Ngày phố giao mùa

Đã qua những rộn rịp ngày Tết, những con phố có phần lặng lẽ hơn. Và đó là lúc để lòng người tĩnh lại, thấy những mới mẻ đang nhen lên trong lòng mình, cùng xôn xao với những cảnh sắc giao mùa, khi nắng hửng sương tan.

Không ít người yêu phố Vinh vào thời điểm đầu xuân đầy sức sống với những sương mềm nắng nhẹ giao hòa ấy.

Ngày phố giao mùa

Tôi thích theo cô hàng xóm đi thể dục trong những sáng mù sương. Người cách người vài bước chân đã không nhìn rõ mặt nhưng chỉ nhìn dáng hình ẩn hiện trong sương, nghe tiếng nói tiếng cười, thậm chí chỉ một điệu hắng giọng cũng đã nhận ra nhau. Phố ân tình như một xóm làng nhỏ. Chẳng phải cách như người ta vẫn nghĩ về phố sá, người với người đầy xa lạ. Và dọc con đường đi bộ mỗi sáng ấy, chỉ nhìn ngắm những mầm xanh, những lá non thôi đã cảm thấy như thể được trời đất trao tặng một món quà vô giá.

Phố Vinh mùa này đẹp nhất là những sắc màu cây lá trong sương sớm. Là màu xanh ngọc ngà của những chùm lá bàng non ngời ngời màu sức sống ẩn hiện trong sương. Người lớn bao bận bịu chẳng mấy khi chú ý đến những cây bàng lặng lẽ bên phố, nhưng đám trẻ con thì để ý. Không ít đứa trẻ mê tít say mắt nhìn màu xanh ngờm ngợp của lá bàng non ấy, quả quyết đó là lúc cây bàng đẹp nhất. Bên bàng, là những tán phượng, bằng lăng dọc đường Quang Trung, Đào Tấn xanh rì vươn những lá cành khỏe khoắn, chim chóc ríu rít chuyền cành. Và mùa này, những thân gạo cổ thụ đã kết những chùm nụ bé tí xíu trên vút cao, gieo lời hẹn rất gần với tháng Ba sẽ là mùa hoa bỏng cháy.

Ngày phố giao mùa

Nhưng đặc biệt nhất ở những ngày này lại là màu vàng tươi của loạt lá lộc vừng vừa trút lá như một trận mưa đẹp kiêu hãnh bên con đường Nguyễn Nghiễm, Tô Hiến Thành gần nhà tôi ở hoặc ở rất nhiều góc phố, góc hẻm nhỏ nào đó trong phố Vinh. Cây vội trút lá rào rạt chỉ trong vài ba ngày. Và chỉ dăm tuần sau lá đã khoác áo xanh non, chuyển màu xanh um. Khi người qua đường vẫn chưa hết bỡ ngỡ vì vẻ đẹp căng đầy sức sống của những tán lộc vừng xanh um bên phố nhỏ thì cây đã bất ngờ đơm nụ, kết từng chuỗi hoa lộng lẫy, ngời ngời… Lộc vừng phố Vinh gieo những tươi mới lên phố những ngày giêng hai vẫn còn sương giăng.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Từ đám thanh niên cho tới các cụ cao tuổi vẫn có thói quen hẹn nhau ra mấy quán cà phê ven đường Nguyễn Nghiễm, nơi có thể nhìn ra những tán lộc vừng đang chuyển lá mùa này ngay từ những lúc sương chưa tan. Chọn cho mình một góc nhỏ ngồi trên vỉa hè, dù rằng cà phê vỉa hè chưa bao giờ là ấn tượng của phố Vinh. Trời dịu dàng thế kia, những sắc lá xôn xao đến vậy, chỉ ngồi nhìn ngắm một dãy phố nhỏ thôi cũng đã khiến ly cà phê ngon thêm tỉ lần. Con đường mờ mờ ảo ảo hơi sương nhưng những sắc vàng tươi của lộc vừng vẫn nổi lên như đốt những tia lửa nhỏ ấm cúng. Cô bạn lãng mạn của tôi thi thoảng vẫn buồn vu vơ chuyện nọ kia một ngày trở thành triết gia khi nhìn lộc vừng thay áo: “Nhìn lá rụng mà chẳng thấy buồn, thấy tươi vui. Những chiếc lá rộn rã như reo ca, đẹp đến cả những giây cuối cùng của đời lá khi đáp xuống mặt đường và cả khi… bị chị lao công hót vào thùng rác. Vậy mà chúng mình phí phạm chi những phút những giây của cuộc sống cho những chuyện buồn?”. Và bạn cười, nụ cười an nhiên đầu năm mới, gác lại hết những lăn tăn phiền muộn bên kia bờ năm cũ.

