Ngăn chặn bệnh đạo ôn bùng phát

(Baonghean) - Hiện nay, trên các trà lúa vụ xuân ở Tân Kỳ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại. Diện tích bệnh đạo ôn nặng lên tới 500 ha, đòi hỏi công tác phòng, chống bệnh cần khẩn trương hơn.

 Xuất hiện trên diện rộng

Đến nay, diện tích lúa vụ xuân ở xã Nghĩa Hành huyện Tân Kỳ đều bị nhiễm bệnh đạo ôn gây hại, đặc biệt có 150 ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ rất cao. Ngay sau khi phát hiện bệnh, địa phương và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ đã trực tiếp đi kiểm tra tại đồng ruộng, đồng thời chỉ đạo bà con nông dân tập trung phun thuốc đặc trị phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa. Ông Cao Đức Trung ở xóm 7 xã Nghĩa Hành huyện Tân Kỳ cho hay:  Vụ xuân năm nay gia đình cấy được 1 mẫu nhưng đến thời điểm này bị bệnh đạo ôn trên lá gây hại, gia đình đã báo với cấp trên và được hướng dẫn các loại thuốc phun phòng trừ 2 lần, nhờ vậy  bệnh có giảm hơn nhiều.
Nông dân xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên chăm sóc lúa, kết hợp phun thuốc trừ bệnh đạo ôn.
Nông dân xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên chăm sóc lúa, kết hợp phun thuốc trừ bệnh đạo ôn.

Tại huyện Tân Kỳ, toàn huyện có 220 ha lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, tỷ lệ phổ biến từ 5 - 8%, nơi cao lên tới 12 - 15% tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Hành, Tân An và Đồng Văn. Ông Nguyễn Văn Trình – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “ Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân đối với diện tích lúa bị bệnh đạo ôn gây hại không được bón đạm, hiện nay chúng tôi đã cử cán bộ của trạm luôn bám đồng, bám ruộng để kịp thời hướng dẫn bà con cách xử lý sâu bệnh, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn bệnh đạo ôn gây hại. Hiện tại Tân Kỳ đã phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn  được 115 ha".

Biểu hiện của bệnh đạo ôn trên lá lúa
Biểu hiện của bệnh đạo ôn trên lá lúa
Vụ xuân này, Nghi lộc  gieo cấy được trên 7.300 ha lúa với bao khó nhọc với giá rét  rồi hạn hán đe đọa. Hiện nay, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Thời tiết xuất hiện sương mù, mưa phùn, độ ẩm cao là điều kiện phát sinh sâu bệnh, đặc biệt bệnh đạo ôn trên lá. Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nghi Lộc, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên các giống như: Xi23, Xi30, nếp…, tỷ lệ trung bình 5% - 10%, nơi cao 40 - 50%. Đặc biệt, cháy cục bộ ở một số diện tích tại các xã Nghi Thạch, Nghi Phong. Tổng diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn toàn huyện  gần 20 ha. 
Xã Nghi Thạch là một trong  những địa phương có diện tích và tỷ lệ lúa nhiễm bệnh cao, các ổ bệnh đạo ôn lúa xuất hiện với mật độ dày. Từ trung tuần tháng 3, nhiều hộ dân ở đây đã phun thuốc. Nhờ đó đến nay cơ bản các diện tích lúa được phun phòng bệnh đạo ôn đã xanh trở lại. Ông Đặng Mạnh Hùng - xóm 5 xã Nghi Thạch, Nghi Lộc nói: “Vụ xuân này gia đình tôi cấy 5 sào. Trong đó có 1 sào nhiễm bệnh đạo ôn nặng, còn lại mới nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ. Nhờ chủ động  phun sớm nên đến nay diện tích nhiễm bệnh đã giảm”.  
Tuyên truyền để ngăn chặn hiệu quả
Bà Đặng Thị Hải - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nghi Lộc cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo nhân dân, đối với các diện tích lúa đã bị bệnh chỉ đạo sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như BEBM 75WP, Filia 525EC, Bump 60WP... để phun trừ triệt để. Với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun thuốc cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng, tiêu huỷ rồi mới tiến hành phun thuốc. Tuyệt đối không bón đạm khi lúa đang bị bệnh.
Đặc biệt, trong thời tiết âm u, mưa phùn chỉ đạo bà con nông dân phun phòng bắt buộc bệnh đạo ôn trên tất cả các trà lúa xuân. Sau khi phun trừ, các diện tích lúa đã lành bệnh, tiến hành phun chất kích thích sinh trưởng để lúa phát triển”.
Để khống chế bệnh đạo ôn triệt để, UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân tổ chức phun phòng trừ trên các diện tích bị nhiễm bệnh. Để tạo điều kiện cho nhân dân trong công tác phòng trừ, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã cung ứng đủ thuốc chất lượng và phối hợp với các xã dịch chuyển thuốc về tận cơ sở để phục vụ nhân dân phun trừ. Phân công cán bộ xuống địa bàn theo dõi thường xuyên, nắm bắt tình hình sâu bệnh phát sinh, hướng dẫn và khuyến cáo cho bà con chủ động kiểm tra và phun trừ theo đúng quy trình kỹ thuật, hiệu quả, tránh lãng phí và tránh lây lan ra diện rộng.
Hiện các huyện như Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Tân Kỳ đều đang vào cuộc chống bệnh đạo ôn. Đặc biệt ở Hưng Nguyên diện tích nhiễm bệnh đã có 70 ha, Trạm Bảo vệ thực vật đang trực tiếp xuống đồng ruộng kiểm tra  và phối hợp cùng bà con nông dân trong công tác phòng trừ. 
 Phương Thảo - Hồng Vinh

Tin mới