Nghệ An chấm dứt hoạt động 138 dự án, thu hồi 34.500 ha đất

(Baonghean) - UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất của 138 dự án với tổng diện tích gần 34.500 ha.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn các dự án triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Văn Độ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí, cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2017 chủ trương của tỉnh triển khai quyết liệt công tác thu hồi các dự án chậm tiến độ. Đồng chí có thể cho độc giả Báo Nghệ An biết rõ hơn điều này?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Công tác thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Kết quả, năm 2017, đã chấp thuận đầu tư cho 175 dự án với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14.854,09 tỷ đồng (tăng 34 dự án so với năm 2016, nhưng giảm 18.929 tỷ đồng vốn đăng ký so với năm 2016 do năm 2016 có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn).
Lũy kế đến nay, có 1.096 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 313.000 tỷ đồng, trong đó FDI có 88 dự án/2.047,69 triệu USD. Bên cạnh nhiều dự án triển khai nhanh, vẫn còn các dự án triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa. Ảnh: Thanh Lê
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư chậm tiến độ, không triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo đó, từ năm 2014-2017, UBND tỉnh thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành 357 lượt kiểm tra dự án đối với 310 dự án (trong đó có 168 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 142 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất). Kết quả cụ thể, có  84 dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ (trong đó có 19 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 65 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất).
Riêng năm 2017, tham mưu thu hồi, hủy bỏ 30 dự án. Tính lũy kế đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất của 138 dự án với tổng diện tích gần 34.500 ha. 
P.V: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai?
 Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Có tới hơn 80% dự án chậm tiến độ đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho cả chính quyền tỉnh lẫn nhà đầu tư mỏi mệt.
Bên cạnh đó, một phần do cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường GPMB không ổn định, thường xuyên thay đổi. Nhiều nội dung quy định chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng rất khó khăn; chính sách ban hành sau có lợi hơn nhiều so với chính sách ban hành trước dẫn đến khó khăn trong việc xử lý bồi thường chuyển tiếp giữa chính sách cũ và chính sách mới. 
Một trong những nguyên nhân nữa là sự biến động của thị trường khiến  các nhà đầu tư phải xem xét lại chiến lược đầu tư kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, do đó, có nhiều dự án triển khai cầm chừng do nhà đầu tư chuyển hướng sang lĩnh vực khác.
Một số nhà đầu tư còn đầu tư dàn trải nhiều dự án. Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng tăng cao, nhu cầu sản phẩm giảm,… do đó nhiều chủ đầu tư không thể triển khai, để dự án kéo dài nhiều năm.
Năng lực một số nhà đầu tư yếu, lại đầu tư theo phong trào nên có biến động của thị trường là gặp khó khăn trong việc huy động vốn hoặc thay đổi chiến lược, mục tiêu đầu tư; hoặc một số nhà đầu tư không triển khai đầu tư mà cố tình giữ đất để chuyển nhượng dự án kiếm lợi nhuận.
Mặt khác, quy trình thủ tục đầu tư theo quy định tại các văn bản pháp luật còn kéo dài, số lượng thủ tục còn nhiều, thực hiện tại nhiều cơ quan khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ và cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Để thực hiện một dự án đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn tất tối thiểu 10 nhóm thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan khác nhau từ cấp xã đến cấp tỉnh nên thời gian thường kéo dài, ngắt quãng nhiều phân đoạn. Có những dự án kéo dài từ 1-3 năm mới hoàn thành xong các thủ tục.
Đơn cử, hiện nay, với 10 thủ tục, tổng thời gian thực hiện từ 129 - 225 ngày làm việc (khoảng 5,8 -10,2 tháng) không bao gồm thời gian bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; 309 - 405 ngày làm việc (từ 14,1 tháng đến 18,4 tháng) bao gồm cả thời gian bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (riêng thủ tục bồi thường, GPMB mất thời gian 6 tháng).
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục trên tại các cơ quan có khi còn kéo dài hơn so với quy định. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc triển khai dự án sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn còn chậm.
Nằm ở vị trí đắc địa, Dự án BMC Cửa Lò Palaza được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2008 đến nay vẫn là vùng đất trống. Ảnh: Thanh Lê
Nằm ở vị trí đắc địa, Dự án BMC Cửa Lò Palaza được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2008 đến nay vẫn là vùng đất trống. Ảnh: Thanh Lê
P.V: Chủ trương của tỉnh là kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ. Vậy, theo đồng chí để lành mạnh hóa môi trường đầu tư, tỉnh sẽ triển khai giải pháp trọng tâm như thế nào trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Theo tôi, trước hết phải thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính của nhà đầu tư, nâng cao chất lượng lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng tìm kiếm, lựa chọn những nhà đầu tư tiềm năng, có thương hiệu.
Đồng thời ban hành quy định về đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại các vị trí có giá trị thương mại cao theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Một dự án chậm tiến độ ở Xã Nghi Phú, Thành phố Vinh. Ảnh: Trân Châu.
Một dự án chậm tiến độ ở Xã Nghi Phú, Thành phố Vinh. Ảnh: Trân Châu.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án ngay từ giai đoạn chủ trương đầu tư bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư, cam kết với chính quyền, chứng minh năng lực tài chính, phương án huy động vốn đối với dự án sẽ triển khai.
Thực hiện đối chiếu, xác nhận tính chính xác của báo cáo tài chính giữa hồ sơ nộp tại cơ quan đăng ký đầu tư và Cục Thuế.  Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và đặc biệt là các địa phương trong việc theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư.
Giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ hoặc không triển khai, vi phạm quy định của pháp luật để nắm bắt, phân loại dự án, nguyên nhân chậm triển khai để tiến hành kiểm tra và tham mưu xử lý theo hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung quyết liệt để xử lý những nguyên nhân gây chậm tiến độ như công tác GPMB, về thủ tục. Ưu tiên nguồn lực cho công tác GPMB để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thuộc diện đấu giá; tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các khu đất sinh lợi cao, có vị trí tốt… để phát huy hiệu quả sử dụng đất và lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực thực sự.
Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, không triển khai và xem xét cho gia hạn có điều kiện. Giải pháp trọng tâm được tỉnh đưa ra trong thời gian tới là đổi mới thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút đầu tư  một cách ồ ạt, dàn trải.
P.V: Cảm ơn đồng chí!

Tin mới