Nghệ An áp dụng Chỉ thị 16 tại 14 địa phương với quan điểm: Cao hơn một mức, sớm hơn một bước

(Baonghean.vn) - Nhấn mạnh quan điểm phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời điểm này là cao hơn một mức, sớm hơn một bước, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ủng hộ biện pháp, áp dụng Chỉ thị 16 tại một số địa phương để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn và áp dụng Chỉ thị 15 các địa bàn còn lại.

Chiều 19/8, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến 21 điểm cầu huyện, thành, thị.

Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đồng chủ trì cuộc họp.

MỨC ĐỘ DỊCH CỦA TỈNH Ở NGUY CƠ RẤT CAO

Báo cáo tại cuộc họp, PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cho biết, tính đến 8h ngày 19/8, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 683 ca nhiễm tại 20 địa phương. Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Vinh, đến nay đã ghi nhận 86 ca nhiễm ở 8 huyện, thành, thị. Ngoài ra, còn có các ổ dịch khác tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, Thái Hòa, Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.

Để phòng, chống dịch, đã có 6 địa phương gồm: TP. Vinh, TX Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Có 3 địa phương gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Thái Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Dương Đình Chỉnh cho rằng, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, mức độ nguy cơ rất cao. Nguyên nhân là có ổ dịch lớn khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng và đã lây sang tỉnh khác (ổ dịch Chợ đầu mối, chợ Quang trung và Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc).

Trong đó, TP. Vinh là địa bàn có nguy cơ rất cao, khi đã có 16/25 xã/phường (trên 50% số xã) ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát: chợ Đầu mối, chợ Quang Trung, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Liên quan đến nhiều ca bệnh tại nhiều địa phương trong tỉnh và liên quan ca bệnh Hà Tĩnh. Lộ trình di chuyển và yếu tố tiếp xúc của các trường hợp F0 rất phức tạp, nhiều địa điểm công cộng. 

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành, thị vào cuộc quyết liệt, cả hệ thống và dựa vào dân trong việc rà soát các trường hợp có liên quan đến chợ Đầu mối, chợ Quang Trung, các chợ liên quan và các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 (F1) trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi phát hiện.
Riêng Sở Y tế sẽ xây dựng, cập nhật các kịch bản chống dịch đối với các tình huống dịch bệnh xấu nhất trên địa bàn. Xây dựng phương án trên địa bàn ghi nhận 5.000 ca bệnh trong cộng đồng. Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến số 3 tại thị xã Cửa Lò.
"CAO HƠN MỘT MỨC, SỚM HƠN MỘT BƯỚC"
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, từ cuộc họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh là 9 ngày nhưng đến nay, dịch đã diễn biến mới, phức tạp, theo chiều hướng tiêu cực. Trong 9 ngày phát hiện hơn 270 ca bệnh, trong đó các ca ở cộng đồng rất nhiều. Nguồn lây phức tạp, từ cộng đồng chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung ở những nơi đông người.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh, việc làm ngay, khẩn cấp thời điểm này là phải tập trung khẩn cấp truy vết, khoanh vùng các F0. Công tác này rất khó, rất mệt, nhưng dù khó thế nào cũng phải làm bằng được, dốc sức làm bằng được. Khi có manh mối phải đeo bám bằng mọi lực lượng để truy vết F0, qua đó bằng mọi giá để sớm ngăn chặn việc lây lan từ các ổ dịch, ngay cả trong khu cách ly. Nếu không làm ngay, không làm khẩn cấp thì dịch sẽ lây lan rộng, ngoài tầm kiểm soát.

Nhấn mạnh quan điểm phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời điểm này là cao hơn một mức, sớm hơn một bước, Bí thư Tỉnh ủy ủng hộ quan điểm áp dụng Chỉ thị 16 tại một số địa phương để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn và Chỉ thị 15 các địa bàn còn lại. Qua phân tích tình hình dịch và địa hình, địa vật, thì các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong có thể thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Còn các huyện khác thì có thể thực hiện cao hơn một mức, sớm hơn một bước là áp dụng Chỉ thị 16.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng tình với quan điểm là tỉnh đang ở mức nguy cơ rất cao, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, các địa phương cần ủng hộ tỉnh thực hiện các giải pháp này. Gắn với đó là phải cố gắng giữ được huyện an toàn, xã an toàn, thôn, bản an toàn, cơ quan an toàn… như Chính phủ đang nói đó là  “vùng xanh”.

Đánh giá tốc độ chuẩn bị các cơ sở để thu dung, điều trị F0 của tỉnh vẫn còn chậm, người đứng đầu Tỉnh ủy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu phải chuẩn bị xây dựng phương án cho 5.000 ca bệnh. Nếu không thực hiện tốt giãn cách xã hội, không tập trung cao độ thì việc tỉnh có 1.000 ca bệnh là việc hiện hữu. Vì vậy, phải ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung xây dựng nhanh các bệnh viện dã chiến, tránh quá tải, để thu dung và điều trị F0. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh thì phải xử lý tình huống thật nhanh, vì cái chung mà mạnh dạn quyết định, không được lừng khừng, chần chừ, chậm chạp.

Trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu phải xây dựng phương án cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân; Quan tâm xây dựng phương án để hướng dẫn người dân sản xuất, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp vì lĩnh vực này vẫn chưa được hướng dẫn rõ.

Khi thực hiện giãn cách xã hội phải giữ vững ANTT, an dân, không để dân lo lắng, hoang mang, không để kẻ xấu lợi dụng thông tin sai lệch, làm cho người dân không tin vào quyết sách của Đảng, Nhà nước. Khi thực hiện Chỉ thị 16 thì phải tránh tình trạng chặt ngoài, lỏng trong. Các đơn vị, cơ quan nhà nước bố trí lực lượng làm việc là 50%, tăng cường ứng dụng CNTT.

Tăng cường xử lý nghiêm sai phạm để có tính răn đe mạnh, để mọi người có nề nếp, đúng theo tinh thần phòng, chống dịch. Đồng thời, phải tuyên truyền để dân chưa biết phải làm cho dân biết, dân chưa nghe phải làm cho dân nghe. Các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 là làm quyết liệt ngay từ đầu.

Đối với Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cấp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải xem lại kịch bản phòng, chống dịch để rà soát lại cách phân công nhiệm vụ, bố trí, giao việc cho từng thành viên, đơn vị… để làm chủ tình hình, không rối, không mắc. Về nhân lực thực hiện nhiệm vụ thì phải thực hiện với tinh thần: Một người làm việc bằng 2, bằng 3 so với thời gian trước. Đối với lực lượng tuyến đầu cần đảm bảo làm việc luân phiên, đảm bảo khoa học, hợp lý vì cuộc chiến phòng, chống dịch còn kéo dài, căng thẳng. Bên cạnh đó là phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn phòng, chống dịch, ăn ở cho lực lượng này.

Về việc trưng dụng các địa điểm để tổ chức làm nơi thu dung, điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành trước mắt là vận động, khi số lượng ca bệnh tăng cao thì phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh phải có quyết định trưng dụng theo đúng quy định. Về nguồn lực thì các địa phương phải sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn khác để phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, phải chi đúng quy định, hợp lý, khoa học.

Nhấn mạnh tinh thần của Thường trực Tỉnh ủy là ủng hộ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để chỉ đạo quyết liệt, với quan điểm cao hơn một mức, sớm hơn một bước. Phải tiếp tục vận động để làm cho dân hiểu, dân chia sẻ, dân ủng hộ, vì chúng ta làm đều hướng đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân.

 CÁCH LY XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 16 ĐỐI VỚI 14 ĐỊA PHƯƠNG

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, qua phân tích, đánh giá thì tỉnh Nghệ An thuộc nguy cơ mức độ rất cao về dịch Covid-19. Trên diễn biến dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định: Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo 2 mức.

Mức 1 là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 14 địa phương. Ngoài 6 địa phương đã thực hiện là TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành thì nay bổ sung thêm: TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa. Các địa phương còn lại thực hiện mức 2 là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện là từ 0h ngày 20/8.

“Đây là theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bí thư Tỉnh ủy là cao hơn một mức, sớm hơn một bước để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với diễn biến dịch rất phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao như hiện nay. Trong thời gian thực hiện thì sẽ đánh giá, xem xét để điều chỉnh phù hợp. Vì qua đánh giá tại nhiều địa phương thì biện pháp giãn cách vẫn hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu, những địa phương thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 thì phải giữ nguyên tắc là quản lý chặt cả trong và ngoài. Đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ai ở đâu ở yên đó, trừ trường hợp được cơ quan chức năng cho phép ra ngoài, để đảm bảo ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Các đơn vị, cơ quan tại những địa bàn này giảm số lượng người làm việc tại cơ quan, thực hiện giãn cách, tăng số lượng người làm việc tại nhà. Tổ chức nghiêm các chốt tại các địa bàn để ngăn chặn việc đi lại của người dân, kể cả trong các địa bàn cùng thực hiện Chỉ thị 16.

Các Ban chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 471 ngày 11/8 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sau phiên họp trực tuyến. Trong đó, phải tập trung thực hiện theo đúng phương châm 4 tại chỗ, chủ động về nhân lực, vật lực, nguồn lực, trường hợp quá khó khăn thì mới báo cáo tỉnh xem xét hỗ trợ.

Với tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương phải thực hiện mạnh hơn đối với một số biện pháp. Trước hết là công tác phải truy vết phải thực hiện với tinh thần thần tốc, triệt để. Qua đó, nhằm mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và tìm kiếm các F1 có nguy cao để cách ly tập trung. Ngành Công an chủ trì thực hiện công tác này.

Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư từ các địa phương có dịch trở về. Tiếp tục tăng cường tổ chức cách ly tập trung có hiệu quả, các địa phương phải chủ động rà soát, bổ sung các điểm cách ly đối với những đối tượng có nguy cơ và các đối tượng trở về từ vùng dịch. Tổ chức quản lý chặt chẽ các điểm cách ly tập trung, các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, kiểm soát chặt cả trong lẫn ngoài để đảm bảo an toàn nhất.

TP Vinh tăng cường kiểm tra, xử lý người ra đường. Ảnh: Quang An
TP Vinh tăng cường kiểm tra, xử lý người ra đường. Ảnh: Quang An 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành Y tế chủ trì quan tâm việc thực hiện công tác xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm PCR đối với các trường hợp có nguy cơ, đối với khu vực có nguy cơ. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp test nhanh và phối hợp với các địa phương xác định trọng tâm, trọng điểm cần xét nghiệm. Đặc biệt, phải trả kết quả xét nghiệm nhanh để các địa phương có phương án triển khai khoanh vùng, truy vết, cách ly. Đây là một trong những khâu quan trọng để phát hiện nhanh và tìm ra các trường hợp F0 trong cộng đồng.

Chúng ta phải chủ động trong công tác điều trị, thu dung bệnh nhân nhiễm Covid-19. Với diễn biến dịch rất nhanh như trên địa bàn tỉnh thì việc tổ chức điều trị phải  chuyển sang giai đoạn mới. Trước mắt, đề nghị các ngành Quân sự, Du lịch phối hợp với Y tế để xác định ngay những điểm có thể sử dụng cho việc điều trị F0 có triệu chứng nhẹ. Tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh quyết định trưng dụng các địa điểm này đúng với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, quan tâm chuẩn bị khu điều trị cho bệnh nhân nặng, tối thiểu trong thời gian tới là 300 - 500 giường.

Về công tác tiêm chủng vắc - xin, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban chỉ đạo tiêm chủng các cấp kiện toàn, khi được phân bổ vắc - xin thì triển khai ngay. Sắp xếp các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đúng quy định, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là miễn phí cho toàn dân.

Về kinh phí thực hiện phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt thực hiện kinh phí địa phương, tiết kiệm nguồn chi thường xuyên để thực hiện. Các địa phương trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 thì phải đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống cho Nhân dân. Cụ thể, phải đảm bảo đầy đủ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân. Ngành Công Thương phối hợp với Quản lý thị trường kiểm soát việc bình ổn giá cả, không để lợi dụng tình hình giãn cách để đẩy giá, tăng giá.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Các địa phương có chính sách quan tâm đến đời sống của những đối tượng khó khăn, thế yếu trong xã hội. Các địa phương tiếp tục vận động các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu xem xét giảm giá, giảm tiền trọ cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mặc dù ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch nhưng chúng ta vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất. Công tác này trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động trong các cơ sở sản xuất. Các ngành phối hợp với các địa phương để hướng dẫn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia hoạt động sản xuất trong điều kiện thực hiện giãn cách.

Đối với sản xuất nông nghiệp, thời điểm này tại nhiều địa phương đang thu hoạch thì đề nghị các địa phương có quan tâm, tạo điều kiện cho người dân vừa thực hiện giãn cách nhưng cũng vừa thực hiện thu hoạch lúa, để đảm bảo ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Lực lượng quân đội hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong thu hoạch lúa; đồng thời quan tâm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Sở GD-ĐT chủ động tổ chức việc học cho học sinh, trước hết là khai giảng phù hợp với thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh, giáo viên. Công an tỉnh chủ trì kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo ANTT trên địa bàn toàn tỉnh và từng địa phương. Người dân chắc chắn sẽ chia sẻ, đồng hành vì chúng ta bảo vệ an toàn cho người dân.

Về công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí sử dụng các phương tiện để thông tin cho người dân hiểu, chia sẻ, đồng hành, chấp hành, cùng với các cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện cách ly và giãn cách xã hội. Vận động nhân dân, huy động sự đóng góp, cùng với cấp ủy, chính quyền có thêm nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch; có phương án phân bổ quỹ phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội; tập trung vào 3 nội dung: mua sắm các vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch; hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn; động viên các lực lượng tuyến đầu trong phòng,chống dịch.

Về đề xuất của TP. Vinh nâng lên mức Chỉ thị 16+, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, đây là biện pháp mạnh nhưng đòi hỏi đi cùng là các biện pháp đồng bộ, phải đảm bảo các điều kiện về cung cấp nhu yếu phẩm, sinh hoạt cho người dân. Xét thấy công tác này trên địa bàn TP. Vinh sẽ rất khó khăn nên quyết định, trước mắt TP. Vinh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, mạnh mẽ các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh sẽ hỗ trợ nhân lực lấy mẫu để thành phố thực hiện xét nghiệm tầm soát để sàng lọc F0, F1./.

Tin mới