Cấp tập ôn thi vào lớp 10

ÀI thi tổ hợp được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố từ đầu tháng Tư và đến cuối tháng Tư đề thi minh họa cho môn thi tổ hợp lần đầu được công bố với 3 môn là Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp), Sinh học và Giáo dục công dân (GDCD). Bài thi tổ hợp được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 50 câu, trong đó có 20 câu môn tiếng Anh (4 điểm), hai môn còn lại mỗi môn 15 câu (3 điểm).

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo: “Đề thi minh họa cũng có thể xem là đề tham khảo để học sinh làm quen, rèn kỹ năng làm bài. Đề thi được trình bày theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao nhằm mục đích phân loại được thí sinh”.

Ngay sau khi đề thi minh họa được công bố, các trường đã tổ chức cho các giáo viên bộ môn và các tổ chuyên môn tiến hành phân tích đề. Mặc dù vậy, tâm lý chung vẫn thấy lo lắng khi đề thi minh họa được đánh giá là khó so với mặt bằng chung.

Nhận xét về đề, cô giáo Trần Thị Lệ Thủy – giáo viên bộ môn Sinh học, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bến Thủy (thành phố Vinh) cho biết: “Môn Sinh học có 15 câu và đề thi đã ra đảm bảo đúng cấp độ. Tuy nhiên, với học sinh đại trà, đề thi minh họa không dễ có điểm cao bởi bài tập khá nhiều và nhiều câu học sinh phải làm hai ba bước mới có đáp án. Các câu hỏi trải dài trong 9/10 chương của chương trình lớp 9 nên phạm vi khá rộng.

Qua thực tế ở các trường tôi cũng nhận thấy môn Sinh học thời lượng trong sách giáo khoa lớn, lượng kiến thức nhiều nhưng số tiết học hạn chế. Thường thì mỗi chương chỉ có một bài tập nên nếu ra bài tập quá nhiều thì bất lợi cho học sinh vì các em không có nhiều thời gian ôn tập”.

Cô giáo Hồ Thị Xuân – giáo viên bộ môn Sinh học – Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) cũng đồng tình với ý kiến này. Theo cô, đề thi minh họa môn Sinh học “chuẩn” cấu trúc đề trắc nghiệm. Đề thi cũng chỉ gói gọn trong 15 câu hỏi, nhưng độ phủ kiến thức bài học là xuyên suốt chương trình lớp 9, chứ không ra tập trung vào phần, chương bài nào nên học sinh không thể học tủ được. Nhưng từ thời điểm công bố đề thi minh họa đến khi diễn ra kỳ thi chỉ còn có hơn 1 tháng, nên thời gian sắp tới sẽ rất vất vả.

Với bộ môn tiếng Anh, mặc dù là môn thi quen thuộc nhưng trước đây chủ yếu thi theo hình thức tự luận. Vì vậy, năm nay với việc chuyển hoàn toàn sang hình thức trắc nghiệm khách quan cũng buộc học sinh phải làm quen với hình thức mới. Cô giáo Nguyễn Thị Tú – giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh) cho rằng: “Qua xem đề, tôi thấy phần kiến thức không nặng hơn so với những năm trước. Nhưng với học sinh đại trà sẽ khá vất vả với phần “trọng âm”. Riêng về phần đọc hiểu, để làm bài tốt học sinh phải có vốn từ mới rộng, phải hiểu toàn bộ bài mới suy luận được nên khó có thể có 4 điểm tuyệt đối”.

Ở môn GDCD, qua đề thi minh họa, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là môn gỡ điểm cho học trò. Tuy vậy, để phân loại học sinh kỹ hơn thì đề thi nên tăng cường các câu hỏi về pháp luật. Nói thêm về đề thi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thương – giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn) cho biết: Sau khi có đề thi minh họa, chúng tôi đã cho học sinh làm thử và số học sinh đạt điểm tuyệt đối khá cao. Vì vậy, để đánh giá chính xác hơn, tôi cho rằng, cần giảm các câu hỏi về đạo đức và tăng các câu hỏi về pháp luật, qua đó cũng đánh giá được thực chất việc dạy và học môn GDCD ở các trường.

Ngay sau khi đề thi minh họa được công bố, công tác ôn tập ở các trường học cũng khẩn trương hơn và thực sự là một cuộc đua “nước rút”. Như ở Trường THCS Bến Thủy, cô giáo Trần Thị Lệ Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi công bố môn thi, đề thi minh họa đến khi các em bước vào kỳ thi lớp 10 chúng tôi chỉ có hai tháng chuẩn bị. Trong khi đó, phải đến giữa tháng 5, các em mới học hết chương trình. Chính vì vậy, thời điểm này để sắp xếp ôn tập cho học sinh chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Riêng các môn như Sinh học, Giáo dục công dân mặc dù lượng kiến thức rất nặng, bài tập nhiều nhưng chúng tôi chỉ có 6 buổi ôn tập.

Tại Trường THCS Kim Liên thời điểm này, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã tổ chức cho tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên, học sinh tiếp cận, phân tích các đề thi minh họa về cấu trúc, nội dung kiến thức, mức độ phân hóa và có phương án phân loại học sinh để ôn tập đảm bảo phù hợp. Từ đầu tháng 4, nhà trường cũng tăng số buổi ôn tập từ 3 lên 5 buổi dành cho học sinh nhưng do lần đầu tiên triển khai môn thi tổ hợp nên việc xây dựng ngân hàng đề thi còn khó khăn. Ngoài ra, học sinh đang còn nhiều lúng túng trong kỹ năng làm bài, nhất là kỹ năng làm bài nhanh và chính xác trong bài thi tổ hợp.

Ở Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) với việc đại đa số học sinh đều đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên công tác ôn tập cũng đã được chuẩn bị hết sức khẩn trương. Cô giáo Trần Thị Thu Hương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Quan điểm của nhà trường là ủng hộ cách thi này, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh tình trạng học sinh phân biệt môn học chính, môn học phụ.

Nhằm tạo tâm lý ổn định trước khi kỳ thi diễn ra, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo, phổ biến và giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về những đổi mới của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có bài thi tổ hợp. Cô Hương cho biết: “Khó khăn hiện nay của nhà trường là số lượng giáo viên các bộ môn ít, như môn Sinh học có 2 giáo viên, môn GDCD chỉ có 1 giáo viên. Vì vậy, vừa đảm nhận dạy, kiểm tra, chấm điểm học sinh 3 khối 6,7,8 lại vừa phụ trách ôn tập cho học sinh khối 9 thi vào THPT nên khối lượng công việc khá nặng”.

Thực tế này, cũng diễn ra ở nhiều trường khác bởi lâu nay do tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ nên giáo viên dạy kiêm nhiệm nhiều. Vì vậy, ở nhiều trường không có giáo viên dạy môn Giáo dục công dân hoặc môn Sinh học chính. Thay vào đó các trường phải “đôn” giáo viên ở các bộ môn khác lên nên việc dạy và ôn tập khó đạt chất lượng như mong muốn.