Nghệ An: 330 triệu USD xuất khẩu lâm nghiệp và khát vọng 'vàng xanh'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)- 330 triệu USD là số tiền mà lâm nghiệp Nghệ An đem về từ xuất khẩu trong năm 2022. Tôi (tác giả) thực sự bất ngờ khi nghe vị lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh nêu ra con số trên tại một cuộc làm việc gần đây với nhóm chuyên gia hàng đầu.

330 triệu USD là con số thực sự lớn nếu chúng ta nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp Nghệ An năm 2022, chỉ đạt 487,5 triệu USD; còn tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 2,54 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 2,19 tỷ USD.

Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin về tình hình xuất khẩu của ngành Lâm nghiệp Nghệ An tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh, diễn ra vào chiều 23/2/2023. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin về tình hình xuất khẩu của ngành Lâm nghiệp Nghệ An tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh, diễn ra vào chiều 23/2/2023. Ảnh: Thành Duy

Tò mò về quy mô xuất khẩu của ngành lâm nghiệp Nghệ An so với cả nước, tôi tìm hiểu sâu hơn. Vị trí đứng đầu cả nước là một địa phương ở vùng Đông Nam Bộ - tỉnh Bình Dương. Số liệu Cục Thống kê tỉnh Bình Dương công bố cho thấy, năm 2022, tỉnh này “đút túi” 6,1 tỷ USD từ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong 9 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng đất Thủ.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của cả nước năm 2022 đạt 15,85 tỷ USD. Như vậy, Bình Dương chiếm hơn 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nên cũng dễ hiểu vì sao lâu nay người ta hay ví von, tỉnh mới chỉ tái lập từ đầu năm 1997 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Sông Bé là “thủ phủ đồ gỗ” của Việt Nam.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương). Ảnh: baobinhduong.vn

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương). Ảnh: baobinhduong.vn

Song điều thú vị chưa dừng lại ở đó. Tiếp cận số liệu Cục Thống kê Bình Dương công bố, tôi còn thấy đến năm 2022, tỉnh này chỉ có diện tích rừng trồng hơn 4.000ha; sản lượng gỗ khai thác cũng chỉ vỏn vẹn khoảng 10.000m3, chính xác là 10.525,1m3.

Trở thành “thủ phủ đồ gỗ” rồi nhưng người đất Thủ không “ngủ quên trên chiến thắng”. Họ tham vọng đưa kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất đạt 9-10 tỷ USD trong vòng 3 năm tới và đến năm 2030 sẽ là 12-13 tỷ USD. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó chỉ rõ xây dựng 9 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích trung bình 70-75 ha/cụm... để hiện thực hóa tham vọng của mình.

Nếu so sánh diện tích rừng và sản lượng gỗ, rõ ràng Bình Dương quá khiêm tốn so với Nghệ An. Tỉnh ta hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với khoảng 1,008 triệu ha đất có rừng, bao gồm 173,9 ngàn ha đã thành rừng và 45,84 ngàn ha đã trồng chưa thành rừng; 788,99 ngàn ha rừng tự nhiên; độ che phủ đến năm 2021 đạt 58,41%, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng tốt và lớn nhất cả nước; chiếm non nửa diện tích rừng trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cộng lại (khoảng 2,4 triệu ha). Mỗi năm tỉnh Nghệ An khai thác khoảng 1,8 triệu m3 gỗ, chủ yếu là keo tai tượng. Sản phẩm đầu ra có thể là gỗ dăm xuất khẩu hoặc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, trong đó có Bình Dương.

Những cánh rừng ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Những cánh rừng ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tất nhiên, Bình Dương chỉ là một ví dụ để tham khảo, học tập, bởi để trở thành “thủ phủ” của một ngành hàng cụ thể đòi hỏi nhiều yếu tố, nguyên liệu đầu vào chỉ là một trong số đó. Với thuận lợi ở vùng kinh tế năng động nhất cả nước, hệ thống giao thông kết nối đi quốc tế, logistics, hạ tầng xã hội thuận lợi, Bình Dương đã chớp lấy lợi thế cạnh tranh để tìm ra lối đi và biến tham vọng thành hiệu quả thực tế. Còn Nghệ An ở trong bối cảnh hạ tầng giao thông, xã hội khó khăn hơn nên còn phải đi một quãng đường rất xa nếu muốn ghi dấu ấn trong ngành công nghiệp gỗ và các sản phẩm gỗ, dù tỉnh đang sở hữu khối lượng “vàng xanh” với dư địa vô cùng to lớn.

Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg về việc thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hợp, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) với diện tích 618 ha.

Đây là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước, gồm 3 phân khu chức năng chính tạo thành một chuỗi liên hoàn từ sản xuất giống cây lâm nghiệp; chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đến sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm tại Khu công nghiệp Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy

Tôi cho đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp, cơ hội để Nghệ An trở thành “thỏi nam châm” đủ sức hấp dẫn hút doanh nghiệp “rót vốn” phát triển ngành lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, phát triển công nghiệp gỗ và các sản phẩm gỗ, đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm khi các dự án đầu tư vào đây được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, như tiền nhân đúc kết: “Có bột mới gột nên hồ”. Cùng với sự hình thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước, Nghệ An cần đồng thời giải quyết hiệu quả, đồng bộ nhiều thách thức đang đặt ra nếu muốn ngành lâm nghiệp phát triển như mong muốn.

Thời sự nhất hiện nay chính là cần sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bố trí, cân đối quỹ đất lâm nghiệp theo các loại rừng một cách hợp lý, tránh để người dân sống bên rừng mà không được hưởng lợi từ rừng, thậm chí có nhiều nơi người dân lâm vào cảnh “mắc kẹt”, dù đã đầu tư trồng rừng nhưng đến lúc khai thác lại vi phạm do diện tích này nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng; gắn với đó là chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để người dân yên tâm trồng rừng, bám rừng. Ngoài ra, các cánh rừng cần đạt được Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC nếu muốn sản phẩm xuất ngoại đến châu Âu, Mỹ;…

Làm sao để vừa bảo vệ được rừng, người dân vừa có đời sống sung túc, thậm chí giàu lên từ rừng là câu hỏi canh cánh của nhiều người với miền Tây Nghệ An, một vùng đất rộng lớn, vô cùng trù phú. Tôi từng đọc đâu đó rằng: “Đói thì đầu gối phải bò; còn muốn giữ rừng, thì phải đứng thẳng lưng”. Ngành lâm nghiệp Nghệ An đang trong bước chuyển mình, khấp khởi hy vọng cất cánh để biến “vàng xanh” thành những “tờ xanh” (USD - PV). Trên con đường đó, người dân, nhất là những người sống cạnh rừng, sống bằng nghề rừng cần được đồng hành với vai trò là một chủ thể quan trọng, để không còn cảnh “vàng mắt” vì rừng, mà ngược lại nhận được “vàng mười” từ rừng. Lúc đó, bảo vệ và phát triển nghề trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ mới thực sự bền vững.

Tin mới