Nga viện trợ nhân đạo cho Donbass; Mỹ “sẽ không nhượng bộ Trung Quốc” vấn đề Biển Đông

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra nhiều tin tức nổi bật như: Nga lập đoàn xe vận tải thứ 83 viện trợ nhân đạo cho Donbass; Cảnh sát Papua New Guinea tấn công quốc hội, đòi tiền bảo vệ APEC; Mỹ "sẽ không nhượng bộ Trung Quốc" vấn đề Đài Loan và Biển Đông; Triều Tiên giật sập 10 trạm gác tại biên giới với Hàn Quốc...

Nga lập đoàn xe vận tải thứ 83 viện trợ nhân đạo cho Donbass

Viện trợ nhân đạo
Ảnh: Sputnik

Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga (MChS) ngày 20/11 thông báo đã thành lập đoàn xe vận tải thứ 83 cung cấp viện trợ nhân đạo cho cư dân vùng Donetsk và Lugansk. "Tại khu dân cư Kovalevka thuộc tỉnh Rostov, việc tổ chức đoàn viện trợ nhân đạo thứ 83 đã bắt đầu được tiến hành với thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế cho trẻ em", thông báo nêu rõ.

Đoàn xe vận tải nhân đạo trước đó đã đến Donbass vào ngày 25/10. Theo lịch trình được phê duyệt, đoàn tiếp theo sẽ đến vùng Donetsk và Lugansk vào tháng 12/2018. Các gói viện trợ cho cư dân Donbass đã được cung cấp kể từ tháng 8/2014. Trong thời gian này, 82 đoàn xe của Bộ Tình trạng Khẩn cấp đã mang hơn 78 nghìn tấn vật tư nhân đạo đến lãnh thổ phía đông nam Ukraina.

Cảnh sát Papua New Guinea tấn công quốc hội, đòi tiền bảo vệ APEC

Canh sat Papua New Guinea tan cong quoc hoi, doi tien bao ve APEC hinh anh 1

Cảnh sát và quân đội Papua New Guinea trước tòa nhà quốc hội hôm 20/11. Ảnh:AFP.

Hôm 20/11, chỉ vài ngày sau khi hội nghị APEC tại Papua New Guinea kết thúc, một nhóm cảnh sát đã tấn công tòa nhà quốc hội nước này ở thủ đô Port Moresby. CNN dẫn lời cảnh sát trưởng Dominic Kakas nói rằng những binh sĩ này đã đập phá tòa nhà, có thể đã tấn công nhân viên sau khi nghe rằng họ có thể không được trả tiền công phục vụ hội nghị APEC. Trong khi đó, Brenton Kanowski - người phát ngôn bộ Ngoại giao, nói nói "tòa nhà quốc hội đã bị phá hoại dù chính phủ đã trả 50% lương cho họ, và sẽ nhận được hóa đơn của số còn lại trong hôm nay".

Đây là lần đầu tiên Papua New Guinea, nước kém phát triển nhất trong 21 thành viên APEC, đăng cai hội nghị cao cấp. Nhiều người dân tức giận trước việc chính phủ mua một dàn xe cao cấp phục vụ APEC và sẽ "nằm kho" sau khi hội nghị kết thúc. Xe sang là thứ rất hiếm gặp ở đất nước ở Nam Thái Bình Dương này. Năm nay cũng là lần đầu tiên APEC không thể ra tuyên bố chung do bất đồng Mỹ - Trung.

Triều Tiên giật sập 10 trạm gác tại biên giới với Hàn Quốc

Một trạm gác Triều Tiên ở biên giới được cho phát nổ ngày 20/11. Ảnh: Yonhap.

Một trạm gác Triều Tiên ở biên giới bị phá hủy ngày 20/11. Ảnh: Yonhap

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Triều Tiên cho nổ 10 trạm gác ở Khu Phi quân sự (DMZ) vào 15h ngày 20/11 sau khi thông báo kế hoạch này với Seoul vào hôm 18/11.

Động thái này được Triều Tiên thực hiện 5 ngày sau khi Hàn Quốc đánh sập một trạm gác tại thị trấn biên giới Cheorwon dưới sự chứng kiến của các phóng viên, đồng thời hoàn thành cam kết được đưa ra với Seoul. Quân đội Hàn, Triều hồi đầu tháng 10 cũng bắt đầu dỡ bỏ mìn xung quanh DMZ. Đây cũng là một phần trong thỏa thuận giữa hai miền nhằm xoa dịu căng thẳng.

Mỹ "sẽ không nhượng bộ Trung Quốc" vấn đề Đài Loan và Biển Đông

  • Hai tàu sân bay của Mỹ
    Hai tàu sân bay của Mỹ "Carl Vinson" và "Ronald Reagan" trong cuộc tập trận huấn luyện tại vùng biển Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Hong Kong hôm 19/11, ông Patrick Murphy, quan chức thuộc bộ phận chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định Washington muốn giữ quan hệ ngoại giao cấp cao với Bắc Kinh trên bình diện song phương và đa phương, nhưng "sẽ không nhượng bộ" về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. 

Ông Murphy, một trong những nhà ngoại giao cấp cao tháp tùng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm châu Á tuần qua, cho rằng Đài Loan và Biển Đông là hai vấn đề lớn nhất đang cản trở quan hệ Mỹ - Trung. Ông cũng nói Bắc Kinh nên chịu trách nhiệm vì đã phức tạp hóa tình hình và làm sâu sắc sự nghiêm trọng của hai vấn đề trên. 

Mỹ cân nhắc đưa Venezuela vào danh sách tài trợ khủng bố

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh:Reuters.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là muốn gây áp lực với Venezuela "trên mọi phương diện". Việc đưa Venezuela vào danh sách tài trợ khủng bố có thể hạn chế nguồn viện trợ kinh tế của Mỹ đối với nước này, đồng thời cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Venezuela, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát, làn sóng di dân ồ ạt cũng như thiếu lương thực, thuốc men, Reuters hôm nay đưa tin.

Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay các cuộc thảo luận về việc đưa Venezuela vào danh sách tài trợ khủng bố đã được xúc tiến trong những ngày gần đây với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, người luôn thúc giục chính quyền cứng rắn hơn với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng chưa được đưa ra.

Tòa án Mỹ đình chỉ sắc lệnh hạn chế người nhập cư xin tị nạn

Những người nhập cư trên đường đến Mỹ. Nguồn: AFP
Những người nhập cư trên đường đến Mỹ. Nguồn: AFP

Ngày 20/11, Thẩm phán Jon Tigar của tòa án liên bang San Francisco đã ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump về hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico xin tị nạn tại Mỹ. Trong phán quyết, Thẩm phán Tigar cho biết Quốc hội Mỹ quy định rõ ràng rằng người nhập cư có thể nộp đơn xin tị nạn bất kể họ vào Mỹ bằng cách nào.

Thẩm phán Tigar, người được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump "xa rời" chủ trương, chính sách của những tổng thống tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh Tổng thống Trump không thể viết lại luật nhập cư để áp đặt một điều kiện mà Quốc hội tuyệt đối cấm.

Đụng độ bùng phát tại thành phố cảng Hodeida, Yemen

Chú thích ảnh
Binh sĩ Yemen trong cuộc xung đột với phiến quân Houthi ở tỉnh Saada, miền Tây Bắc Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 20/11, đụng độ giữa liên quân Arab và phiến quân Houthi tại Yemen đã nổ ra tại khu vực xung quanh thành phố cảng Hodeida bên bờ biển Đỏ, bất chấp kêu gọi ngừng bắn của Liên hợp quốc (LHQ).

Căng thẳng bắt đầu leo thang ngày 19/11 khi liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu không kích vào các vị trí của Houthi tại khu vực trên. Giao tranh đường phố cũng diễn ra tại phố Khamsin ở trung tâm thành phố và quận al-Saleh. Houthi cho biết đã bắn một tên lửa đạn đạo vào Saudi Arabia đêm 19/11 nhằm đáp trả cuộc không kích mới cũng như hoạt động của liên quân tìm cách thâm nhập qua biên giới. 

Tàu Na Uy sử dụng cá thay thế nhiên liệu hóa thạch

Tau Na Uy su dung ca thay the nhien lieu hoa thach hinh anh 1

Hãng tàu Hurtigruten dự kiến sẽ sử dụng khí gas sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Ảnh:EPA.

Hãng tàu Hurtigruten, Na Uy, mới đây cho biết các tàu của hãng này sẽ sử dụng khí gas sinh học làm từ cá chết, thức ăn dư thừa cùng với các loại rác thải hữu cơ khác thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Daniel Skjeldam, giám đốc điều hành của Hurtigruten, nói với Guardian: “Na Uy là một quốc gia vận tải lớn, nhưng ngành thủy sản và lâm nghiệp cũng có quy mô không nhỏ. Các ngành này tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, nhưng cũng sản sinh rất nhiều chất thải. Cách xử lý khối lượng lớn chất thải hữu cơ này sẽ mang lại cho các nước Bắc Âu vị thế độc nhất trên thị trường khí sinh học. Chúng tôi đang thúc đẩy việc đổi mới và đầu tư nhiều hơn. Tôi tin rằng đây là khởi đầu cho một ngành công nghiệp lớn trong vài năm tới”.

Theo Guardian, hiện hãng Hurtigruten đang vận hành đội tàu gồm 17 chiếc. Dự kiến đến năm 2021, hãng này sẽ chuyển sang sử dụng khí gas sinh học và khí tự nhiên hóa lỏng (một loại nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm hơn) cho ít nhất 6 tàu. Ngoài ra, các tàu cũng được trang bị các khối pin lớn có khả năng tích trữ năng lượng sạch.

Tin mới