Nghệ An: 3 đối tượng có nguy cơ hưởng lương hưu thấp

(Baonghean) - Những ngày qua, thông tin một giáo viên mầm non ở tỉnh Hà Tĩnh khi về hưu chỉ nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng đang khiến nhiều người xôn xao. Thực trạng tương tự đang diễn ra với nhiều giáo viên mầm non ở Nghệ An do yếu tố “lịch sử để lại”. Ngoài ra, còn có hàng nghìn người lao động khác có nguy cơ hưởng lương hưu thấp do chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Nỗi niềm... lương hưu

Tháng 6 vừa rồi, cô giáo Nguyễn Thị Vỹ, giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân (Nam Đàn) chính thức nghỉ hưu. Những tưởng đây là thời gian cô có thể vui vẻ, thoải mái sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, nhưng ngược lại, nghỉ hưu xong cô sụt mất 4kg. Nói về nỗi “oái ăm” này, cô tâm sự: “Tôi về hưu, cầm quyết định của cơ quan BHXH mới biết lương hưu của mình chỉ được 1,3 triệu đồng/tháng. Số tiền này, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm đi làm thì làm sao để xoay xở được”.

Kiểm tra hồ sơ cho người lao động tại BHXH huyện Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà
Kiểm tra hồ sơ cho người lao động tại BHXH huyện Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà

Cô Vỹ đến với nghề giáo viên mầm non từ năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi. Thời gian đầu, cô công tác ở huyện Tân Kỳ, đến năm 1984 mới chuyển về Nam Đàn. Lúc bấy giờ, do điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên nghề giáo viên mầm non vẫn được gọi chung là “cô nuôi dạy trẻ” và “lương” để chi trả cho giáo viên được tính bằng thóc, bằng gạo do các hợp tác xã trả.

Bước ngoặt của giáo viên mầm non chỉ bắt đầu từ năm 1995 - khi Nhà nước có chủ trương cho giáo viên mầm non được đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, phải đến năm 2011, các cô mới chính thức được trả lương theo ngạch bậc sau khi Nghệ An có chủ trương chuyển đổi hơn 500 trường mầm non bán công sang công lập. Từ bấy đến nay, 3 năm một lần cô được tăng lương và bậc lương cuối cùng cô nhận trước khi về hưu là 3,96.

Theo ông Lê Thiết Hùng - Giám đốc BHXH huyện Nam Đàn thì trường hợp của cô Vỹ không phải là duy nhất. Trước đó, thời điểm năm 2015, toàn huyện có 28 giáo viên sinh trong các năm từ 1955 - 1958 do chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, huyện Nam Đàn đã phải cấp kinh phí cho cơ quan BHXH để hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và mức lương về hưu của họ cũng rất “bèo bọt”. Còn tại thời điểm này, có 10 giáo viên khác cũng đang được hỗ trợ để nâng mức lương hưu bằng với mức lương cơ sở (1.300.000 đồng/tháng) sau khi về hưu.

Theo lý giải của cơ quan BHXH huyện Nam Đàn: Sở dĩ mức lương hưu của các giáo viên mầm non thấp vì trước đây dù làm giáo viên nhưng họ không được trả lương mà chỉ được trả bằng công điểm và không đóng BHXH. Sau này, dù được đóng BHXH từ năm 1995 nhưng thời gian đầu, mức đóng của giáo viên chỉ bằng mức lương cơ sở (từ 180.000 đồng - 730.000 đồng/tháng tùy theo thời điểm). Đến năm 2011, sau khi được chuyển sang đóng bảo hiểm theo bậc lương thì thời gian công tác của các cô lại quá ngắn nên tổng đóng bảo hiểm của các cô rất thấp, ảnh hưởng đến chi trả lương hưu.

Nguy cơ “tái diễn” lương hưu thấp 

Theo ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH Nghệ An: Việc giáo viên mầm non về hưu với mức lương thấp là điều đã được dự báo trước và một phần do đặc thù của lịch sử để lại. Tuy nhiên, điều đáng báo động hiện nay đó là đang còn hàng nghìn đối tượng khác đang trong thời gian công tác nhưng lại được đóng BHXH không đúng theo quy định. Hệ lụy rõ nhất là đến khi về hưu bởi bảo hiểm là bức tranh phản chiếu rõ nhất về trực trạng lương hiện nay.

