Ngẫm về một vụ TNGT: Con gái qua đời, cha lãnh án

Người cha chở con gái, gây tai nạn giao thông làm con gái qua đời. Trong nỗi đau mất con, người cha còn bị tội tù.

Ngày 24/8, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Văn Phúc (45 tuổi) phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điều đau lòng là nạn nhân trong vụ án chính là con ruột của ông Phúc - người gây tai nạn giao thông khiến con gái qua đời còn mình trở thành bị cáo.

Theo hồ sơ, khoảng 15 giờ 30 ngày 27/11/2016, sau khi uống rượu xong, ông Phúc chạy xe máy chở con gái ruột là PBN (13 tuổi) lưu thông trên lộ Vòng Cung hướng từ quốc lộ 91 vào phường Trường Lạc. Khi đi đến khu vực Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ thì va chạm với xe máy của ông V. đi chiều ngược lại.

Tai nạn khiến cả ba người đều bị thương, được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cháu N., con gái của ông Phúc, bị thương quá nặng nên sau đó đã qua đời. Giám định kết luận cháu N. bị tử vong do chấn thương sọ não nặng.

Con gái qua đời, cha lãnh án tù treo - ảnh 1
Bị cáo Phạm Văn Phúc nghẹn ngào suốt phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NHẪN NAM

Khám nghiệm hiện trường cho thấy tai nạn xảy ra là do ông Phúc không làm chủ được tay lái khi chạy xe đến đoạn đường cong nên lấn sang làn đường bên trái, đụng vào xe ông V. Nồng độ cồn bị cáo khi điều khiển xe đo được là 209,8 mg/100 ml.

Ông V. không yêu cầu bồi thường và từ chối giám định.

Xử sơ thẩm, TAND quận Ô Môn đã tuyên phạt ông Phúc hai năm tù (giam). Ông Phúc và đại diện người bị hại kháng cáo xin cho ông được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ngay từ khi bước ra vành móng ngựa, ông Phúc đã khóc ngất. Tiếng khóc mỗi lúc một lớn dần lên khiến cả gia đình bị cáo gồm mẹ già, vợ và một người con ngồi dự ở dưới cũng khóc theo.

Tình tiết vụ án khá đơn giản, không có gì phải tranh luận nhiều. Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bị cáo điều khiển mô tô khi đã uống rượu, có nồng độ cồn vượt mức quy định bốn lần, điều khiển xe lấn trái là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Hậu quả là bị cáo đã gây ra tai nạn giao thông khiến một người bị thương, con gái bị cáo qua đời. Chính hành vi trái pháp luật của bị cáo đã gây ra cái chết cho con bị cáo.

Theo luật, hành vi này đã phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Đã phạm tội thì phải bị trừng phạt. Do đó, theo HĐXX, tòa sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội. Khi lượng hình, cấp sơ thẩm cũng đã xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Hiện nay loại tội phạm này còn xảy ra nhiều, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản, sức khỏe cho nhiều người nên cần có hình phạt nghiêm. Mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là không nặng.

Tuy nhiên, tòa nhận thấy vụ án này có tình tiết đặc biệt là người bị hại cũng chính là con của bị cáo, nỗi đau của phía người bị hại cũng chính là nỗi đau của bị cáo. Vì vậy, tòa xét thấy cần thiết cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ mang tính giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.

Từ đó tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt từ hai năm tù giam thành hai năm tù treo cho bị cáo.

Sau khi được tòa chấp nhận cho án treo, bị cáo như chưa nghe rõ, phải ra chỗ trợ giúp viên pháp lý để hỏi lại. PV hỏi bị cáo: “Sau tai nạn thương tâm có còn dám uống rượu nữa không?”. Bị cáo buồn bã trả lời: “Đã bỏ uống luôn rồi”. “Sự việc hôm đó là do tôi đã uống rượu ở đám giỗ. Đến chiều, vợ tôi gọi điện thoại bảo tôi đi rước con về. Cả nhà chỉ có một chiếc xe mà tôi lại đang đi, lúc đó tôi thấy trong người cũng tỉnh táo nên mới đi rước con như mọi ngày. Ngờ đâu tai nạn đổ ập xuống, hậu quả quá đau lòng…” - ông Phúc nghẹn ngào.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới