao xạ kiểu cũ là một sự lựa chọn an toàn. “Cả tên lửa phòng không vác vai lẫn pháo cao xạ tự hành không nên bị coi là nhạy cảm chính trị vì đây là những vũ khí phòng thủ cơ bản cần có để bảo vệ cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả mà không cần đến công nghệ mới nhất”.

Ngay cả khi các vũ khí phòng không tinh vi được triển khai, các pháo cao xạ vẫn có ích, tất nhiên là ở mức độ hạn chế hơn.

Pháo cao xạ từng chứng tỏ hiệu quả chết người ở Trung Đông trong cuộc chiến Tháng Mười vào năm 1973. Khi ấy, các máy bay Israel bổ nhào để tránh SAM của lực lượng Arab đã bị bắn hạ hàng loạt bởi pháo Shilka và các loại pháo cao xạ khác.

Khi sử dụng kết hợp với các hệ thống phòng không mới hơn, pháo cao xạ vẫn có hiệu quả lớn trước máy bay trực thăng, máy bay cường kích và UAV bay ở cao độ nhỏ.

Reynolds nói với Insider: “Các tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa là hiệu quả nhất khi được bổ sung một mạng lưới các pháo cao xạ uy lực có khả năng đe dọa bất cứ máy bay nào bay thấp để tránh các mối đe dọa ở tầm cao. Tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan cho đối phương thông qua các lớp phòng ngự khác nhau là một phần thiết yếu trong mạng lưới phòng không tích hợp”./.

Tin mới