Báo động vi phạm pháp luật đê điều

Thời gian gần đây, thực trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Nghệ An gia tăng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ cũng như an toàn tại các tuyến đê. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn.

Men theo tuyến đê Tả Lam đi qua thị trấn Đô Lương, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều kiểu vi phạm về xây dựng, các hộ dân xây nhà kiên cố sát thân đê, hoặc tự mở đường lên thân đê kinh doanh các mặt hàng ăn uống. Tại một số đoạn đê người dân còn đổ rác và cả các loại phế liệu, kinh doanh nứa mét, để vật liệu tràn thân đê, lấn chiếm cả lòng đường giao thông.

Trên đoạn đê Tả Lam thuộc địa phận huyện Nam Đàn, trong năm 2020 đã có 04 trường hợp vi phạm hành lang đê điều bị xử lý. Mặc dù vậy, hiện nhiều lối đi lên đê được người dân tự mở để kinh doanh dịch vụ ăn uống, thậm chí có những ngôi nhà kiên cố được xây dựng ngay sát trên thân đê tả Lam. Ảnh Tiến Đông – Văn Trường
Trên đoạn đê Tả Lam thuộc địa phận huyện Nam Đàn, trong năm 2020 đã có 04 trường hợp vi phạm hành lang đê điều bị xử lý. Mặc dù vậy, hiện nhiều lối đi lên đê được người dân tự mở để kinh doanh dịch vụ ăn uống, thậm chí có những ngôi nhà kiên cố được xây dựng ngay sát trên thân đê tả Lam. Ảnh Tiến Đông – Văn Trường

Ông Nguyễn Trọng Hợi – Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Đô Lương cho biết: Đê Tả Lam ở huyện Đô Lương dài hơn 16 km đi qua các xã: Tràng Sơn, Đông Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn và thị trấn. Trong thời gian qua, huyện cũng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, nhắc nhở tình trạng lấn chiếm hành lang đê. Tuy nhiên, đến nay việc chấp hành các quy định của Nhà nước của các cá nhân, tổ chức chưa tốt.

Tại địa bàn huyện Nam Đàn cũng “nóng” tình trạng lấn chiếm hành lang đê. Ông Trần Tuấn Anh – Hạt trưởng Hạt chuyên trách quản lý đê Nam Đàn cho biết: Đơn vị quản lý hơn 13km đê từ Km55-Km68+350, trong đó có hơn 1km đê cấp 4. Hiện tại có nhiều trường hợp các hộ dân tận dụng mái đê và mặt đê để tập kết vật liệu, phía đơn vị thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí là lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tái diễn.

Thân đê tả Lam bị người dân đổ phế liệu. Hay các hộ kinh doanh lấn chiếm bờ đê hành lang giao thông để buôn bán nứa, mét. Ảnh: Văn Trường
Thân đê tả Lam bị người dân đổ phế liệu. Hay các hộ kinh doanh lấn chiếm bờ đê hành lang giao thông để buôn bán nứa, mét. Ảnh: Văn Trường

Đó là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Trung, khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn, trước đây khi tuyến đê cấp 4 nối từ núi Đụn xuống chợ Sa Nam đang là đê đất thì công trình vệ sinh của gia đình ông Trung nằm một phần trên đê. Mới đây khi chính quyền địa phương phá đê đất để làm tường chắn thì sự việc này cũng không giải quyết được nữa do gia đình ông Trung đã được cấp bìa đỏ ngay trên hành lang đê.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp làm việc với phía đơn vị quản lý đê, và hai bên đang tiếp tục xem xét. Nếu trường hợp bìa đỏ được cấp sau khi đã có đê thì phải điều chỉnh sửa đổi.

Nhức nhối nhất trong vi phạm Luật Đê điều phải kể đến tình hình vi phạm xây dựng trái phép trên kênh tiêu Vách Bắc và kênh tưới N18A (chạy song song với kênh Vách Bắc), thuộc địa bàn xã Đô Thành (Yên Thành). Chỉ tính riêng tại xã Đô Thành, đến thời điểm hiện tại, đã có 242 trường hợp vi phạm trên kênh tưới N18A và 268 trường hợp vi phạm trên kênh tiêu Vách Bắc.

Theo tìm hiểu, kênh tiêu Vách Bắc, đoạn qua huyện Yên Thành được xây dựng vào những năm 1976 và đi vào hoạt động năm 1980. Từ những năm 1993 – 1995, UBND xã Đô Thành đã giao đất nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh cho 168 hộ, với chiều dài bám đường là 1.762m, ngay mái kênh Vách Bắc, sau đó thu tiền 1 lần. Tuy nhiên khi giao đất, chính quyền địa phương không quy định chiều sâu, giao đất với diện tích lớn, không quy định thời hạn sử dụng…

Sau một thời gian, với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực Đô Thành, nhiều hộ được giao đất đợt đầu đã tiến hành chuyển nhượng cho các hộ khác, có những thửa đất đã chuyển nhượng cho nhiều chủ, thậm chí phân lô bán cho nhiều hộ khác nhau.

Nhiều gia đình đã tiến hành đào móng, xây nhà, mặc dù hầu hết các thửa đất dọc khu vực kênh Vách Bắc đều chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vật liệu được tập kết bên kênh tiêu Vách Bắc để xây dựng. Ảnh: Tiến Đông
Vật liệu được tập kết bên kênh tiêu Vách Bắc để xây dựng. Ảnh: Tiến Đông

Theo thông tin từ đơn vị quản lý tuyến kênh tưới N18A và kênh tiêu Vách Bắc, tối 21/1/2021 gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (xã Đô Thành) đã xây tường chắn đất ngay trong mái kênh tiêu Vách Bắc và đào móng, đổ trụ sát bờ tường kênh tươi N18A. Mặc dù đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu đình chỉ xây dựng công trình, thế nhưng sau đó gia đình ông Hùng tiếp tục xây dựng tường bao xung quanh nhà.

Hay như trường hợp gia đình ông Phạm Văn Năng từ cuối năm 2020 đến tháng 3/2021, đã liên tục xây dựng và hoàn thiện nhà 2 tầng tại Km11+538 trên mái kênh tiêu Vách Bắc. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan quản lý tuyến kênh này đã lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng gia đình ông Năng vẫn không chấp hành mà tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà.

Các vụ vi phạm tồn đọng chủ yếu là nhà cửa và công trình phụ, lều ốt, cải tạo ao, xây bờ rào, đào xen đê làm đường vào nhà chủ yếu ở địa bàn huyện Đô Lương. Ngoài vi phạm lấn chiếm đê điều, tình trạng kinh doanh, khai thác cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê điều ở một số huyện như: Hưng Nguyên, Nam Đàn vẫn tồn tại lâu nay, nhưng phần lớn các vụ việc này đều không được giải quyết dứt điểm. Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cũng chỉ xử phạt được 10 vụ vi phạm tuyến đê Tả Lam…

Tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang đê điều trên địa bàn Nghệ An thời gian qua gây bao hệ lụy. Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm pháp luật đê điều.

Ông Trần Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thuỷ lợi tỉnh) cho rằng: Một số địa phương có đê đi qua, chính quyền và người dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Chưa kể việc phát hiện, lập biên bản ngăn chặn vi phạm của lực lượng chuyên quản lý đê và các địa phương chưa kịp thời, chưa đủ sức răn đe.

Như ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn “nóng” tình trạng tập kết cát sỏi, gỗ trên thân đê, tại huyện Yên Thành nhiều hộ dân xây dựng nhà mới trên thân đê chính quyền địa phương mới phát hiện được.

Đa số các cán bộ xã còn làm việc kiêm nhiệm, chưa nắm bắt được Luật Đê điều. Tại huyện Đô Lương, việc xử lý vi phạm đê điều hiện gặp nhiều khó khăn vì một số tuyến đê đi qua các khu dân cư. Khi thực hiện Luật Đê điều, mở rộng hành lang bảo vệ đê thì xảy ra tình trạng “đê lấn nhà”.

