Nghệ An chấn chỉnh tình trạng vận chuyển khách và các dịch vụ phục vụ du khách trên đường thủy

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tai nạn trên các luồng, tuyến và vùng nước thủy nội địa mà nguyên nhân do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Ngày 29/4, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản về việc chấn chỉnh các hoạt động vận chuyển khách, các dịch vụ phục vụ du khách trên đường thủy và hoạt động vui chơi giải trí dưới nước

Thời gian gần đây, lượng khách du lịch đến Nghệ An tăng đột biến, các cấp, các ngành, địa phương đã thực hiện các chính sách, biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an toàn tối đa cho du khách, trong đó có công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì hiện nay trên địa bàn một số huyện, thị xã có tình trạng người dân sử dụng phương tiện nghề cá (tàu, thuyền, mủng...) để vận chuyển khách du lịch từ bờ ra biển, ra đảo và tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước bằng mô tô nước trên biển; vận chuyển khách tham quan dọc sông, tổ chức cho khách ăn uống trên thuyền; kinh doanh dịch vụ ăn uống theo dạng "nhà hàng nổi; vận chuyển khách tham quan ven biển.

Hầu hết, các hoạt động này chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, không bảo đảm an toàn cho du khách, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Người dân bị cấm dùng thuyền thúng để chở khách du lịch vì không đảm bảo an toàn. Ảnh tư liệu
Người dân bị cấm dùng thuyền thúng để chở khách du lịch vì không đảm bảo an toàn. Ảnh tư liệu

Để phòng ngừa tai nạn xảy ra trên các luồng, tuyến, vùng nước thủy nội địa, bảo đảm an toàn cho du khách đến Nghệ An và người dân tỉnh nhà trong mùa du lịch, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện dự thảo, ký với Công an tỉnh, Chi cục Đăng kiểm số 3 Quy chế phối hợp liên ngành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa.  Đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất tại các địa bàn có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các đơn vị quản lý, bảo trì công trình đường thủy thực hiện nghiêm, đúng quy định công tác quản lý, bảo trì đường thủy; rà soát bổ sung đầy đủ các báo hiệu; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý các sự cố gây mất an toàn giao thông đường thủy (nếu có).

UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an các huyện, thị xã và các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong đó đặc biệt quan tâm xử lý các hành vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện; quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; quy định về sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn; quy định về bảo đảm trật tự, an toàn khi tổ chức hoạt động vui chơi giải trí; quy định về vận chuyển người, hành khách.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao  nhiệm vụ chỉ đạo các Đồn Biên phòng ven biển và các đơn vị chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm đối với người và phương tiện xuất phát từ bờ ra biển, ra đảo và ngược lại; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp không bảo đảm các điều kiện theo quy định, đặc biệt là hoạt động chở khách du lịch trên phương tiện thủy, phương tiện nghề cá tại các luồng, tuyến và vùng nước đường thủy nội địa. Thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã liên quan và các đơn vị chức năng nắm bắt kịp thời, chính xác các trường hợp có dấu hiệu sử dụng phương tiện nghề cá để vận chuyển khách du lịch từ bờ ra biển, ra đảo để đấu tranh, ngăn chặn; lập danh sách để theo dõi, quản lý và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, răn đe.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân để tự giác chấp hành pháp luật; giao Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các huyện, thị xã liên quan chỉ đạo cấp xã, phường ký cam kết với ngư dân sử dụng đúng mục đích các phương tiện nghề cá, tuyệt đối không sử dụng phương tiện nghề cá (tàu, thuyền, mủng...) để vận chuyển khách du lịch từ bờ ra biển, ra đảo. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị trong hoạt động kiểm soát hoạt động của các phương tiện nghề cá và người lái để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Đối với Sở Du lịch, UBND tỉnh yêu cầu phải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động, khuyến cáo du khách không sử dụng các dịch vụ vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí dưới nước không bảo đảm an toàn, không đủ các điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng và UBND cấp xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, trên biển; ký cam kết với các chủ phương tiện giao thông đường thủy, phương tiện nghề cá tuyệt đối không được sử các phương tiện này để vận chuyển khách du lịch trên biển, sông, hồ... khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định. Chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, ban, lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện đường thủy, phương tiện nghề cá và người không bảo đảm các điều kiện theo quy định để vận chuyển khách du lịch. Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại địa bàn quản lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các phường, xã thường xuyên theo dõi sát sao việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng các vụ việc vượt quá thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tai nạn trên các luồng, tuyến và vùng nước thủy nội địa mà nguyên nhân do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Tin mới