Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Mãi lắng sâu trong ký ức dân tộc

(Baonghean.vn) - Từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm trên đất nước vừa hồi sinh “hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.(*)

Lựa chọn người đức, tài gánh vác việc nước

Sáng ngày 3/9/1945, các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự phiên họp đầu tiên tại Bắc Bộ phủ (Dinh Thống sứ Bắc Kỳ cũ). Chủ tọa phiên họp lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 công việc cấp bách của Cách mạng Việt Nam ngay sau ngày Độc lập, trong đó đề nghị Chính phủ sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu cho Nhân dân. Các bộ trưởng đã thảo luận sôi nổi và hoàn toàn nhất trí những đề nghị của Người.

Nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu

Chỉ 5 ngày sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ đã ký ban hành Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 về việc mở cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Ban đầu, thời gian tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước được ấn định vào ngày 23/12/1945. Tuy nhiên, đến sát ngày bầu cử, do các điều kiện khó khăn nên cần thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh cho phép hoãn Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6/1/1946.

Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo và hiểm nguy khi cùng lúc phải đương đầu với nhiều thế lực phản động trong và ngoài nước; chúng ra sức phá hoại ngay từ đầu với nhiều thủ đoạn trắng trợn. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, đã ra sức tiến hành nhiều vụ càn quét, lùng sục, đánh phá, thảm sát trong những ngày chuẩn bị bầu cử và ngay trong ngày bầu cử. Nhưng sự chống phá của kẻ thù không ngăn được cử tri thực hiện quyền công dân của một nước độc lập. Dù đa dạng về thành phần, xuất thân, tầng lớp xã hội nhưng đại đa số cử tri quyết một lòng được tự tay cầm lá phiếu bầu người có đức, có tài để gánh vác việc nước.

Số đặc biệt của Báo Quốc hội ra trong ngày Tổng tuyển cử.
Số đặc biệt của Báo Quốc hội ra trong ngày Tổng tuyển cử.

Sách “Quốc hội khóa I (1946): Chuyện về ngày bầu cử” còn ghi lại, Báo Quốc hội lúc đó đăng lại tin về một cụ bà 85 tuổi ở Quảng Trị kiên trì thắp đèn học chữ Quốc ngữ để đến ngày bầu cử có thể tự tay viết tên ứng cử viên mình chọn lên lá phiếu. Hay ở Nghệ An, một cụ bà khi được cầm trên tay lá phiếu trong ngày bầu cử đã xúc động: “Đời tôi hơn 60 năm đi ở đỡ, đi làm đầy tớ cho người, chẳng ngờ lại có ngày biết viết chữ lên tờ giấy để chọn người tài, đức. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi”. Có nơi ở Nam Trung Bộ, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra dưới làn bom đạn của kẻ thù, chiến sỹ du kích một tay cầm súng, một tay cầm lá phiếu...

Trên 97% cử tri Nghệ An đi bầu cử

Hòa chung cùng cả nước, lúc đó tại Nghệ An công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên hết sức khẩn trương. Trước ngày bầu cử hàng tuần lễ, danh sách cử tri được niêm yết công khai, danh sách những ứng cử viên cũng được công bố rộng rãi trước đông đảo quần chúng. Ngoài những người do Mặt trận Việt Minh giới thiệu, còn có một số liên minh và ứng cử viên tự do. Toàn tỉnh Nghệ An lúc đó được bầu 12 đại biểu, riêng thị xã Vinh là một đơn vị bầu cử độc lập với Nghệ An được bầu 2 đại biểu.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946. Ảnh: Tư liệu
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh còn thuật lại: Đúng ngày 6/1/1946, toàn dân nô nức đi bầu. Tại nhiều điểm bầu cử trong thị xã, nhân dân đã tham dự rất đông, thậm chí những người già yếu, ốm đau mà con cháu không thể dìu ra chỗ bỏ phiếu thì có người mang hòm phiếu đến tận nhà để họ thực hiện quyền cử tri. Kết quả tại thị xã Vinh, ứng cử viên Trần Văn Cung, đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu và ứng cử viên Nguyễn Tạo, Trưởng Ty Công an Nghệ An đã trúng cử.

Trên toàn tỉnh Nghệ An, Đảng bộ tỉnh đã cùng các cấp chính quyền, các đoàn thể vận động quần chúng tham gia cuộc Tổng tuyển cử. “Đó thực sự là một ngày hội lớn. Khắp nơi nơi, cờ dong, trống mở rộn ràng, khẩu hiệu chăng đầy những chỗ đông người qua lại. Trên 97% tổng số cử tri trong toàn tỉnh đã nô nức đi bỏ phiếu”, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An tập 1 (1930 - 1954) của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia viết. Bà Tôn Thị Quế quê ở làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Nghệ An và là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của cả nước. Ở tỉnh ta, sau ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, còn có một dấu mốc lịch sử quan trọng là ngày bầu cử HĐND các cấp đầu tiên - ngày 24/2/1946. Lúc đó, cử tri trong tỉnh bầu 39 đại biểu đại diện cho nhân dân vào HĐND tỉnh. Ngày 23/3/1946, HĐND tỉnh họp phiên đầu tiên bầu Ủy ban hành chính tỉnh do ông Lê Viết Lượng làm Chủ tịch.

Sau tổng tuyển cử, nhân dân đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội, trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ. Ảnh Tư liệu
Sau Tổng tuyển cử, nhân dân đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội, trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73. Có 10 đại biểu nữ. Ảnh: Tư liệu

75 năm đã trôi qua song ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên 6/1/1946 - ngày khai mở cho lịch sử lập hiến nước Việt Nam độc lập, tự do vẫn mãi mãi lắng sâu trong ký ức dân tộc. Nói về ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút rằng: “… Cuộc Tổng tuyển cử là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. 

------------------------------------------------

(*) Trích trong bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử" của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945

Tin mới