Ngăn 'Dòng chảy Phương Bắc 2': Mỹ quyết 'trói buộc' châu Âu

(Baonghean) - Mỹ vẫn quyết tâm áp đặt trừng phạt với các công ty tham gia vào dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2", bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu. Các đòn bẩy chính trị và kinh tế chiến lược là điều khiến Mỹ không thể buông bỏ canh bạc này.

Người Mỹ không hài lòng 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" - một công trình hợp tác giữa Nga và các đối tác châu Âu. Các lệnh trừng phạt, vốn bị Liên minh châu Âu (EU) phản đối, nằm trong một dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2020, được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews.

Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" qua lòng biển Baltic. Dự án này trị giá 11 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Sơ đồ dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu. Ảnh: Gazprom.
Sơ đồ dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu. Ảnh: Gazprom.

Lý do của động thái này là Mỹ không muốn châu Âu ngày càng gắn kết với Nga về năng lượng. Washington từng cảnh báo rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow, từ đó giúp gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.

Ngày 17/12 vừa qua, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Dự luật này yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải thảo một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan đến dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" - một đường tuyến ống dẫn khí đốt khác từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ để phân phối tới các khách hàng châu Âu. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.

Bảo vệ cho quan điểm cứng rắn của Washington, bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry tuyên bố: “Chúng tôi phản đối việc sử dụng năng lượng để ép buộc các nước. Chúng tôi vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng việc mua khí đốt từ Mỹ là một sự thay thế rất hấp dẫn đối với các nước châu Âu".

Quan chức Mỹ lập luận rằng, với các dự án đang tiến hành, Nga sẽ vận chuyển một nguồn năng lượng duy nhất từ một quốc gia đến cho EU. Trong khi, 11 quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, lên tới 75% tổng lượng nhập khẩu của họ. Và do đó, “dự án này sẽ tăng cường sự hiện diện của khí đốt Nga ở Tây Âu, cho phép Nga có được nhiều đòn bẩy hơn đối với chính sách đối ngoại của châu Âu”.

“Vì những lý do tương tự, chúng tôi phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2", cũng như dự án khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nhấn mạnh.

Còn Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, việc triển khai thực hiện dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" cung cấp khí đốt của Nga cho Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ khiến Đức trở thành “con tin” của Nga.

Châu Âu có cần Mỹ lo xa? 

Thực tế, các hành động trừng phạt của Mỹ mang rõ động cơ kinh tế và chính trị, chứ không hoàn toàn vì “lo lắng cho châu Âu” như các quan chức Mỹ từng nói. Mỹ mong muốn EU làm bạn hàng năng lượng với mình thay vì là với đối thủ chiến lược. Thái độ áp đặt này bất chấp mong muốn của các đồng minh châu Âu. 

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng: “Nếu dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" không được hoàn thành đúng kế hoạch, người châu Âu sẽ phải bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt bằng việc chi ra từ 8- 24 tỷ euro cho việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Do đó, Washington cố gắng phá vỡ hoặc bằng mọi cách làm chậm quá trình hoàn thành dự án”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy "Dòng chảy Phương Bắc 2" là công trình cấp bách với EU vào lúc này bởi nhu cầu năng lượng của Lục địa Già đã tới “vạch đỏ” đòi hỏi phải có nguồn cung nhanh và ổn định.

Thậm chí, ngay cả khi "Dòng chảy Phương Bắc 2" hoàn thành, EU vẫn có thể rơi vào cảnh thiếu năng lượng. Hồi tháng 10, CEO Tập đoàn Uniper của Đức- một trong các công ty trong liên danh dự án tuyến đường ống khí đốt của Nga, ông Andreas Schierenbeck nói rằng việc đưa vào hoạt động "Dòng chảy Phương Bắc 2" sau khi trong thời gian tới cũng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng ở châu Âu.

Áp đặt trừng phạt với "Dòng chảy Phương Bắc 2", Mỹ muốn kéo các khách hàng châu Âu về với mình. Ảnh: Deustch Welle
Áp đặt trừng phạt với "Dòng chảy Phương Bắc 2", Mỹ muốn kéo các khách hàng châu Âu về với mình. Ảnh: Deustch Welle

Theo ông Schierenbeck, lý do dẫn đến thiếu hụt khí đốt tại châu Âu trong tương lai là do việc sản xuất và cung cấp khí đốt từ Na Uy được dự báo sẽ sụt giảm, trong khi đó nguồn cung khí đốt cho Vương quốc Anh và Hà Lan sẽ không được bảo đảm đủ thông qua tuyến đường ống "Dòng chảy Phương Bắc 2". “Chúng tôi cần phải được cân bằng nguồn LNG,” CEO Schierenbeck nói thêm.

CEO của Uniper nói thêm rằng các bên tham gia liên danh dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" đã hoàn thành việc góp vốn đầu tư cho tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức. Tất cả các vật liệu, đường ống và các mặt hàng khác phục vụ dự án đã được mua sắm đầy đủ chỉ chờ lắp ráp và đi vào vận hành. 

Trên thực tế, "Dòng chảy Phương Bắc 2" đã hoàn thành được 83% tuyến đường ống trong tổng số hơn 2.000 km đường ống, Victor Zubkov - Chủ tịch hội đồng quản trị của Gazprom cho biết: “Đường ống dẫn khí thực tế đang dừng lại trước lãnh hải của Đan Mạch. Sẽ mất 4 đến 5 tuần để hoàn thành mọi thứ" trong trường hợp Đan Mạch bật đèn xanh cho dự án đi qua. 

Không rõ chọn Mỹ và Nga, EU sẽ chịu thiệt và phụ thuộc vào ai nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành sớm dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2", người chịu thiệt hại đầu tiên sẽ là châu Âu. Và hậu quả sẽ sớm xuất hiện./.

Tin mới