Ngành Giao thông khẳng định không được giao phê duyệt chuyến bay 'giải cứu'

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu, "combo".

Thông tin trên được Bộ Giao thông Vận tải phát ra tối 19/2 để phản hồi về công văn của Cơ quan điều tra Bộ Công an về việc đề nghị cung cấp thông tin để làm rõ vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Theo đó, thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức chuyến bay đưa người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn về nước khi Covid-19 bùng phát, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng để bảo hộ công dân.

Bộ Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay theo kế hoạch được Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phê duyệt. Đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế với tất cả các chuyến bay. Hơn nữa, Cục Hàng không chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và các quy định về phòng chống dịch.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không được giao trách nhiệm trong việc tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay "combo". Ngành Giao thông trên tinh thần phối hợp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức chuyến bay sớm nhất để đáp ứng nguyện vọng được về nước của người dân.

Công dân trên chuyến bay từ Vũ Hán về nước, tháng 2/2020. Ảnh: Vietnam Airlines
Công dân trên chuyến bay từ Vũ Hán về nước, tháng 2/2020. Ảnh: Vietnam Airlines

Hai ngày trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có công văn gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề nghị Bộ này chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào? Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông Vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, giải cứu như thế nào?

Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay giải cứu; danh sách công dân về nước cùng các hợp đồng, chi phí thanh toán của các chuyến bay này.

Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông Vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay combo, giải cứu.

Bị can Nguyễn Thị Hương Lan (trái) và Đỗ Hoàng Tùng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Bị can Nguyễn Thị Hương Lan (trái) và Đỗ Hoàng Tùng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao) cùng ba người tại Bộ này là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao). Cả 4 người đều bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Các bị can này bị cáo buộc có hành vi "trục lợi cá nhân" khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Hiện, sai phạm cụ thể chưa được Bộ Công an công bố.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.

Trước vấn nạn này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó cho biết, công dân không nên liên hệ với các trang thông tin không chính thống hay môi giới trung gian. Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật.

Tin mới