Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày 16/2/1995 (cách đây 28 năm) Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được thành lập, tạo nên “bước ngoặt” quan trọng trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở nước ta.

Cán bộ BHXH huyện Nghi Lộc đến từng nhà dân vận động, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT để hưởng các quyền lợi. Ảnh: BHXH cung cấp

Cán bộ BHXH huyện Nghi Lộc đến từng nhà dân vận động, thuyết phục bà con tham gia BHXH, BHYT để hưởng các quyền lợi. Ảnh: BHXH cung cấp

Cùng điểm lại những “mốc son” trên chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng và của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế nói chung.

Năm 1995: Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra đời tạo nên “bước ngoặt” lớn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội ở nước ta.

Năm 2002: Hợp nhất tổ chức Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ thế giới.

Năm 2006: Luật Bảo hiểm xã hội ra đời - Bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước về Bảo hiểm xã hội.

Năm 2008: Luật Bảo hiểm y tế ra đời - Dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế.

Năm 2012: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lãnh đạo chuyên sâu về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Năm 2013: Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm.

Năm 2014: Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Năm 2016: Chính phủ ban hành các Nghị định tiếp tục khẳng định vai trò, nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đẩy mạnh giao dịch điện tử lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Năm 2018: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội.

Năm 2020: Phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại.

Năm 2021: Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; Chính phủ ban hành gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Năm 2022: Nhiều “đột phá” trong lĩnh vực chuyển đổi số Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, cung cấp thêm nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

BHXH Hưng Nguyên hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VssID trên điện thoại di động. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

BHXH Hưng Nguyên hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VssID trên điện thoại di động. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Để đạt được những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực với các dấu mốc quan trọng nêu trên là nhờ vào sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức;…

Trong đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; hầu hết các tỉnh, thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, phấn đấu của công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng:

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: Số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần;

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần);

Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần;

Số người tham gia Bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân.

Theo đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Những kết quả này là minh chứng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.

Tin mới