Nghệ An: 47 trường hợp công dân vi phạm pháp luật Nhật Bản bị trục xuất về nước

(Baonghean.vn) - Qua thống kê từ năm 2017 đến nay có hơn 1.000 người Nghệ An xuất cảnh sang Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có 47 công dân vi phạm pháp luật Nhật Bản bị bắt và trục xuất về nước.

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Văn bản số 6454/UBND-NC ngày 13/9/2019 về một số biện pháp đối với hoạt động của người Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Văn bản nêu rõ thời gian qua, tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản có chiều hướng gia tăng phức tạp. Riêng Nghệ An từ năm 2017 đến nay có hơn 1.000 người Nghệ An xuất cảnh sang Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau (xuất khẩu lao động, du học, du lịch trốn ở lại lao động...) trong đó có 47 công dân vi phạm pháp luật Nhật Bản bị bắt và trục xuất về nước.

Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ. Ảnh tư liệu minh họa
Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ. Ảnh tư liệu minh họa

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng công dân người Nghệ An vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, UBND tỉnh yêu cầu:

Công an tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an để nắm chắc tình hình công dân Nghệ An vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, qua đó kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp điều tra, xác minh để xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Triển khai các kế hoạch nghiệp vụ chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các tổ chức, đối tượng tội phạm người Việt Nam tại Nhật Bản móc nối, lôi kéo công dân Nghệ An tham gia thực hiện các hành vi vi phạm  pháp luật nước sở tại, ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Nghệ An sang Nhật Bản để phát hiện, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi trốn ở lại cư trú, lao động bất hợp pháp và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Phát hiện, đấu tranh với các hành vi phạm tội, trục lợi từ chính sách XKĐL, du học giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là hoạt động môi giới đưa người sang Nhật nhằm mục đích trốn ở lại, hoạt động vận chuyển, tiêu thụ nguồn hàng có dấu hiệu phạm pháp từ Nhật Bản về Nghệ An.

Đối với Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức liên quan đến hoạt động môi giới XKLĐ, tư vấn du học sang thị trường Nhật Bản; phát hiện xử lý nghiêm đối với các tổ chức có vi phạm pháp luật. Đối với các trường hợp có dấu hiệu phạm tội phải phối hợp với Công an tỉnh để điều tra làm rõ và xử lý.

Chủ động rà soát, tham mưu kiến nghị chấn chỉnh những sơ hở, bất cập thiếu sót về pháp lý là điều kiện để tổ chức, cá nhân trục lợi từ chính sách xuất khẩu lao động, du học từ thị trường Nhật Bản. Chỉ đạo các doanh nghiệp, công ty hoạt động trên lĩnh vực môi giới XKLĐ, tư vấn du học sang thị trường Nhật Bản đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trang bị đầy đủ thông tin về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, kiến thức pháp luật liên quan khi làm việc, học tập, sinh sống tại Nhật Bản cho công dân trước khi xuất cảnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ thành lập các kênh liên lạc để quản lý công dân, hỗ trợ pháp lý đối với cộng đồng người Nghệ An sinh sống, làm việc, học tập ở Nhật Bản. Đồng thời giám sát chặt chẽ công tác quản lý số lượng du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Đối với UBND các huyện, thành thị, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động công dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, văn hóa nước sở tại khi xuất cảnh. Đồng thời tiến hành rà soát toàn bộ Công ty tư vấn du học, môi giới xuất khẩu lao động trên địa bàn, báo cáo với cơ quan chức năng trước ngày 15/11/2019 để tăng cường các biện pháp quản lý.

Tin mới