Bài 2: Nhiều bất cập

Ở Nghệ An, như đã phản ánh, mặc dù một số địa phương, chủ rừng đã có cách làm hay, hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có nhiều địa phương, nhiều chủ rừng không quan tâm đến việc việc chăm sóc, phát dọn thực bì dưới tán rừng, ở nhiều nơi nghĩa trang của người dân còn nằm xen kẽ trong rừng, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy.

Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, năm 2021 các địa phương và chủ rừng đã chủ động phát dọn, đốt trước 1.203 ha vật liệu dễ cháy; xử lý, phát dọn 3.537 ha thực bì và xây dựng mới 27,948 km đường băng cản lửa mới trên khu vực rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên, tu sửa 111,317 km đường băng; tu sửa, làm mới 181,07 km đường ranh cản lửa.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng diện tích đất rừng tự nhiên và rừng trồng thì việc xử lý vật liệu dễ cháy và thực bì đã đạt được chỉ là con số rất nhỏ bé.  Bên cạnh đó, đối với rừng thông nhựa, là khu vực dễ cháy nhất thì hiện nay toàn tỉnh cũng chỉ mới phát dọn thực bì được 5.000 ha trong tổng số 16.000 ha, đạt  tỷ lệ 31%,  số còn lại chưa có kinh phí để phát dọn, nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa.

Nhiều lớp thực bì, cây bụi dày đặc nhưng chưa được các chủ rừng quan tâm phát dọn. Ảnh Tiến Đông
Nhiều lớp thực bì, cây bụi dày đặc nhưng chưa được các chủ rừng quan tâm phát dọn. Ảnh Tiến Đông

Diễn Châu là một trong những địa phương “nóng” nhất trên địa bàn tỉnh về các vụ cháy rừng trong thời gian qua. Trong đó, nổi bật là những đợt cháy rừng lớn tại các xã Diễn An, Diễn Lợi vào tháng 6/2020 đã thiêu trụi hàng trăm ha rừng. Mới đây nhất, trên địa bàn xã Diễn Lộc lại tiếp tục xảy ra cháy rừng vào chiều 30/5/2021, rất may là lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để dập lửa. Mặc dù vậy, nguy cơ cháy rừng tại địa phương này vẫn đang hiện hữu, nhất là thời điểm nắng nóng đang kéo dài.

Có mặt tại cánh rừng thông thuộc địa phận xóm 5, xã Diễn An, chúng tôi nhận thấy có những lớp thực bì phủ dày, khô rang không được thu dọn. Trao đổi với ông Phan Xuân Nuôi, ở xóm 5, xã Diễn An, là một chủ rừng tại địa phương, ông cho biết: “Trước đây, chưa có bếp gas, bếp điện thì người dân hay vào rừng thu gom lá thông, lá bạch đàn về nấu nướng. Tuy nhiên, những năm gần đây việc thu gom thực bì không còn diễn ra thường xuyên nữa, lớp thực bì vì thế mà cứ mỗi năm một dày thêm…”

Lớp thực bì dày, không được thu gom thường xuyên là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc việc khó khống chế ngọn lửa mỗi  khi xảy ra cháy rừng.

Không chỉ rừng xã Diễn An mà rừng tại các địa phương khác như Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Lợi… đều có chung đặc điểm là địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, lớp thực bì dày, cành khô lá rụng hàng ngày không được thu dọn nên khi xảy ra cháy thường ngọn lửa rất lớn.

Ảnh: Tiến Đông
Ảnh: Tiến Đông

Tại nhiều cánh rừng thông nơi chúng tôi có mặt, mặc dù người dân vẫn thu hoạch nhựa trên thân cây, nhưng bên dưới đất, những lớp lá thông khô và cây bụi ken dày đặc không được dọn. Ông Hoàng Minh – Xóm trưởng xóm 4, xã Diễn Phú, một trong những người nhận khoán nhiều diện tích rừng tại địa phương này cho biết: Hiện tại chi phí dọn thực bì cho 1ha khoảng 20 triệu đồng, thường là dọn vào tháng 10, khi vào mùa mưa, mỗi năm phải phát dọn một lần. Tuy nhiên, do nhựa thông giá thấp, chỉ đạt 14-15 ngàn đồng/kg nên người dân bị lỗ, không đủ kinh phí để tổ chức phát dọn thực bì.

Ông Trần Minh Hạnh – Chủ tịch UBND xã Diễn Phú cho biết, toàn xã hiện nay có 2.300ha rừng, trong đó chủ yếu là thông nhựa, và một số ít keo. Diện tích rừng này được giao cho 13 chủ rừng lớn có diện tích từ 30-70ha, còn lại là các hộ nhỏ lẻ và rừng cộng đồng của 12 xóm. Mặc dù theo nguyên tắc chủ rừng phải phát dọn thực bì, thế nhưng do nguồn thu từ rừng mấy năm nay giảm sút nên nhiều chủ rừng không dọn dẹp thực bì. Chỉ có một số khu rừng có nguy cơ cháy cao thì mới được thu dọn, mỗi năm cũng chỉ dọn được khoảng 30% diện tích.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Rừng lâm viên núi Quyết tại TP. Vinh là một trong những địa điểm du lịch, tâm linh gắn với di tích lịch sử văn hoá Đền thờ Vua Quang Trung. Khu vực này có diện tích 56ha với 12 lô, chủ yếu trồng thông, xen kẽ với keo, xà cừ, lát hoa. Điều đáng nói, khu vực này hiện đang tồn tại hơn 1.500 ngôi mộ, khu lăng mộ, vào mùa nắng nóng, lá thông, lá keo rụng xuống tạo thành thảm thực bì dày, cùng với việc người dân thường lên thắp hương viếng mộ, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Thực tế, vào năm 2019, tại khu vực này cũng đã xảy ra cháy rừng, nguyên nhân sau đó được xác định là do người dân đi thắp hương do bất cẩn nên xảy ra cháy, gây thiệt hại hơn 2.000m2 rừng. Ông Trần Quảng Đại – Chủ tịch UBND phường Trung Đô, TP.Vinh cho biết: việc các khu mộ nằm trong rừng đã tồn tại từ lâu rồi, phường cũng đã đề xuất nhiều phương án giải quyết, từ gom về một chỗ hoặc di dời đi nơi khác nhưng đều chưa thực hiện được.

Tại huyện Yên Thành, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có hơn 24.568ha, phân bố tại 29/39 xã và có 2 chủ rừng lớn là Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành và Công ty Đông Bắc. Theo ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, thì hiện nay toàn huyện đã có 28 phương án PCCCR năm 2021 được xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tại ngoài diện tích rừng tại các xã, các đơn vị quản lý, ở địa phương này còn có hơn 1.000ha rừng thông nhựa thuần loài, cành khô, lá rụng chứa nhiều tinh dầu tạo thành vật liệu dễ cháy; trong khi mới chỉ phát dọn được 380ha và xây dựng được 50km đường băng cản lửa…

Hiện nay trên toàn tỉnh, hệ thống đường băng cản lửa không chỉ quá ít so với yêu cầu thực tế, mà ở những đường băng được xây dựng từ những năm trước đây, hiện đã bị thực bì phủ kín, kích thước đường băng nhỏ, không đủ để ngăn cách đám cháy.

Từ năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương khảo sát, xây dựng tuyến đường băng trắng cản lửa vùng giáp ranh giữa huyện Nam Đàn với huyện Thanh Chương và huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng để phục vụ công tác PCCCR. Bên cạnh đó, hiện các địa phương hiện đang thiếu các trang thiết bị trong công tác PCCCR. Mỗi huyện ngoài được trang bị các phương tiện như dao rựa, vỉ dập lửa, thì những thiết bị có hiệu quả trong chữa cháy như máy thổi, cưa xăng lại rất ít. Riêng máy thổi là phương tiện hữu hiệu nhất thì hầu như huyện nào cũng thiếu.

Thực hiện 4 tại chỗ trong việc chữa cháy rừng tại Diễn Châu năm 2020. Ảnh Tiến Đông
Thực hiện 4 tại chỗ trong việc chữa cháy rừng tại Diễn Châu năm 2020. Ảnh Tiến Đông

Chưa kể, phương án chữa cháy rừng ở cấp xã còn được xây dựng một cách sơ sài, chưa sát với thực tiễn, kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR cấp xã chưa được quan tâm đầu tư dẫn đến hiệu quả PCCCR còn hạn chế. Việc thực hiện phương án “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng tại một số xã chưa tốt, nhận định đánh giá ban đầu thiếu chính xác, điều động lực lượng chữa cháy chậm, thiếu tính cấp bách. Hoạt động ở các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng nhiều nơi còn mang tính hình thức, do không có chế độ đãi ngộ nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Một số chủ rừng, cá nhân còn thiếu sự đầu tư cần thiết cho công tác PCCCR, kinh phí dùng cho PCCCR ở xã hầu như không được bố trí từ ngân sách. Đặc biệt như tại huyện Diễn Châu, do không có chủ rừng là tổ chức như Công ty lâm nghiệp hay Ban quản lý rừng phòng hộ, mà chủ rừng chủ yếu là cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân nên ý thức trách nhiệm còn hạn chế, nên rất khó khăn trong việc chỉ đạo, triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.

(Còn nữa)