Nghệ An: 50% học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa học đường

(Baonghean.vn) - Sáng 18/6, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng tỉnh đã họp về kết quả thực hiện Đề án “Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 – 2016”.

Đồng chí Lê Min Thông, phát biểu kết luận cuộc họp và cho giải pháp trong thời gian tới
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. 

Đề án “Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015- 2016” được triển khai từ tháng 12/2015. Qua gần 6 tháng, hiện đề án đã được triển khai tại 17/21 huyện, thành thị với sự tham gia của 215.851 học sinh (đạt 50% học sinh trong toàn tỉnh và 58,25% so với tổng số học sinh các huyện tham gia).

Kết quả kiểm tra sức khỏe cũng cho thấy ở các trường mầm non, suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm từ 1,16% đến 4,77%, suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm từ 0,32% đến 4,32%. Ở các trường tiểu học, suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm từ 0,29% đến 4,45%; Suy dinh dưỡng chiều cao giảm từ 0,26% đến 3,6%. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo về kết quả thực hiện đề án Sữa học đường
Phó Giám đốc Sở  Y tế Nguyễn Xuân Hồng báo cáo về kết quả thực hiện đề án sữa học đường

Tại cuộc họp các thành viên trong  ban chỉ đạo cũng đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai, đó là còn thiếu thống nhất giữa đơn vi cung cấp sữa và các nhà trường, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên chưa bố trí được kho, kệ sữa đạt chuẩn, nhiều nơi điều kiện phụ huynh còn khó khăn nên khó nhân rộng... Ngoài ra, một số huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Nghi Lộc…chưa triển khai. Trong đó, riêng huyện Kỳ Sơn là huyện thí điểm và học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo rất đông.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra việc bảo quản sữa tại Trường mầm non Quỳnh Thạch ( Quỳnh Lưu)
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra việc bảo quản sữa tại Trường mầm non Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu)


Kết luận tại cuộc họp đồng chí Lê Minh Thông khẳng định "Chương trình Sữa học đường" là một chương trình rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực, có tính nhân văn sâu sắc. Thời gian tới, để chương trình được triển khai hiệu quả, các đơn vị và công ty cung ứng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích giúp đỡ các gia đình thuộc diện khó khăn, hộ nghèo đông con.

Trong quá trình triển khai, địa phương nào đã làm tốt cần khuyến khích, những địa phương chưa thực hiện cần đốc thúc, kiểm điểm và quy trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là với những người đứng đầu. Đồng chí cũng lưu ý, đơn vị cung ứng sữa cần có trách nhiệm hợp tác để giải quyết các vấn đề phát sinh. Các ban, ngành liên quan cũng lập kế hoạch để xây dựng đề án lâu dài, tính đến năm 2020.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới