Ngành thanh tra Nghệ An kiến nghị xử lý 30 tổ chức, 110 cá nhân có sai phạm

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những số liệu báo cáo của ngành Thanh tra tại cuộc họp thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII vào sáng 1/12.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Nga.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì.  Tham dự có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.Ảnh: Mỹ Nga.

Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe và cho ý kiến về các báo cáo: về công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2017, nhiệm vụ năm 2018; về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; về kết quả phòng, chống tham nhũng; báo cáo về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, trong và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông

Góp ý vào báo cáo về công tác đảm bảo an toàn giao thông, các đại biểu đánh giá bản báo cáo của UBND tỉnh đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, đầy đủ, đảm bảo căn cứ pháp lý, nội dung và hình thức theo quy định. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, những kết quả đã đạt được cho thấy tính tích cực của các chương trình, kế hoạch đảm bảo giao thông trong năm 2017, không chỉ góp phần kiềm chế những rủi ro trong giao thông, mà còn góp phần đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết 56/2016 của HĐND tỉnh về giải tỏa vi phạm hành lang giao thông, đại đa số các đại biểu cho rằng, trong báo cáo cần phải nêu được tính bền vững về công tác thực hiện. Điều quan trọng là các biện pháp tuyên truyền, xử lý phải hướng đến nâng cao  ý thức tự giác chấp hành luật lệ, văn hóa giao thông của người dân thì mới tạo sự thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền tiếp thu và đóng góp ý kiến vào bản báo cáo về an toàn giao thông năm 2017. Ảnh: Mỹ Nga
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền tiếp thu và đóng góp ý kiến vào bản báo cáo về an toàn giao thông năm 2017. Ảnh: Mỹ Nga

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số nội dung như: số lượng và nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; trách nhiệm, vai trò của các doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông; xây dựng kế hoạch tuyên truyền năm 2018 bám sát vào chủ đề “An toàn trẻ em” của Chính phủ; đề ra những giải pháp cụ thể để giáo dục, chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của người dân; đẩy mạnh sử dụng ứng dụng CNTT trong quản lý, kiểm tra và giám sát; ...

Cần chế tài xử lý nghiêm cán bộ vi phạm 

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng cho biết, toàn ngành thanh tra đã triển khai 322 cuộc thanh tra hành chính tại 720 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 350 đơn vị được thanh tra có vi phạm với số tiền vi phạm và kiến nghị xử lý là 69,027 tỷ đồng; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý liên quan 94.560,17m2 đất. Thu hồi về ngân sách 15,830 tỷ đồng, đạt 83,9%, thu hồi 10.459m2 đất, đạt 100%. Qua thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính 30 tổ chức và 110 cá nhân có sai phạm.

Qua công tác thanh tra, thẩm định dự toán, thẩm tra quyết toán, kiểm soát thu, chi ngân sách và công tác điều tra, kiểm sát, xét xử của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phát hiện tổng giá trị sai phạm 291,977 tỷ đồng (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2016).

Đại biểu Nguyễn Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐNT tỉnh đóng góp ý kiến vào các báo cáo. Ảnh: Mỹ Nga.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đóng góp ý kiến vào các báo cáo. Ảnh: Mỹ Nga.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện các quy định về công khai, minh bạch hoạt động, đặc biệt trong các lĩnh vực như: quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công và xây dựng cơ bản; tài chính ngân sách nhà nước; huy động và sử dụng tài sản đóng góp của nhân dân; quản lý sử dụng đất…

Góp ý vào nội dung báo cáo, các đại biểu cho rằng, trong phần tồn tại và hạn chế cần chỉ ra nguyên nhân và giải thích rõ ràng. Qua thực tế thu nhận được trong những đợt giám sát, tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho biết cần đẩy mạnh hoạt động giám sát cộng đồng. Song song với đó cần phải có chế tài để xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời các vụ việc...

Ngoài ra các đại biểu đề nghị cần đưa ra các chế tài mang tính răn đe, phòng ngừa trong các nội dung trọng điểm như: quản lý tài sản công, quản lý đất đai, công tác cán bộ. 

Liên quan đến báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, các đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung như: tiêu đề, bố cục báo cáo; nguyên nhân tồn tại; kết quả đánh giá việc khiếu kiện của công dân tại toà án, vai trò của luật sư trong việc giải quyết khiếu kiện; tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân nhận thức đúng về Luật tố cáo;...

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Nga.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Nga.

Kết luận cuộc họp thẩm tra, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu dự họp để xây dựng và hoàn thiện các báo cáo; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp tục chỉnh sửa về bố cục, bổ sung, chỉnh lý số liệu, trong đó các giải pháp phải rõ ràng hơn, từ đó hoàn thiện tờ trình, dự thảo và các tài liệu liên quan để trình tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh sắp tới. 

Mỹ Nga 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới