Nghệ An: Bệnh đạo ôn lây lan trên 127 ha lúa xuân

(Baonghean.vn) - Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV, hiện tại bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên diện tích hơn 127 ha lúa xuân. Trong điều kiện thời tiết sương mù, nắng ấm, cảnh báo bệnh đạo ôn tiếp tục lây lan ra diện rộng, bà con nông dân cần theo dõi, phòng trừ kịp thời.
Những ngày này, nhiều ruộng lúa xuân trên các cánh đồng của xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) và một số xã lân cận đã xuất hiện bệnh đạo ôn với tỷ lệ khá cao.
Bệnh đạo ôn lúa đang phát triển nhanh trên một số cánh đồng lúa xuân ở các địa phương. Ảnh: Quang An
Bệnh đạo ôn lúa đang phát triển nhanh trên một số cánh đồng lúa xuân ở các địa phương. Ảnh: Quang An
Ông Hồ Văn Nhuận, nông dân xã Hưng Phúc cho hay: Bệnh đạo ôn xuất hiện trên lúa cách đây 1 tuần, lúc đầu chỉ ở mức độ nhẹ, lá xuất hiện các đốm trắng nhỏ, tuy nhiên, sau vài ngày một số vùng lúa đã bị nhiễm khá nặng, phải phun thuốc trị bệnh. "Nhà tôi có khoảng 1/3 diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, hiện gia đình đã mua thuốc BVTV tại HTX nông nghiệp về phun theo khuyến cáo của xã" - ông Nhuận nói.
Theo ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên: Hiện toàn huyện có khoảng 100 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung tại các xã Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Mỹ... UBND huyện đã chỉ đạo Trạm BVTV xuống địa bàn kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa và thông báo cho các xã chỉ đạo người dân sử dụng các phương pháp phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, hạn chế bệnh lây lan.
Nông dân xã Hưng .... huyện Hưng Nguyên phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lúa. Ảnh: Quang An
Nông dân xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lúa. Ảnh: Quang An
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Đến ngày 15/2, toàn tỉnh có 127 ha lúa xuân trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh  bị nhiễm bệnh đạo ôn, với tỷ lệ khá cao.
Ông Đức khuyến cáo, thời tiết sương mù, lạnh vào buổi sáng, nắng ấm vào trưa chiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh trên cây lúa đang kỳ đẻ nhánh. Vì vậy, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, bón phân cân đối, giữ nước trong ruộng hợp lý; đối với ruộng gieo sạ, cần tỉa dặm thưa. Khi phát hiện có bệnh đạo ôn trên lá, cần sử dụng thuốc BVTV phun kịp thời.
Bên cạnh đó, một số loài gây hại khác như chuột và ốc bươu vàng xuất hiện khá nhiều tại một số địa phương: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Đặc biệt là trên những diện tích lúa cấy trên đồng đất sâu trũng xuất hiện ốc bươu vàng mật độ cao.
Lúa xuân nhiều nơi đang bị nạn chuột cắn phá. Ảnh: Xuân Hoàng
Lúa xuân nhiều nơi đang bị nạn chuột cắn phá. Ảnh: Xuân Hoàng
Vì vậy, các địa phương cần chú trọng công tác diệt chuột bằng cách bẫy, bả, phát quang bụi rậm xung quang ruộng lúa; kết hợp chăm sóc lúa với bắt ốc bươu vàng để tiêu hủy kịp thời.
Cách phòng và trừ bệnh đạo ôn cho lúa

Bón đạm, lân, kali cân đối, không bón thừa đạm, không nên bón đạm tập trung vào thời kỳ lúa dễ nhiễm bệnh như thời kỳ trổ bông. Khi có bệnh xâm nhập phải giữ mực nước trên ruộng ngập 3 - 5 cm; ngừng bón đạm, kali, ngừng phun phân bón qua lá, chất kích thích sinh trưởng các loại, tiến hành phun thuốc phòng, trừ kịp thời khi bệnh ngừng phát triển thì bón phân, chăm sóc bình thường.

Thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh đạo ôn, nên phun thuốc ngừa bằng các loại thuốc đặc hiệu: Fuji - one 40 EC, liều lượng 50 cc thuốc pha 30 lít nước phun cho 1 sào; Fuji - one 40WP, liều lượng 50 gam thuốc pha 30 lít nước phun cho 1 sào; Kasai 21,2 WP, liều lượng 50 gam thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào; Filia 525 SE, liều lượng 24 cc thuốc pha 20 lít nước phun 1 sào; Vista 72.5 WP, liều lượng 30 - 40 gam thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào.

Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

Tin mới