Nghệ An: 240 ha nuôi tôm an toàn sinh học

(Baonghean.vn) - Nghệ An có 165 hộ nuôi tôm mặn lợ theo quy trình an toàn sinh học (ATSH), VietGAP, với diện tích 240 ha ao đầm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 1.800 - 2.000 tấn tôm thương phẩm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ 3 ha ao đầm nuôi tôm thuộc vùng VietGAP của xã Quỳnh Lương, (Quỳnh Lưu) cho biết, nuôi tôm ATSH mặc dù đầu tư khá nhiều về hạ tầng, ao đầm... nhưng giảm được chi phí trong quá trình chăm sóc, con tôm bớt dịch bệnh, vùng nuôi tôm cũng giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Vì vậy, năng suất tôm luôn ổn định, 3 ha ao nuôi tôm này mỗi năm ông Thắng thu hoạch được trên 20 tấn tôm thương phẩm, chưa kể ông còn sử dụng 2.000 m2 để nuôi tôm vụ 3 cho thu hoạch đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm 4, xã quỳnh Lương kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm 4, xã quỳnh Lương kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng 
Được sự hỗ trợ của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, những năm qua Chi cục Thủy sản đã triển khai xây dựng 7 vùng nuôi tôm ATSH với diện tích 240 ha của 165 hộ nuôi tôm tại các địa phương: Phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, xã Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai); xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); xã Diễn Trung (Diễn Châu).

Hàng năm tại 7 vùng nuôi an toàn sinh học cung cấp cho thị trường từ 1.800 - 2.000 tấn tôm nuôi thương phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Trần Xuân Quang - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết: Vụ tôm chính này toàn bộ 240 ha ao đầm nuôi tôm ATSH trong toàn tỉnh sẽ được nuôi thả theo quy trình VietGAP. Đến thời điểm này, người nuôi tôm đã thả được khoảng 230/240 ha, còn 10 ha thả muộn hơn, do diện tích ao đầm này, người sử dụng nuôi tôm vụ 3 nên chưa thu hoạch kịp.
Phần lớn diện tích ao đầm nuôi tôm ATSH được người dân đầu tư lót bạt chống ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Xuân Hoàng
Phần lớn diện tích ao đầm nuôi tôm ATSH được người dân đầu tư lót bạt chống ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Xuân Hoàng 
Ông Quang cho biết: Nuôi tôm theo quy trình ATSH nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. 

Các hộ nuôi tôm ATSH được đào tạo, tập huấn về kiến thức ATSH, VietGAP, các quy định của Nhà nước; được tiếp cận những quy trình kỹ thuật nuôi về đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Vì vậy, người nuôi có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường chung và sản phẩm an toàn cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin mới