Nhiều giáo viên được vào biên chế Nhà nước khi đã lớn tuổi nên ảnh hưởng đến chế độ khi nghỉ hưu. Ảnh: Mỹ Hà
Nhiều giáo viên mầm non được vào biên chế Nhà nước khi đã lớn tuổi nên ảnh hưởng đến chế độ khi nghỉ hưu. Ảnh minh họa

Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hiện đang có 3 đối tượng chính nguy cơ sẽ hưởng lương hưu thấp sau khi về hưu. Với giáo viên, ngoài đối tượng là giáo viên mầm non (độ tuổi từ năm 1970 trở về trước và chủ yếu là vùng nông thôn) thì còn lại hàng nghìn giáo viên bậc Tiểu học, THCS thuộc diện giáo viên hợp đồng (hợp đồng với các huyện, thị) và giáo viên ở các trường ngoài công lập.

Đây là những giáo viên dù đã được đóng bảo hiểm nhưng mức đóng chỉ bằng hoặc ngang với mức lương tối thiểu. Qua tìm hiểu tại cơ quan BHXH tỉnh, hiện hầu hết các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố Vinh đang duy trì mức đóng BHXH cho người lao động là 3.103.000 đồng (mức lương tối thiểu vùng + 7%). Cá biệt, có trường gọi là trường quốc tế, nhưng mức đóng bảo hiểm rất thấp (2.900.000 đồng/tháng) dù lao động đã có nhiều năm công tác.

Về đối tượng giáo viên hợp đồng huyện, rất nhiều giáo viên có thời gian công tác là 10 - 15 năm nhưng các huyện vẫn đóng với bậc lương 1,86 (hệ trung cấp), 2,1 (hệ cao đẳng) và 2,34 (hệ đại học) và không tăng qua các năm. Tại huyện Nam Đàn, Giám đốc BHXH huyện cho biết, hiện huyện có 71 giáo viên thuộc diện hợp đồng huyện và đều được đóng bảo hiểm với thang bậc lương rất thấp. Thực tế, với bậc lương này, hiện theo quy định là không đủ vì thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. BHXH huyện cũng đã đề xuất vấn đề này với chính quyền địa phương nhưng với lý do ngân sách khó khăn nên chưa nâng mức đóng cho giáo viên. 

Đối tượng thứ 2 đang rơi vào nguy cơ “khó” sống bằng lương hưu đó là đội ngũ bán chuyên trách cấp xã. Hiện qua tổng hợp, Nghệ An có khoảng 5.000 người là phó ban chuyên trách ở xã như Phó Chủ tịch các hội, Phó Bí thư đoàn xã, Phó trưởng công an xã... Đây là những trường hợp trước đây chưa đóng hoặc chỉ đóng bảo hiểm tự nguyện và từ năm 2016 được chuyển sang đóng bảo hiểm bắt buộc.

Tuy nhiên, mức đóng cũng chỉ bằng mức lương cơ sở. Đối tượng còn lại là khoảng 60.000 lao động (chiếm 30%) ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo bà Trần Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý thu - BHXH Nghệ An:

Theo Nghị định số 49/2013/NĐ - CP của Chính phủ, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho lao động căn cứ theo mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung. Nhưng hiện nay, để bớt các phần chi phí, rất nhiều chủ doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động theo mức lương tối thiểu. Về phía người lao động, do chỉ thấy cái lợi trước mắt (không muốn trừ bảo hiểm vào thu nhập hàng tháng) nên không đòi hỏi quyền lợi cho mình. 

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong hai năm trở lại đây, BHXH Nghệ An đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện xây dựng thang lương, bảng lương và phụ cấp lương cho người lao động theo đúng tinh thần của Nghị định 49 và đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động. Hiện BHXH và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã ký kết quy chế phối hợp, trong đó có nội dung kiểm tra, thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH. Riêng trong hai năm 2015 - 2016, hai ngành đã kiểm tra, thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH tại 51 đơn vị sử dụng lao động; mời 106 đơn vị nợ đọng BHXH làm việc trực tiếp tại BHXH tỉnh, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 46 đơn vị; ban hành quyết định xử phạt đối với 100 đơn vị nợ đọng kéo dài, chuyển Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới