Nghệ An: 7 bệnh viện được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường

(Baonghean) - Toàn tỉnh đã có 7 bệnh viện công lập và ngoài công lập được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và hiện đang có thêm 3 bệnh viện đang làm thủ tục để được xác nhận. 

Trở lại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An, khác sự nhếch nhác, bề bộn trước đây, là một khung cảnh khang trang, sạch sẽ, nhiều bồn hoa, cây cảnh được bố trí trước các dãy phòng khám, phòng điều trị bệnh nhân rất thân thiện với môi trường.

Chị Trương Thị Huế (huyện Nghĩa Đàn) chăm sóc chồng đang điều trị tại bệnh viện, chia sẻ: “Ở bệnh viện này, hệ thống vệ sinh khép kín được vệ sinh thường xuyên và trong mỗi buồng bệnh, mỗi bệnh nhân đều có bô đựng rác riêng và được nhân viên y tế nhắc nhở thường xuyên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Rác của bệnh nhân nào thì bệnh nhân đó có trách nhiệm gom rồi đem đổ vào 2 thùng chứa rác, mỗi thùng đựng rác hữu cơ và một thùng rác gồm khăn, giấy, túi ni lông đặt trước mỗi dãy nhà điều trị của bệnh viện nên ai cũng có ý thức. Người bệnh vốn đã đau yếu, mệt mỏi, môi trường, quang cảnh bệnh viện được tốt như thế này làm dịu sự ức chế, ngột ngạt”. 

Hệ thống vận hành xử lý nước thải tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
Hệ thống vận hành xử lý nước thải tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An có khoảng 150 - 170 bệnh nhân đến khám và lưu lượng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng hơn 400 bệnh nhân/ngày, dẫn đến phát sinh nhiều nguồn thải lớn, gồm nước thải và rác thải rắn thông thường, rác thải nguy hại không lây nhiễm, rác thải có lây nhiễm. Năm 2003, cơ sở này bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Chính phủ.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua, bệnh viện đã nỗ lực đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện theo công nghệ phân hủy sinh học AAO có tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng và xử lý rác thải rắn bằng công nghệ hấp ướt tích hợp cắt nhỏ chất thải.

Theo đó, toàn bộ nước thải của bệnh viện được thu gom đưa về xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Riêng chất thải rắn được phân loại tại nguồn ở từng khoa phòng, sau đó rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại được hợp đồng với một số đơn vị ngoài để xử lý. Còn rác thải lây nhiễm thì được xử lý tại bệnh viện bằng công nghệ hấp ướt để diệt các vi khuẩn và sau đó tiếp tục hợp đồng với công ty môi trường xử lý rác thông thường. 

Ông Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An, cho biết: Ngoài đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hàng năm, bệnh viện cũng trích khoảng 1 tỷ đồng cho việc cải tạo, sửa chữa nhỏ, chi phí vận hành, xử lý chất thải, tổ chức quan trắc định kỳ chất lượng môi trường ở bệnh viện. Bệnh viện cũng đã quan tâm bố trí nhân lực cho công tác này, trong đó có 2 kỹ sư môi trường và 2 nhân viên phụ trách vận hành các hệ thống.

Cũng theo Giám đốc Đậu Minh Quang, nhờ sự nỗ lực đó, tháng 6/2017 vừa qua, bệnh viện đã được đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang làm hồ sơ thủ tục để cơ quan chức năng xác nhận đơn vị hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. 

Tương tự, ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, theo ông Nguyễn Công Biển - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện, trước năm 2014, việc xử chất thải lây nhiễm và nguy hại phát sinh của bệnh viện đều xử lý bằng lò đốt thủ công và chất cháy cặn do nguy hại nên buộc lưu giữ trong khuôn viên bệnh viện. Riêng nước thải chưa có hệ thống xử lý nên toàn bộ nước thải bệnh viện, nước bề mặt đều được dẫn chung về bể chứa tập trung để xử lý bằng clomin và tự thẩm thấu trong lòng đất.

Và hiện tại, bệnh viện cũng được đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ kỵ khí, hiệu khí, khử trùng bằng clomin. Riêng đối với chất thải lây nhiễm được phân loại ngay từ thời điểm phát thải và được xử lý bằng công nghệ hấp ướt tích hợp cắt nhỏ bên trong thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường cùng với rác thông thường. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Kiểm soát, Chi cục BVMT tỉnh, khẳng định: Chất lượng môi trường ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng rõ nhất là đã có 7 bệnh viện công lập đã hoàn thành hệ thống xử lý chất thải và được đưa ra khỏi danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An và bệnh viện đa khoa các huyện Thanh Chương, Quỳ Châu, Nam Đàn và TP.Vinh.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã có 7 bệnh viện công lập và ngoài công lập được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và hiện đang có thêm 3 bệnh viện đang làm thủ tục để được xác nhận. 

Chăm lo bảo vệ môi trường trong các bệnh viện không chỉ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng mà còn tạo môi trường trong lành, tác động tích cực cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh trong các cơ sở y tế. 

Từ nhận thức đó, thời gian qua, UBND tỉnh cùng với Sở Y tế và các ngành liên quan đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới, từ tổ chức LienAid - Singapore; nguồn vốn sự nghiệp môi trường Trung ương và ngân sách tỉnh, cộng với nguồn từ các bệnh viện để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bệnh viện.

Đến thời điểm này, có 10/12 bệnh viện tuyến tỉnh, 15/17 bệnh viện tuyến huyện, 10/10 bệnh viện ngoài công lập; 4/4 bệnh viện Bộ, ngành quản lý đã, đang xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Có 22 bệnh viện được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ; một số bệnh viện công lập và ngoài công lập khác thì hợp đồng với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, các bệnh viện hợp đồng với các đơn vị môi trường để vận chuyển và xử lý. 

Theo ông Hoàng Văn Hảo - quyền Giám đốc Sở Y tế, sự đầu tư và kết quả hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn một số bệnh viện chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn y tế nguy hại. Một số bệnh viện mặc dù đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng nay xuống cấp; thậm chí có một số bệnh viện việc vận hành không đúng quy trình, gây tác động tiêu cực đến môi trường chung.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để tập trung xử lý, hướng tới mục tiêu, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới