Ngày Môi trường Thế giới: Con đường nào tiến tới Kinh tế Xanh?

Khi nền kinh tế đang phụ thuộc quá lớn vào mô hình phát triển “kinh tế Nâu” thì lựa chọn con đường phát triển “Kinh tế Xanh” phù hợp là điều đang khiến các nhà quản lý, các nhà khoa học phải bàn tính kỹ.

Thay đổi tư duy phát triển

Chủ trương phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Việt Nam hiện nay phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Các chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua cũng cho thấy, phát triển bền vững, gắn với tăng trưởng xanh là tất yếu. Tuy nhiên, để hướng tới một Kinh tế Xanh phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam thì đấy là vấn đề cần phải bàn tính.

Khái niệm Kinh tế Xanh hiện nay còn khá mới mẻ. Trên thế giới, khái niệm, quan điểm này còn chưa rõ ràng. Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Môi trường, cách tiếp cận mô hình Kinh tế Xanh hoàn toàn khác so với cách tiếp cận của “Mô hình kinh tế nâu”.

Việc thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại mô hình phát triển kinh tế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là không dễ thực hiện. Nếu không có những nhận thức đầy đủ và chính sách, việc thực hiện Kinh tế xanh của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, ngoài việc công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu thì hiện nay việc đổi mới công nghệ ở Việt Nam còn chậm, trong khi đó các hoạt động nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ mới còn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả cao. Điều này dẫn tới việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.

Ngoài ra, việc đầu tư cho thực hiện Kinh tế Xanh của Việt Nam còn hạn chế, các địa phương đến ngành, doanh nghiệp, việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên chưa được chú ý.

Là quốc gia có số lượng dân số đông nhưng đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen trong việc lựa chọn sản phẩm sinh thái. Đây là rào cản trên con đường đi tới xanh hóa nền kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, đến nay trong suy nghĩ và hành động của các cộng đồng trong xã hội trong đó có cả ở bộ phận không nhỏ những người hoạch định và quyết định chính sách phát triển vẫn còn coi trọng tăng trưởng kinh tế mới là mục tiêu cần ưu tiên, còn tài nguyên môi trường chỉ là phương tiện cho mục tiêu kinh tế. Tư duy này phản ánh kiểu phát triển “kinh tế trước, môi trường sau”.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, để phát triển Kinh tế Xanh thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy này, nhưng sự thay đổi thường không dễ dàng và sự điều chỉnh, thay đổi tư duy hành động “kinh tế trước, môi trường sau” sang tư duy và hành động đặt các vấn đề tài nguyên và môi trường vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển chắc chắn sẽ không kém phần khó khăn và trở ngại.

Khó khăn lớn nhất nữa là trong suy nghĩ vẫn cho rằng, chi phí bảo vệ tài nguyên và môi trường chủ yếu là chi phí tiêu tốn mà chưa phải là loại chi phí “sinh lợi”.

Bởi vậy, để thay đổi tư duy phát triển gắn với Kinh tế Xanh ở Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn phải có được các minh chứng tính chất sinh lợi của các chi phí cho bảo vệ môi trường, tài nguyên. Đây cũng là một nội dung của việc “gắn các giá trị cho môi trường” với sứ mệnh, nhiệm vụ cộng đồng và quản lý Việt Nam đối với phát triển bền vững nói chung và phát triển Kinh tế Xanh của đất nước nói riêng.

Lựa chọn mũi nhọn

Theo TS Nguyễn Văn Tài – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên & Môi trường (Bộ TNMT): Nền Kinh tế Xanh bao gồm 3 trọng tâm là: Phát triển dựa trên hệ sinh thái, lợi thế về vốn tự nhiên; Phát triển carbon thấp; Phát triển ít chất thải.

Đối với cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay khi đang phụ thuộc nhiều vào khu vực “kinh tế Nâu” – ô nhiễm trước, xử lý sau - thì việc phát triển khu vực Kinh tế Xanh dựa trên cơ sở phát huy những lợi thế về vốn tự nhiên.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xây dựng, thực hiện lộ trình hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, tổ chức thực hiện trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, carbon thấp. Xây dựng năng lực giải quyết các vấn đề môi trường nội tại, giải quyết hậu quả về môi trường do khu vực kinh tế nâu gây ra.

Để làm được điều này, theo ông Tài, chúng ta cần các điều kiện hỗ trợ như: Gỡ bỏ các rào cản chính sách, xóa bỏ các cơ chế bao cấp có hại cho môi trường, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy sản xuất hàng hóa, dịch vụ môi trường, hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Nhà nước hỗ trợ phát triển các “ngành Kinh tế Xanh” mũi nhọn thông qua trực tiếp đầu tư phát triển hoặc thực hiện các chính sách, các gói đầu tư, kích cầu đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường, hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường….

Quan điểm này cũng được ông Peter Droege – Chủ tịch Hội đồng thế giới về năng lượng tái tạo nêu lên trong Hội nghị GreenBiz năm 2011 tại TP HCM. Ông Peter cho rằng, Việt Nam có thể bắt đầu phát triển Kinh tế Xanh với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp – vốn là ưu thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo ông Peter, để làm được điều này, Việt Nam chúng ta cần phải quy hoạch lại mô hình trồng lúa, tăng cường sử dụng những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường.

Đối với vấn đề năng lượng, từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch, Việt Nam cần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió… và dần đưa công nghiệp năng lượng sạch đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng. Vì vậy, Việt Nam nên đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo vì đây là một trong những cách giúp giải quyết cấn đề tăng nhu cầu năng lượng.

Còn Thạc sỹ Nguyễn Song Tùng – Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững cũng cho rằng, trong phát triển ngành mũi nhọn của Việt Nam cho nền Kinh tế Xanh cần nâng giá trị thông qua chế biến tránh tình trạng xuất khẩu “thô” như hiện nay, các ngành sản xuất thế mạnh như: may mặc, da giày… cần chuyển từ vị thế gia công sang vị thế người chủ sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các ngành sản xuất xanh, dịch vụ xanh là một hệ thống đồng bộ nghiên cứu thị trường, quảng bá, tiếp thị, bán hàng… trên khắp thế giới, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia dựa trên chuỗi cửa hàng này và tạo ra hiệu ứng hình ảnh bùng nổ toàn cầu về các giá trị xanh hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam trong thời đại mới./.

Theo VOV - VP

Tin mới