Nghệ An: Các dự án di dời khẩn cấp vẫn trong tình trạng 'đủng đỉnh'

(Baonghean.vn) - Nghệ An là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất mỗi khi mưa bão, nhiều địa bàn bị tác động nặng nề cần di dời khẩn cấp. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần xây dựng dự án tái định cư ở các vùng có nguy cơ cao mang tính cấp bách, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án di dân khẩn cấp đang quá chậm, gây bức xúc cho người dân.

Dự án di dời khẩn cấp, nhưng vốn đối ứng nhỏ giọt

Xuất phát từ đặc điểm địa hình miền núi Nghệ An có độ dốc lớn và tập quán sinh sống của người dân, cho nên nhiều khu dân cư hình thành ở các triền núi và ven khe, suối. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong mùa mưa, bão. Và thực tế, khu vực miền núi Nghệ An đã từng xảy ra nhiều trận lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương thường bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất. Ảnh tư liệu: Thành Chung
Huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương thường bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Để đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, trên cơ sở Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng, triển khai các dự án đầu tư khu tái định cư tập trung, xen ghép để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, thông qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 21 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và 25 dự án được quy hoạch mới. Riêng địa bàn vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn có 16 dự án tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quỳnh Lưu.

Đến thời điểm cuối năm 2019, trong số 16 dự án vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn thì mới chỉ có 4 dự án hoàn thành; 9 dự án đang triển khai kéo dài, dang dở và 3 dự án chưa triển khai.

Nguyên nhân chính, theo bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, việc bố trí vốn cho các dự án chậm, dàn trải, mang tính nhỏ giọt và chủ yếu là nguồn vốn Trung ương, còn nguồn ngân sách địa phương đối ứng còn rất hạn chế, việc lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí thất thoát chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Châu Thành (Quỳ Hợp) có tổng mức đầu tư 18,68 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 7,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương là hơn 11 tỷ đồng.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu cuộc sống của người dân tại dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu cuộc sống của người dân tại dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở. Ảnh: Mai Hoa

Mặc dù được khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay dự án mới chỉ được bố trí gần 6,8 tỷ đồng trong tổng hơn 7,5 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương, còn ngân sách địa phương chưa bố trí đồng nào. Hay dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Bình Chuẩn (Con Cuông) có tổng mức đầu tư hơn 26,2 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương hơn 18,3 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 7,8 tỷ đồng), nhưng mới chỉ bố trí 17,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và từ năm 2016 đến nay không được bố trí nguồn vốn. Hiện tại, dự án này đang thiếu đường vào khu tái định cư, hệ thống nước sinh hoạt, trường mầm non, nhà văn hóa cộng đồng…

Ngoài nguyên nhân bố trí nguồn vốn dàn trải và thiếu, dẫn đến các dự án di dân khẩn cấp ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh triển khai kéo dài, dang dở, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương vào cuối tháng 9/2020 vừa qua liên quan đến một số dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân, nhiều ý kiến cũng đã phân tích, làm rõ thêm nhiều nguyên nhân khác.

Nhiều tồn tại trong quản lý đầu tư, xây dựng

Quá trình tổ chức thực hiện và quản lý đầu tư xây dựng dự án có những vấn đề tồn tại, bất cập.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Mão cho rằng, đối với công trình xây dựng khi đã bố trí 70 - 80% tổng nguồn vốn là đã cơ bản hoàn thành dự án và có thể đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại dự án xây dựng mẫu các khu dân cư cho dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương (gồm 2 khu tái định cư Khe Mừ, xã Thanh Thủy và khu tái định cư Triều Dương, xã Thanh Lâm), mặc dù đã bố trí hơn 70/86 tỷ đồng, đạt 81,39% tổng vốn đầu tư dự án, nhưng hiện dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục đầu tư đã xuống cấp, gây lãng phí. Điều này chứng tỏ trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý đầu tư xây dựng dự án có những vấn đề tồn tại, bất cập.

Dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến (ảnh trên) và xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp đang đầu tư dang dở. Ảnh: Mai Hoa
Dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến (ảnh trên) và xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp đang đầu tư dang dở. Ảnh: Mai Hoa

Một nguyên nhân nữa được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phân tích, quá trình lập dự án, việc xác định quy mô và nguồn vốn không rõ ràng, dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần và kéo dài. Đơn cử như Dự án tái định cư làng chài Khe Mừ (Thanh Chương) hay dự án di dân khẩn cấp ra vùng thiên tai, sạt lở ở xã Châu Tiến và xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) đều qua 3 lần điều chỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Trong quá trình thực hiện, trách nhiệm của các chủ đầu tư và một số sở, ngành liên quan chưa đầy đủ để tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, nhất là bố trí nguồn vốn. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, quá trình triển khai, chủ đầu tư chưa xác định rõ công trình, hạng mục cần ưu tiên tập trung, cho nên có dự án dân thiếu đất sản xuất do chưa có tiền đền bù để lấy đất cấp cho dân, hay thiếu cầu dân sinh phục vụ đi lại cho người dân tại dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Bình Chuẩn (Con Cuông)…

Xác định lại tính cấp bách để ưu tiên

Không thể phủ nhận sự tích cực chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án di dân, tái định cư vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả với tổng 400 hộ di dời tái định cư và đang dần ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số dự án dang dở kéo dài còn nhiều, bên cạnh gây lãng phí nguồn lực do nhiều hạng mục đầu tư đã xuống cấp thì việc đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng được xác định di dời khẩn cấp chưa được thực hiện. Như Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nêu tại phiên giải trình vào cuối tháng 9/2020 vừa qua, các dự án di dân tái định cư đều được xác định khẩn cấp, nhưng 8 - 10 năm chưa hoàn thành.

Thông qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Bình Chuẩn - Mai Hoa
Thông qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Bình Chuẩn  (Con Cuông). Ảnh: Mai Hoa

Phải xác định lại dự án nào thực sự cấp bách và hạng mục công trình ưu tiên để có giải pháp tập trung.

Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo kết luận phiên giải trình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án di dân tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định lại dự án nào thực sự cấp bách và hạng mục công trình ưu tiên để có giải pháp tập trung; đồng thời rà soát lại các công trình, hạng mục trong từng dự án đã hoàn thành, tiến hành kiểm định chất lượng và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các công trình có tình trạng xuống cấp, yếu kém về chất lượng thi công để làm rõ trách nhiệm; có kế hoạch tổng thể lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và cân đối ngân sách tỉnh để hoàn thành sớm các dự án di dân khẩn cấp, trong đó, đối với dự án xây dựng mẫu các khu dân cư cho dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022. 

Thiết nghĩ, các công trình dự án di dân tái định cư đã xếp vào diện khẩn cấp thì các cấp, các ngành có trách nhiệm cao hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để đảm bảo an toàn cho người dân trước mắt và về lâu dài là giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh tình trạng quyết định khẩn cấp, nhưng làm cứ từ từ như thời gian qua.

Tin mới