Cụ thể là tại tuyến đê Tả Lam đi qua thị trấn Đô Lương và xã Lưu Sơn, hiện có 100 hộ dân có nhà ở và các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê. Các hộ dân này đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi thửa đất của gia đình có từ lâu, khi xây dựng tuyến đê, Luật Đê điều chưa được ban hành, dẫn đến các công trình nhà cửa vi phạm hành lang đê…

Có một số hộ dân chia đất ở cho con trong một mảnh vườn, nên tăng thêm các hộ vi phạm, theo Luật Đê điều thì vi phạm, tuy nhiên việc xử lý lại rất khó khăn, bởi đây là thửa đất thuộc quyền sử dụng của chính gia đình họ. Căn cứ theo Luật Đê điều thì phải di dời, nhưng rất khó bởi liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đê hiện chưa được cắm chỉ giới, xây dựng đường hành lang chân đê.

Đối với tình trạng lấn chiếm kênh Vách Bắc, ông Nguyễn Xuân Long – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc cho biết: Phía Công ty đã cập nhật tình hình vi phạm trên tuyến kênh Vách Bắc và kênh tưới N18A hàng ngày, đồng thời nhiều lần có văn bản gửi chính quyền địa phương các cấp. Trong nhiều cuộc họp, kết luận của lãnh đạo địa phương cũng đã nêu quan điểm không để phát sinh vi phạm mới, giữ nguyên vi phạm cũ, đồng thời lập hồ sơ cưỡng chế các vi phạm mới trong năm 2020. Mặc dù phía đơn vị quản lý đã cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên, kiểm tra, phát hiện từ đầu, tuyên truyền ngăn chặn người dân dừng ngay việc xây dựng trái phép, và báo cáo UBND xã Đô Thành vào cuộc xử lý, thế nhưng tại hiện trường, các hộ vẫn ngang nhiên xây dựng.

Cũng theo ông Long,  việc xử lý vi phạm đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, bởi vì hiện nay thẩm quyền xử lý những vi phạm công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai thuộc chính quyền địa phương các cấp. Chưa kể, công trình thuỷ lợi hầu hết xây dựng từ lâu, trải qua một thời gian dài được điều chỉnh bởi các quy định khác nhau, dẫn đến có sự chồng lấn trong quy định về phạm vi bảo vệ, điều này khiến cho việc thực hiện các nội dung quy định trong Luật Thủy lợi và Luật Đê điều gặp nhiều khó khăn.

Ông Huệ cũng cho biết, mới đây UBND xã đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với 4 trường hợp xây dựng trái phép trên hành lang công trình thuỷ lợi, đối với các hộ: Lê Văn Cảnh, Bùi Văn Hùng, Trần Văn Hiệp (cùng trú tại xóm Phú Xuân) và hộ Nguyễn Quyết Thắng (trú tại xóm Phú Vinh). Các quyết định cưỡng chế ban hành vào ngày 16/3/2021, ngày 23/3/2021 xã đã tống đạt các quyết định này đến các hộ dân, tuy nhiên các gia đình này không nhận.

Tinh thần chung của lãnh đạo các cấp là sẽ quyết liệt xử lý đối với những trường hợp vi phạm tại các tuyến kênh thuỷ lợi, trong đó có khu vực kênh Vách Bắc và kênh N18A tại xã Đô Thành.

Hiện tại, huyện cũng đã hướng dẫn xã ra quyết định cưỡng chế, sau ngày 8/4/2021 sẽ tiến hành cưỡng chế 4/12 hộ vi phạm mới. Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành,  cần có một giải pháp tổng thể để xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực xã Đô Thành, vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cũng nhằm tránh gây thất thoát tài nguyên, ngân sách Nhà nước…

Để hạn chế tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, theo các nhà chuyên môn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm đang tồn đọng; đồng thời có giải pháp kiên quyết, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh mới. Cần rà soát số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời khả thi để thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng những quy định về bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi để người dân hiểu và chấp hành. Cơ quan chức năng cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở; tăng chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều là những giải pháp quan trọng để xử lý dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm hành lang đê điều như hiện nay.