Ngành giáo dục mang tết sớm đến với giáo viên và học sinh vùng khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những chuyến quà tết đến với học sinh và giáo viên 6 huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An đã được ngành giáo dục duy trì nhiều năm nay. Đằng sau những món quà nhỏ, ý nghĩa chứa đựng sự tri ân, san sẻ và đồng hành với giáo viên và học sinh vùng khó.

Những chuyến quà tết chở niềm vui

Chuyến công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức vào những ngày cuối cùng của học kỳ 1 và chỉ ngày mai các em sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy vậy, không khí tết dường như vẫn còn khá xa vời với nhiều giáo viên và học sinh vùng cao, nhất là với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Một chiếc áo ấm, một món quà tết... là điều quá xa xỉ với nhiều gia đình học sinh lúc này.

Đến với xã Bắc Lý (Quỳ Hợp), đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo mang đến gần 200 suất quà, trong đó, có 60 suất quà cho học sinh, 100 suất quà cho bà con nhân dân và 30 suất quà cho các giáo viên đang công tác tại trường mầm non, tiểu học và THCS của xã.

Từ bản Phiếc Khăm 1 (Bắc Lý, Quỳ Hợp), vợ chồng chị Xeo Ma Chờ vượt đường núi chở con gái Xeo Khánh Minh – 4 tuổi xuống UBND xã để nhận quà. Cầm trên tay món quà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng, chị cho biết: Nhà chúng tôi có ba người con, vợ chồng đều làm nông, thuộc diện hộ nghèo nên tết chẳng mấy khi có gì. Giờ nhận được món quà, nhà tôi vui lắm, tôi sẽ dùng số tiền này để mua cho các con bộ quần áo mới.

Nhiều món quà tết đã mang đến niềm vui cho học sinh vùng khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều món quà tết đã mang đến niềm vui cho học sinh vùng khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên lần đầu được tham dự chương trình Tết vì người nghèo, được nhận quà của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không khỏi xúc động. Chị Vi Thị Lệ là nhân viên văn thư của Trường mầm non Châu Kim – Quế Phong. Ra trường đã gần 10 năm, trải qua nhiều việc làm khác nhau, mãi đến năm 2021 chị mới được vào biên chế.

Tuy nhiên, với trình độ trung cấp, thời gian công tác còn ngắn nên đến nay cộng thêm cả phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn, mỗi tháng chị cũng chỉ nhận được 3 triệu đồng. Với số tiền này, để trang trải cuộc sống gia đình thực sự khó khăn và vất vả...

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo huyện Quế Phong trao quà cho giáo viên khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo huyện Quế Phong trao quà cho giáo viên khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Tết đến, nhưng chị lòng nặng trĩu nỗi lo, trong khi đó, với giáo viên người lao động ngành giáo dục, chẳng mấy khi nghĩ đến chuyện thưởng tết, quà tết.

Đó cũng là lý do vì sao, năm nay khi nhận được quà tết từ đoàn công tác của Sở chị rất bất ngờ và xúc động: Chúng tôi công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn vất vả là điều dường như đã quen thuộc.

Trao quà tết cho giáo viên của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà.
Trao quà tết cho giáo viên của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà.

Bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, đều xác định rõ công việc đặc thù của mình nên vẫn nỗ lực gắn bó với nghề. Điều tôi vui mừng đó là dù xa xôi nhưng ngành vẫn nhớ và quan tâm đến giáo viên vùng cao và đó là động lực để chúng tôi cố gắng và hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình.

Qua các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, nhiều giáo viên cũng chia sẻ rằng, với giáo viên trong ngành giáo dục, hầu như không có thưởng tết. Có chăng, trường nhiều thì 500-600 nghìn đồng trường ít thì 200-300 nghìn đồng, được nhà trường trích từ nguồn tiết kiệm chi để động viên các giáo viên về Tết.

Từ những khó khăn này, nhiều năm nay, vào dịp Tết đến, ngành giáo dục đã dành hàng trăm triệu đồng để đến trực tiếp tại các nhà trường trao tặng quà cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 2 ngày 11 và 12/1, đoàn đã mang đến gần 700 suất quà để tặng 180 giáo viên, 360 học sinh và 100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở 6 huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, ngành dành khoảng 600 triệu đồng để trao tặng nhiều giáo viên và học sinh ở các địa phương khác. Trong số này, ngoài nguồn huy động đóng góp từ đội ngũ giáo viên trong toàn ngành còn có 120 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học tỉnh, 360 triệu đồng của tập đoàn TH và 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vượt khó để chăm lo giáo dục vùng cao

Chương trình trao quà cho giáo viên, học sinh vùng khó khăn được ngành giáo dục thực hiện nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thành Quý giúp đỡ người nghèo đón Tết Quý Mão năm 2033. Hoạt động này cũng thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của dân tộc trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Qua đó, cũng gửi gắm những tình cảm và thể hiện sự đồng hành của ngành đối với giáo dục, với giáo viên và học sinh vùng cao.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm nên cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn các huyện miền núi được đầu tư xây dựng. Ảnh: Mỹ Hà

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm nên cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn các huyện miền núi được đầu tư xây dựng. Ảnh: Mỹ Hà

Đây cũng là dịp ý nghĩa để lãnh đạo ngành giáo dục đến thăm và tìm hiểu về tình hình dạy học ở các nhà trường.
Trong chuyến đi ngày 12/1, đoàn đã đến trực tiếp tại các Trường Tiểu học và THCS Châu Kim (Quế Phong), UBND xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), Trường THCS Tam Đình (Tương Dương) và Trường Tiểu học Chi Khê (Con Cuông). Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành vui mừng bởi dù đều đóng tại các vùng khó nhưng các nhà trường đều nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Nhờ đó, các trường đều có cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học. Tại một số xã vùng sâu vùng xa như xã Bắc Lý, học sinh mầm non, tiểu học và THCS được ở bán trú, giúp các em có điều kiện học tập, được chăm sóc và được học các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Những món quà ân tình đã mang tết đến sớm với giáo viên huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Những món quà ân tình đã mang tết đến sớm với giáo viên huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Qua đây, ngành dục cũng tri ân, biết ơn các thầy giáo, cô giáo, những người không ngại khó khăn, vất vả, xa gia đình, xa nhà để ở lại với học trò vùng cao và chăm sóc dạy bảo các em khôn lớn, trưởng thành.

Phát biểu tại chương trình, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, giáo dục miền núi luôn luôn là một trong những nội dung được tỉnh và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và luôn tạo mọi điều kiện để các nhà trường được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như xây dựng một số chính sách riêng của tỉnh.

Công tác giáo dục ở các huyện miền núi cao đang ngày càng được quan tâm, trao cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Công tác giáo dục ở các huyện miền núi cao đang ngày càng được quan tâm, trao cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu để có thêm nhiều chương trình nhằm đầu tư xây dựng trường lớp, hệ thống các trường bán trú ở cả ba cấp học để học sinh ngày càng có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các chương trình giáo dục tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thời gian tới, ngành cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà trường về chuyên môn thông qua các chương trình như "Phòng giúp phòng", "Trường giúp trường" và tạo điều kiện để các nhà trường được trang bị thêm về trang thiết bị dạy học và các dụng cụ thiết yếu để phục vụ bán trú ở các nhà trường...

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thời gian tới, đội ngũ giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận với công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học chuyển từ dạy học theo hướng tiếp cận kiến thức sang dạy học theo hướng tiếp cận người học để giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực, phát huy năng khiếu, sở trường, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

Để làm được điều này, các giáo viên cũng cần tận tậm, chịu khó nghiên cứu, vượt lên những khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh. Ngoài ra, các nhà trường cũng cần thay đổi cách quản lý, cách làm giáo dục. Về phía học sinh cần thay đổi cách học, chăm chỉ, nỗ lực học tập để sau này thành người có ích cho xã hội.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trò chuyện với giáo viên và học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trò chuyện với giáo viên và học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà

Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, lãnh đạo Sở cũng đã chúc mừng các thầy cô, các em học sinh một năm mới mạnh khỏe, tràn ngập tình yêu thương và đạt được nhiều thành tích trong học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra./.

Tin mới