Nghệ An ban hành Quy định về phân cấp quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

(Baonghean.vn) - Quy định này quy định trách nhiệm và quyền hạn của BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, huyện, thành, thị ủy, đảng ủy và các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh về quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Quy định số 04/QĐ-TU về phân cấp quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; cán bộ khối nhà nước diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nội dung cụ thể như sau:

Về đối tượng áp dụng:

a) Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.

b) Cán bộ, công chức, viên chức diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước.

Nội dung quản lý tiền lương:

1. Nâng bậc lương, chuyển xếp lương, phụ cấp chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nâng ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3. Xây dựng quỹ lương (nếu có).

4. Báo cáo thống kê về tiền lương.

5. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương.

Nguyên tắc quản lý tiền lương:

1. Thực hiện đúng các quy định về chế độ tiền lương và quy định về quản lý ngạch công chức, viên chức theo quy định hiện hành.

2. Đảm bảo thực hiện chính xác, kịp thời chế độ tiền lương và phụ cấp lương, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch và xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện việc quản lý tiền lương theo quy định phân cấp.

Về trách nhiệm, quyền hạn:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy:

1. Quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.

a) Quyết định nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ, chuyển ngạch đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

b) Quyết định nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức có ngạch lương từ chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên.

c) Quyết định bổ nhiệm ngạch, xếp lương chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với cán bộ, công chức, viên chức trúng tuyển sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương.

d) Quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương đối với cán bộ, công chức, viên chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch.

đ) Trình Ban Tổ chức Trung ương xét nâng ngạch, thăng hạng chuyên viên cao cấp hoặc tương đương không qua thi đối với cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

e) Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia thi nâng ngạch và xét thăng hạng từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

g) Ban hành đề án thi nâng ngạch, xét thăng hạng; chỉ đạo tổ chức thi nâng ngạch, xét thăng hạng từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương; từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự (sau khi Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến về nội dung đề án và chỉ tiêu nâng ngạch).

2. Quản lý tiền lương đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước.

a) Cho ý kiến về việc thực hiện nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

b) Cho ý kiến về việc cử cán bộ tham gia thi, xét nâng ngạch, xét thăng hạng và bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy:

1. Tham mưu, quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.

a) Thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ, chuyển ngạch đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

b) Thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức có ngạch lương từ chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên.

c) Thẩm định tờ trình, hồ sơ của các đơn vị đề nghị và thông báo kết quả bằng văn bản về thực hiện chế độ nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp nghề lần đầu, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức có ngạch lương từ chuyên viên hoặc tương đương trở xuống để các đơn vị thực hiện.

d) Thẩm định, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy trình Ban Tổ chức Trung ương xét nâng ngạch, thăng hạng chuyên viên cao cấp hoặc tương đương không qua thi đối với cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

đ) Thẩm định, tham mưu, trình Thường trực Tỉnh ủy cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia thi nâng ngạch và xét thăng hạng từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

e) Tham mưu xây dựng đề án thi nâng ngạch, xét thăng hạng; tham mưu tổ chức thi nâng ngạch, xét thăng hạng từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương; từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự (sau khi Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến về nội dung đề án và chỉ tiêu nâng ngạch).

g) Tham mưu, trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm ngạch, xếp lương chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với cán bộ, công chức, viên chức trúng tuyển sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương.

h) Tham mưu, trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm ngạch, xếp lương chuyên viên chính hoặc tương đương đối với cán bộ, công chức, viên chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch.

i) Quyết định bổ nhiệm ngạch, xếp lương chuyên viên hoặc tương đương; bổ nhiệm ngạch, xếp lương cán sự đối với cán bộ, công chức, viên chức trúng tuyển kỳ nâng ngạch.

k) Thực hiện những nhiệm vụ khác theo trách nhiệm, quyền hạn phân cấp quản lý tiền lương.

2. Tham mưu, quản lý tiền lương đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước.

a) Thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc thực hiện nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; thông báo bằng văn bản ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

b) Thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc cử cán bộ tham gia thi, xét nâng ngạch, xét thăng hạng và bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; thông báo bằng văn bản ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trách nhiệm, quyền hạn của huyện, thành, thị ủy, đảng ủy và các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy:

1. Thẩm định, trình Ban Tổ chức Tỉnh ủy nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp nghề lần đầu, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; ban hành quyết định tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống sau khi có thông báo kết quả của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

2. Quyết định phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy theo phân cấp quản lý cán bộ.

3. Quyết định phụ cấp nghề hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.

4. Thực hiện những nhiệm vụ khác theo trách nhiệm, quyền hạn phân cấp quản lý tiền lương.

Trách nhiệm của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh:

1. Lãnh đạo UBND tỉnh thẩm định, trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về tiền lương đối với cán bộ khối nhà nước diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

2. Lãnh đạo UBND tỉnh thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc cử cán bộ tham gia thi nâng ngạch, xét thăng hạng và bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương đối với cán bộ khối nhà nước diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Thời gian thực hiện nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp nghề thực hiện định kỳ hằng quý, cụ thể:

- Thời hạn nộp hồ sơ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước ngày 15 của tháng giữa quý.

- Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định lương trước ngày 15 của tháng đầu quý tiếp theo (sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy hoặc thông báo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo phân cấp quản lý tiền lương).

Nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong công tác hằng năm được thực hiện vào quý IV và chậm nhất vào quý I của năm tiếp theo.

Định kỳ 6 tháng và hằng năm các đơn vị báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phân cấp quản lý về Ban Tổ chức Tỉnh ủy vào cuối tháng 7 của năm báo cáo và cuối tháng 1 của năm tiếp theo; Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo kết quả thực hiện hằng năm bằng văn bản về Ban Tổ chức Trung ương vào cuối quý I năm tiếp theo; báo cáo, xây dựng quỹ lương khi có yêu cầu của cấp trên quản lý.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh; các ban xây dựng Đảng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy; các huyện, thành, thị ủy; Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Quy định tổ chức thực hiện.

Quy định này có hiệu lực từ ngày ký (1/7/2021). Bãi bỏ các văn bản do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định trước đây về phân cấp quản lý tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; cán bộ khối nhà nước diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Tin mới