Ngân hàng xử lý thế nào khi chủ tài khoản ‘khủng’ đột ngột qua đời?

Không ít khách hàng là chủ của những tài khoản lớn trong ngân hàng đột ngột qua đời mà không kịp để lại di chúc thừa kế.
Trong trường hợp này, người thừa kế sẽ phải làm các thủ tục gì để lĩnh tiền? Vấn đề này đang được không ít độc giả băn khoăn, thắc mắc.

Chuyên gia ngân hàng - tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước hết cần xác định người thừa kế là ai? Sau đó, họ phải làm các thủ tục chứng minh mình là người thừa kế của khoản tiền đứng tên người đã mất. “Khi ngân hàng tìm ra được gia đình của người mất thì thường là chủ gia đình đó sẽ là người đứng ra nhận lại số tiền.
Trong trường hợp chủ tài khoản bị mất phải chịu thuế của Chính phủ, nếu có công văn của Sở thuế gửi đòi thuế thì ngân hàng sẽ trích một phần tiền để trả. Số còn lại sẽ được giao cho chủ gia đình người mất”, tiến sĩ Hiếu phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế, không khó để xác định người được hưởng thừa kế của chủ tài khoản ngân hàng bị mất đột ngột. (Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia kinh tế, không khó để xác định người được hưởng thừa kế của chủ tài khoản ngân hàng bị mất đột ngột. Ảnh minh họa

Đối với trường hợp chủ tài khoản ngân hàng là một người "đơn thân độc mã", không có người thừa kế, không có ai trong gia đình, cũng không xác định được văn tự thừa kế thì ngân hàng sẽ báo cho Chính phủ và yêu cầu Chính phủ xử lý. "Số tiền này thường là sẽ được sung công quỹ chứ ngân hàng không được phép lấy", ông Hiếu cho biết thêm.

Chia sẻ ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Văn phòng Luật sư Better Law) cho biết, theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự cụ thể.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, nếu bố, mẹ đã mất, thì vợ/chồng và con của người đã mất (nếu có) thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế hợp pháp.
Để rút được tiền trong tài khoản ngân hàng, vợ/chồng phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của người đã mất.
Người thừa kế cần liên hệ với tổ chức công chứng ở địa phương và xuất trình những giấy tờ sau để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của người đã mất: giấy chứng tử của người đã mất; giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy tờ tùy thân của vợ/chồng người đã mất (CMND, hộ khẩu); văn bản khai nhận di sản (có công chứng, chứng thực)...

Tin mới