Nghệ An: Các địa phương chủ động hóa chất khử trùng, phòng dịch tả lợn châu Phi

(Baonghean.vn) - Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, các địa phương: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu đang tiến hành đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, trong đó chủ động lượng hóa chất khử trùng, triển khai phun đồng loạt tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn.

Nghi Lộc tập trung phòng dịch vùng trọng điểm

Để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn, Nghi Lộc đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo toàn tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.

Ban phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện Nghi lộc kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích cực phòng dịch. Ảnh Thu Hiền
Ban phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện Nghi Lộc kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tích cực phòng dịch. Ảnh: Thu Hiền

Trong đó, xã Nghi Công Nam là địa phương có số lượng gia súc rất lớn, bởi có 1 trang trại nuôi lợn quy mô 1.200 con đóng trên địa bàn. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Ông Đinh Bá Hảo - Trưởng ban Thú y xã Nghi Công Nam cho biết: Xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo, phân công cụ thể các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ thú y viên của xã tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chợ, các tụ điểm giết mổ gia súc, chuồng trại chăn nuôi hạn chế mầm bệnh phát sinh.

Các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Nghi lộc rắc vôi bột khử trùng trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Thu Hiền
Các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Nghi lộc rắc vôi bột khử trùng trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Thu Hiền

Tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh.

Anh Nguyễn Đình Dũng ở xóm 7, xã Nghi Trung - chủ trang trại chăn nuôi lợn cho biết: Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi gia đình rất lo lắng. Do đó, anh đã tiến hành cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, theo dõi 24/24h. Rắc vôi bột, vệ sinh phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại. Hiện trong chuồng đang có gần 400 con lợn, trong đó có 300 con lợn thịt và gần 100 con lợn sinh sản.  

Các chủ trang trại ngoài sử dụng các giải pháp phòng dịch, còn chăm sóc tốt đàn lợn. Ảnh: Thu Hiền
Các chủ trang trại ngoài sử dụng các giải pháp phòng dịch còn chăm sóc tốt đàn lợn. Ảnh: Thu Hiền

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Nghi Lộc có hơn 41 nghìn con lợn. Trong đó có 4 trang trại lớn có quy mô từ 200 - 1.200 con. Số còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Do dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc để phòng trị, khi lợn đã nhiễm bệnh tỷ lệ chết 100%, vì vậy, công tác phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập các tổ chốt chặn tại các đầu mối giao thông để kiểm soát ngăn chặn vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.

Đồng thời, huyện Nghi Lộc chuẩn bị 650 lít hóa chất bencoxit và triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng trong toàn huyện.

Quỳnh Lưu chuẩn bị 600 lít hóa chất  
Quỳnh Lưu có tổng đàn lợn hơn 45 ngàn con. Là vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, để tăng cường công tác phòng dịch, địa phương đã chủ động mua 600 lít hóa chất khử trùng.
Quỳnh Lưu chủ động mua hóa chất khử trùng để phòng dịch châu Phi. Ảnh: Lê Nhung
Quỳnh Lưu chủ động mua hóa chất khử trùng để phòng dịch châu Phi. Ảnh: Lê Nhung

Thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Văn và Quỳnh Tân. Đây là 3 địa phương có tổng đàn lợn tương đối lớn và là vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của huyện.

Qua kiểm tra thực tế tại 3 xã, đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao công tác chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi của các địa phương.

Các xã đã kịp thời thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Bình quân mỗi ngày, các xã tuyên truyền 2 - 3 lần trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn xóm để người dân hiểu biết về dịch tả lợn châu Phi để phòng ngừa./. 

Tin mới