Ngân hàng CSXH Nghệ An nâng chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm vay vốn

(Baonghean) - 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An đạt được nhiều thành tích nổi bật. Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về lĩnh vực này.
­P.V: Để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn thì vấn đề quan trọng là phải đảm bảo nguồn vốn. Vậy xin ông cho biết tình hình nguồn vốn thời gian qua như thế nào?
Ông Trần Khắc Hùng: Ban đại diện HĐQT các cấp đã thực hiện phân bổ nguồn vốn được Trung ương giao bổ sung kịp thời, nhờ đó công tác tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng được đẩy mạnh, không để tồn đọng, cụ thể: Nguồn vốn được trung ương thông báo bổ sung trong quý II/2019 là 80,8 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn trung ương giao 559,8 tỷ đồng (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước).
Đến 30/6 các nguồn vốn cơ bản đã giải ngân hết, trừ chương trình cho vay  nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 và chương trình cho vay nhà ở xã hội. 
Nhìn chung nguồn vốn cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Phòng giao dịch ngân hàng CSXH Diễn Châu giải ngân vốn chương trình cho khách hàng. Ảnh: Việt Phương
Phòng giao dịch ngân hàng CSXH Diễn Châu giải ngân vốn chương trình cho khách hàng. Ảnh: Thu Huyền

P.V: Hiện nay, Nghệ An đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Vậy kết quả hoạt động các chương trình tín dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Khắc Hùng: Tính đến 30/6, có 19 chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đạt 8.237 tỷ đồng, tăng trong quý là 226 tỷ đồng và tăng 485 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 6,26%. 
Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số cho vay lớn chủ yếu tập trung vào các chương trình trọng điểm dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nông thôn và vùng khó khăn. 
Ngoài ra, các chương trình tín dụng mới được triển khai quyết liệt, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Triển khai chủ trương cho vay nâng hạn mức và thời gian vay tối đa phục vụ sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/02/2019 của Hội đồng quản trị kịp thời. Công tác triển khai được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch.
6 tháng đầu năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn cho 43.094 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống.
Tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Doanh số cho vay một số chương trình chủ yếu 6 tháng trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Thu Huyền
Doanh số cho vay một số chương trình chủ yếu 6 tháng trên địa bàn Nghệ An. Đồ họa: Thu Huyền
P.V: Điểm giao dịch xã là nơi phát sinh chủ yếu hoạt động giao dịch với khách hàng của Ngân hàng CSXH, do đó để phục vụ ngày càng tốt hơn đối với khách hàng, Chi nhánh đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giao dịch?
Ông Trần Khắc Hùng: Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới máy móc thiết bị; thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm giao dịch xã; chấp hành nghiêm túc lịch giao dịch; các hoạt động giao dịch tại xã được giám sát qua hệ thống camera online; kiểm tra đánh giá, chấm điểm hàng tháng; tổ chức giao ban với chính quyền địa phương, các tổ chức hội nhận ủy thác và tổ TKVV tại điểm giao dịch theo định kỳ để thông báo về kết quả, tình hình triển khai các chương trình tín dụng chính sách…
Nhờ đó, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã không ngừng được nâng cao thể hiện qua các chỉ số phản ánh về hoạt động giao dịch như: giải ngân (97%), thu nợ (83%), thu lãi (98%), thu tiền gửi tiết kiệm (96%); giao dịch nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho khách hàng; mức độ hài lòng của khách hàng ngày càng cao,... 
Bà Lê Thị Xoan ở xóm Hoàng Trù 1, Kim Liên vay vốn chính sách nuôi bò sinh sản. Ảnh: Thu Huyền
Bà Lê Thị Xoan ở xóm Hoàng Trù 1, Kim Liên vay vốn chính sách nuôi bò sinh sản. Ảnh: Thu Huyền

P.V: Hoạt động ủy thác và mạng lưới tổ TKVV đóng vai trò rất quan trọng trong chất lượng tín dụng của ngân hàng chính sách. Ông có thể nói rõ hơn về tình hình hoạt động mạng lưới này?

Ông Trần Khắc Hùng: Thời gian qua, các đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, đôn đốc thu nợ và quản lý chất lượng tín dụng. Doanh số thu nợ 6 tháng đạt 1.170 tỷ đồng; dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đến đạt 8.200 tỷ đồng, chiếm 99,73% tổng dư nợ toàn chi nhánh.
Tổ chức hội các cấp đã phối hợp cùng Ngân hàng giám sát chặt chẽ hoạt động của mạng lưới tổ TKVV, hàng tháng theo dõi chặt chẽ diễn biến các tiêu chí đánh giá hoạt động của tổ TKVV để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời thường xuyên phối hợp rà soát để tham mưu cho UBND cấp xã sáp nhập, kiện toàn các tổ hoạt động không hiệu quả (do quy mô về số lượng thành viên cũng như dư nợ thấp, ban quản lý tổ hoạt động không tích cực,...).
Nhờ đó, mạng lưới tổ TKVV tiếp tục hoạt động ổn định, phát huy tốt vai trò đầu mối quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại thôn, bản.
Công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ vốn vay NHCS của gia đình anh Bùi Xuân Đại ở thôn 5, Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thu Huyền
Công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ vốn vay NHCS của gia đình anh Bùi Xuân Đại ở thôn 5, Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thu Huyền

P.V: Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm, tới đây Chi nhánh cần giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Khắc Hùng: Thời gian tới, bên cạnh duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ và kịp thời bổ sung, kiện toàn bộ máy của Ban đại diện khi có thay đổi nhân sự, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 29 của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch số 463 của UBND tỉnh.
Quan tâm khai thác tối đa các kênh vốn từ trung ương đến địa phương, tiếp tục trình trung ương bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, tập trung nhận nguồn vốn từ Ngân sách địa phương và tích cực huy động nguồn vốn theo lãi suất thị trường, nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ năm 2019 là trên 7%.

Tham mưu, giúp việc cho Ban đại diện HĐQT thực hiện hoàn thành kế hoạch giám sát; tăng cường kiểm tra bộ; rà soát, phân tích, đánh giá và phân loại nợ xấu, nợ quá hạn để có giải pháp xử lý, quản lý phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ sử dụng vốn của khách hàng. Phối hợp với hội cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức hội cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kiểm tra chuyên đề; chỉ đạo tổ chức hội cấp xã kiểm tra 100% món vay mới trong vòng 30 ngày sau giải ngân nhằm ngăn chặn, phát hiện và thu hồi kịp thời các trường hợp sai sót, sai phạm (nếu có), v.v...

Chi nhánh cũng sẽ thường xuyên quan tâm kiện toàn, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TKVV, nâng tỷ lệ tổ loại tốtđạttối thiểu 94%, tổ loại yếu dưới 0,1%; chỉ đạo hội cấp xã thực hiện nghiêm túc việc tham gia sinh hoạt tổ TKVV để chỉ đạo, giám sát việc bình xét vay vốn nhằm nâng cao chất lượng cho vay ngay từ khâu bình xét./.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tin mới