Nghệ An: Cau rớt giá thê thảm, người trồng thất thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hơn một tháng nay, giá cau tươi sụt giảm mạnh, chưa bằng 1/10 năm ngoái, người trồng cau trên địa bàn tỉnh kém vui dù cau được mùa… 
Cau năm nay được mùa, nhiều buồng, quả sai, mẫu mã đẹp. Ảnh: Thanh Phúc
Cau năm nay được mùa, nhiều buồng, quả sai, mẫu mã đẹp. Ảnh: Thanh Phúc

Trồng gần 300 gốc cau, trong đó có 60 gốc cho thu hoạch, cau năm nay được mùa, theo ước tính, vụ cau này, vườn nhà ông Trần Văn Tăng (thôn Tân Tiến, xã Hùng Sơn, Anh Sơn) sẽ cho thu hái khoảng 1,5 tấn quả. “Với giá bán như năm 2021 thì một tấn cau đã có gần trăm triệu đồng. Thế nhưng năm nay, giá cau xuống thấp nên dù được mùa thì thu nhập cũng mới chỉ bằng một phần tư năm trước”, ông Tăng cho biết.

Theo ông Tăng đó là cau vườn ông ra sớm hơn, một số thu hoạch cách đây 1 tháng nên giá bán lúc đó vẫn còn ở mức cao từ 30.000-35.000 đồng/kg nên còn đỡ. Hiện lứa cau đang vào độ thu hoạch khoảng 30 buồng, khoảng 4-5 tạ cau nhưng giá rớt thê thảm, chưa bằng 1/10 so với năm ngoái.

Những vườn cau trĩu quả ở Hùng Sơn (Anh Sơn) nhưng chưa hái bán dù đã già do giá cau xuống thấp. Ảnh: Thanh Phúc

Những vườn cau trĩu quả ở Hùng Sơn (Anh Sơn) nhưng chưa hái bán dù đã già do giá cau xuống thấp. Ảnh: Thanh Phúc

“Nếu như 1kg cau năm ngoái cao nhất là 90.000 đồng/kg thì đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg. Mà cũng hiếm người mua, thương lái cũng kén chọn, chỉ mua cau non, vỏ xanh, trái dài, hạt đặc”, ông Tăng chia sẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Hùng Sơn có hơn 100 hộ trồng cau số lượng từ vài chục cây trở lên; số hộ trồng nhiều từ vài trăm cây khoảng 10 hộ. Nhiều năm nay, cây cau đem lại thu nhập chính từ kinh tế vườn của các hộ dân. Những năm cau được giá, nhiều vườn thu nhập cả trăm triệu đồng từ cau. Vậy nhưng, vụ cau 2022, người trồng dù được mùa cau cũng khá buồn lòng khi cau rớt giá thê thảm.

Hiện thương lái đã thu mua cau quả trở lại. Trước đó, có thời điểm thương lái tạm ngừng thu mua do phía Trung Quốc không nhập hàng. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện thương lái đã thu mua cau quả trở lại. Trước đó, có thời điểm thương lái tạm ngừng thu mua do phía Trung Quốc không nhập hàng. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ ở Anh Sơn, người trồng cau ở các huyện khác như Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ… cũng thất thu một khoản lớn khi vụ cau này giá “chạm đáy”. Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nho (Thanh Chương), một địa phương trồng nhiều cau nhất huyện Thanh Chương cho biết: “Giá cau đầu mùa dù chỉ bằng một nửa năm ngoái nhưng còn ở mức cao 35-40 nghìn đồng/kg. Nhưng nay, chỉ còn 5-7 nghìn đồng/kg. Hàng trăm hộ trồng cau trên địa bàn xã mất một nguồn thu lớn”.

Theo khảo sát, hiện nay, giá thu mua quả cau tươi ngoài thị trường dao động từ 5 - 7 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, khoảng 1,5 tháng trước, giá cau tươi dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg và năm 2021, giá cau lên đến đỉnh điểm với 90.000 đồng/kg.

Cau quả chủ yếu được các lò sấy thu mua, sau đó nhập sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định. Ảnh: Thanh Phúc

Cau quả chủ yếu được các lò sấy thu mua, sau đó nhập sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định. Ảnh: Thanh Phúc

Giá cau xuống thấp trong khi đó, giá thuê người hái cau lại cao, thương lái kén chọn nên nhiều nhà vườn không muốn thu hoạch, để cau chín già trên cây. Thị trường tiêu thụ ảm đạm không chỉ khiến người trồng sụt giảm doanh thu mà những lao động dịch vụ “ăn theo” cau cũng không có việc làm.

Chị Hoài Thương, chủ một đại lý thu mua cau ở Phúc Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Năm ngoái, giá cau lên cao, ngoài thu mua tại chỗ, chúng tôi còn phải thuê nhân công đi khắp các xã trong huyện, các huyện khác để thu mua; rồi thuê người vặt trái, đóng gói để xuất đi các lò. Năm nay, thu nhập vì thế giảm sút nhiều”.

Giá cau xuống thấp, nhiều nhà vườn chấp nhận để cau già, rụng, tận dụng một phần chuyển sang ươm bán cau giống. Ảnh: Thanh Phúc

Giá cau xuống thấp, nhiều nhà vườn chấp nhận để cau già, rụng, tận dụng một phần chuyển sang ươm bán cau giống. Ảnh: Thanh Phúc

Nguyên nhân khiến cau rớt giá thê thảm theo các thương lái là do phía Trung Quốc ngừng thu mua nên không có đầu ra.

Những năm gần đây, diện tích trồng cau tại nhiều địa phương được mở rộng. Nguyên nhân là do, cây cau dễ trồng, tận dụng được đất trống ở bờ rào, bờ ao, trồng xen giữa cây ăn quả, rau màu do không chiếm nhiều diện tích lại không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, ít gãy đổ. Sau 5 năm thì cho thu hoạch liên tục. Do vậy nên, dù cau có năm được giá, năm mất giá nhưng nếu so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn như cây keo, cây sắn thì cau vẫn có giá trị hơn.

Những năm gần đây, diện tích trồng cau tại nhiều địa phương được mở rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Những năm gần đây, diện tích trồng cau tại nhiều địa phương được mở rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra của cau quả bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào phía Trung Quốc nên người trồng cũng cần cân nhắc, các địa phương cũng cần có quy hoạch, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích…

Tin mới