Ngân hàng CSXH Nghệ An: Tín hiệu tích cực từ nâng hạn mức cho vay

(Baonghean) - Sau 1 năm thực hiện chương trình nâng mức cho vay và thời hạn cho vay, nguồn vốn chính sách ở Nghệ An đã phát huy hiệu quả tốt, nhiều hộ nghèo, hộ chính sách có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất

Tháng 2/2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Từ đầu năm 2019 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng CSXH liên tục có các văn bản về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với nhiều chương trình. Đó là Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 của Hội đồng quản trị - Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/3/2019 các chương trình tín dụng nêu trên được Ngân hàng CSXH cho vay từ 50 triệu đồng/hộ nâng lên cho vay tối đa đến 100 triệu đồng/hộ, thời hạn vay tối đa 120 tháng. 

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho bà con tại điểm giao dịch tại xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Quang An
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho bà con tại điểm giao dịch tại xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Quang An

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, kể từ ngày 8/11/2019 nâng mức cho vay tối đa đối với người lao động 100 triệu đồng/lao động, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không vượt quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm. Tiếp đó, Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/12/2019 nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên (HSSV) từ 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên cho vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV.

Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH như: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ được vay với mức tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay và không phải bảo đảm tiền vay.

Chị em tổ tiết kiệm và vay vốn làng Xiềng, Môn Sơn, Con Cuông phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền
Chị em tổ tiết kiệm và vay vốn làng Xiềng, Môn Sơn, Con Cuông phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền

Đối với thời hạn cho vay, Ngân hàng CSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng (thời hạn cho vay hiện nay là 60 tháng), theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.

Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ. 

Cán bộ Ngân hàng chính sách cùng tổ vay vốn thăm mô hình vay vốn của hộ chị Nguyễn Thị Trinh ở xóm Mới Lập, xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Cán bộ Ngân hàng chính sách cùng tổ vay vốn thăm mô hình vay vốn của hộ chị Nguyễn Thị Trinh ở xóm Mới Lập, xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng CSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng, miền trong toàn quốc là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh

Phát huy hiệu quả vốn vay

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện cho vay bổ sung và nâng mức vay đến ngày 31/1/2020, tổng dư nợ 8.390 tỷ đồng, trong đó cho vay bổ sung cho những hộ có nhu cầu sử dụng vốn vay tăng thêm và những hộ vay mới, số tiền 21,1 tỷ đồng, hơn 1.000 khách hàng vay vốn. Một số chương trình có dư nợ cao như chương trình HSSV số tiền vay 13 tỷ đồng, gồm 912 khách hàng, bình quân 1 khách hàng vay 14 triệu đồng. Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo số tiền vay 6,7 tỷ đồng, gồm 98 khách hàng, bình quân 1 khách hàng vay trên 68 triệu đồng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm số tiền 1,3 tỷ đồng, gồm 15 khách hàng, bình quân mỗi khách hàng được vay trên 86 triệu đồng. 

Từ vốn vay NHCS, nhiều hộ dân ở Anh Sơn thoát nghèo. Ảnh - Thu Huyền
Từ vốn vay NHCS, nhiều hộ dân ở Anh Sơn thoát nghèo. Ảnh: Thu Huyền

Một số phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện giải ngân lớn như: Diễn Châu 1,64 tỷ đồng, Thanh Chương 2,2 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 850 triệu đồng, TP. Vinh 2 tỷ đồng, Đô Lương 1,35 tỷ đồng… Tại huyện Thanh Chương, hộ Nguyễn Doãn Vũ, ở thôn Tràng Thọ, xã Xuân Trường vay 80 triệu đồng để mua máy cày đa chức năng; hộ Nguyễn Thị Hoài, ở xóm 3, Trần Thị phương ở xóm 5, xã Thanh Hà, mỗi hộ vay 100 triệu đồng để mua trâu sinh sản và trồng chè; hộ Hoàng Thị Sang ở xóm An Hòa, xã Thanh An, số tiền vay 100 triệu đồng trồng chè, trồng keo. Hiện nay các hộ này đều phát huy hiệu quả vốn vay, phát triển kinh tế hộ.

Tại huyện Quỳnh Lưu, hộ anh Chu Văn Cường ở xóm 3, xã Quỳnh Giang, vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt, ngan; hộ Lê Bá Quang ở xóm 10, xã Quỳnh Hậu vay 100 triệu đồng để mua máy trộn bê tông, máy làm thép xây dựng công trình; hộ Trần Thị Hiền ở xóm 11, xã Quỳnh Hậu, vay 100 triệu đồng để mua bò sinh sản, nuôi cá, gà, vịt.

Nhiều đối tượng chính sách ở Thị xã Hoàng Mai phát triển kinh tế hiệu quả nhờ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh Thu Huyền
Nhiều đối tượng chính sách ở Thị xã Hoàng Mai phát triển kinh tế hiệu quả nhờ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Thu Huyền

Tại thị xã Hoàng Mai, anh Nguyễn Văn Nhân ở khối Hồng Phong, phường Quỳnh Phương vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nâng cấp xưởng gỗ. Anh Nhân cho hay: “Năm 2019 tôi đầu tư nâng cấp xưởng gỗ để mở rộng quy mô sản xuất. Số vốn để nâng cấp cần 200 triệu đồng, gia đình đang chưa biết vay ở đâu vừa đảm bảo lãi suất không quá cao, thời hạn vay dài để có thời gian trả nợ thì được tổ chức Đoàn ở địa phương thông tin về nguồn vay mới của Ngân hàng CSXH. Với số vốn vay 100 triệu đồng thời hạn vay 40 tháng, lãi suất 7,92%/năm cộng với số vốn tự có 100 triệu đồng đã giúp gia đình tôi thực hiện được kế hoạch nâng cấp nhà xưởng kinh doanh của mình. Hiện nay việc sản xuất ở xưởng mộc hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho con em trên địa bàn”.

Chị Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Hoàng Mai cho biết, hiện nay trên địa bàn mới có 3 hộ vay nâng mức, mỗi hộ từ 80 - 100 triệu đồng. Mặc dù cho vay nâng mức tạo điều kiện cho đối tượng chính sách phát huy hiệu quả đồng vốn, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng trong việc xét duyệt hồ sơ để làm sao đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng lợi dụng chương trình để “vay ké”…
Tập trung giải ngân trên tinh thần thận trọng cho vay đối với chương trình nâng hạn mức cũng là tư tưởng của nhiều địa phương hiện nay. Với sự vào cuộc trách nhiệm của cán bộ Ngân hàng CSXH cũng như các tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương, dự kiến năm 2020 chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục tăng trưởng dư nợ tối thiểu 8%, dự kiến tăng 860 tỷ đồng./.

Tin mới