Nghệ An ban hành công điện ứng phó với mưa lớn

(Baonghean.vn) -Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An vừa có Công điện về việc ứng phó với mưa lớn.

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Bắc Trung Bộ, hiện nay (ngày 01/11), do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa kết hợp với nhiều động của đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên Nam Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa, rải rác mưa vừa, riêng Hà Tĩnh cục bộ có nơi có mưa to đến rất to và dông.

Từ nay đến sáng ngày 02/11, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to. Tổng lượng mưa ở Thanh Hóa và phía Bắc Nghệ An phổ biến 50-100mm/24h; Phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh phổ biến 150 - 250mm/24h. Nguy cơ ngập úng cục bộ ở vùng trũng, ngập úng vùng đô thị, đồng bằng ven biển, đặc biệt là các huyện, thành phố, như: Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn.

Mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường ở TP Vinh chiều 15/10. Ảnh tư liệu
Mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường ở TP Vinh chiều 15/10. Ảnh tư liệu

Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lớn gây ra, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy PCTTTKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung:

1. Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 16/CĐ-TWPCTT ngày 29/10/2013 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; Công điện số 09 ngày 29/10/2019 của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

2, Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, mưa lớn để chủ động đối phó. Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở vùng thấp trũng, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nội dung công điện. Ảnh: L.T
Nội dung công điện. Ảnh: L.T

3. Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước kịp thời phù hợp với tình hình của từng địa phương. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, an toàn đê điều, hồ đập bị sự cố, công trình đang thi công; chủ động tiêu nước chống ngập úng đối với các khu đô thị, đặc biệt là chống ngập úng khu vực Thành phố Vinh và vùng phụ cận.

4. Chủ động lực lượng, phương tiện triển khai kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngâm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngộp, sạt lở đất, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

5. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Tin mới