Ngày phố giao mùa

Màu xanh của những khu vườn nhỏ trong phố ẩn hiện trong sương mai cũng ấn tượng khó tả. Các bà mẹ bỉm sữa dù bận bịu đến mấy cũng không thể không gieo lấy dăm ba luống xà lách, cải cúc mùa này. Và cứ để mặc sương êm, nắng dịu nuôi nấng lũ cây, lũ rau. Có vẻ như chẳng có mùa nào dễ chăm trồng những vườn tược, những luống rau hơn mùa này. Dường như chỉ cần mất chút công sức gieo hạt, rồi cây cứ tự lớn, cứ tự tươi đền đáp vô tư lại công người. Và vì đến những luống cây nhỏ cũng dễ chịu đến vậy nên những khóm cải già trong vườn sót lại dăm ba đóa hoa vàng li ti, dăm luống cải cúc không kịp hái nở hoa trắng pha vàng nơi góc vườn cũng trở nên thân thương, đáng yêu chi lạ.

Với hầu hết những đứa trẻ, một khu vườn nhỏ, hay thậm chí chỉ là vài mét ban công nhỏ với những chậu cây xinh xinh đã là cả một gia tài vô giá trong kí ức tuổi thơ. Ở đó, những sáng mùa xuân có thể ngắm những chuỗi sương trên những mạng tơ mỏng cô nhện nào đó đã chăm chỉ giăng mắc tự bao giờ. Những giọt sương bện nối nhau, nhỏ li ti và óng ánh vỡ ra trong nắng sớm đẹp tới mức hình dung ngọc ngà châu báu trong những câu chuyện cổ tích có lẽ cũng chỉ đẹp đến thế là cùng. Ở đó, chúng có thể được học những bài học giản dị khi nhìn cách ông bà bố mẹ đối đãi với những góc vườn xinh, những cái cây bé.

Ngày phố giao mùa

Tôi nhớ tới cây hồng cổ Sapa của ông tôi trồng trước sân nhà. Gốc hồng có vài chục năm tuổi, có từ lúc tôi còn chưa ra đời. Khi tôi biết ngắm một bông hoa đẹp thì cây hồng đã nở hoa bung lụa trong những sớm mai đầy sương mùa xuân, với màu trắng pha hồng dịu dàng không thể tả. Ông tôi thường đợi đến qua Tết, khi trời đã bớt lạnh để bắt đầu chiết những gốc hồng chắc, khỏe, trao tặng những người thân thương. Khi làm vườn, ông vẫn thi thoảng ngâm nga câu ca: “Mùa xuân là Tết trồng cây…” khiến những đứa cháu đi xa mảnh vườn của ông vẫn luôn bất thần nhớ từng góc vườn, nhớ từng cử chỉ vun xới và điệu ngâm nga của ông vào những sáng xuân dịu dàng. Vẻ mặt của ông giống như bao người lớn tuổi, vẫn ngày ngày chăm chỉ trong khoảnh vườn nhà mình, tìm được hạnh phúc bé nhỏ trong niềm vui sẻ chia những cành những cây hoa đẹp cho bạn hữu.

Cách đây hơn một tuần, tự nhiên nhớ cây hồng của ông tha thiết, điện thoại nhờ ông chiết một cành để mang đi xa. Giọng ông buồn buồn thông báo cây đã chết rồi. Cái chết của một cây hồng mà ông trân trọng như với một người tri ân gắn bó với mình qua bao năm dài tháng rộng, làm đứa cháu phương xa cũng nghèn nghẹn theo.

Tôi học từ ông bài học biết trân quý những cây những hoa vì đem lại cho người nhiều dịu dàng nhất, trọn vẹn nhất. Ông dạy những đứa cháu nhìn vẻ đẹp của hoa, của cả lá, của cả những thân gốc xù xì giữ nhựa cho cây, cả những chiếc gai sắc nhọn giúp cây tự vệ, những chùm rễ nâu đen xấu xí biết chắt lọc dưỡng chất từ Đất mẹ nuôi cây. Chẳng có thứ gì trên một thân cây bé nhỏ sinh ra mà vô ích.

Ngày phố giao mùa

Tôi nhớ bài học về những gốc bạch hạc chỉ nở hoa vào những sáng mùa xuân ở góc vườn nhà ông. Bông hoa đẹp hơn khi biết cúi đầu khi nở. Và người cũng chẳng bao giờ phụ công hoa. Khi cây bắt đầu hé mở những cánh trắng tinh khôi, ông đã nhè nhẹ chuyển chậu cây lên phía trên bể cá, vừa tầm mắt người trân trọng nhìn ngắm. Ở góc ấy, tôi thường ngồi xuống phía dưới, ngóc đầu nhìn lên, thấy bông hoa khiết tinh như một gương mặt hiền thật hiền, mỉm cười với mình. Và tôi mỉm cười với câu nói của ông: “Đâu phải cứ kênh mặt lên trời thì người ta mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của mình?”

Những đứa trẻ lớn lên ở phố Vinh có nhiều may mắn hơn ở những phố thị xô bồ, không còn đất, còn chỗ cho những khu vườn nhỏ, người không còn tâm trí dành cho những khoảng xanh xanh bên ban công nho nhỏ. Những khu vườn mùa này đã tắm tâm hồn những đứa trẻ bằng những kí ức không thể ngọt ngào hơn như thế.

Ngày phố giao mùa

Một lần lên Đà Lạt vào độ rằm Tháng Giêng, tôi tình cờ có dịp ghé một nhà thờ xứ Nghệ ở xứ ngàn hoa. Nhìn ra mảnh sân trước nhà thờ, nắng đang lên, sương mai vân vê nhè nhẹ quanh những đóa hoa mới hé, bất chợt có cảm giác như đang ở xứ sở của mình. Bác Hòa, một người trồng hoa ở Đà Lạt nói, lí do bác chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai là vì cảnh sắc hiểu lòng người thế, có những buổi ngồi uống nước chè xanh, nghe điệu ví câu hò Nghệ Tĩnh mà thấy như ở quê mình.

Ngày phố giao mùa

Nhưng sương phố Vinh mùa này chẳng chùng chình như Đà Lạt, chẳng mù mịt như xứ Bắc. Sương nhè nhẹ như thể một cô bạn có tính cách dịu dàng, đã hẹn đợi mình trước cửa mỗi sáng thức giấc. Và chỉ vài tiếng sau sương đã tan nhanh khi nắng hửng. Những giăng giăng Ngày phố giao mùa như khéo trêu người, vừa mù mịt đấy đã vội tan ngay khi nắng hửng.

Đi qua gần hai mươi mùa sương giăng giăng nơi phố nhỏ, những đứa cùng trang lứa tôi vẫn luôn chiều lòng mình dịu lại, chậm lại vào những ngày trời đất giao hòa với cỏ cây hoa lá cùng lòng người đẹp tươi đến vậy. Sẽ có cô nhỏ lãng đãng chạy xe trên phố, đi trong sương tan thật chậm thật chậm, vu vơ ngước nhìn những vòm lá hoặc đứng thật lâu trước những đóa hoa bé xinh trong vườn nhà. Có khi cô ấy sẽ lẩm nhẩm hát bài hát về tuổi đôi mươi. Bài hát tuổi đôi mươi ấy, những chị U30, U40, những cô U50, U60 đang chạy xe máy, hay ngồi ô tô có khi cũng quên rằng đã lâu lắm rồi mình không hát, bất chợt hát lại vào sáng nay…

Bài: Võ Thu Hương
Ảnh: Hải Vương - Lê Thắng
Thiết kế: Hà Giang
Kỹ thuật: Ngọc Quý