Nghệ An: Chăn nuôi lợn lao đao vì đâu?

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có nền chăn nuôi phát triển. Ngoài đàn trâu, bò hiện có 750.000 con thì đàn lợn cả tỉnh hiện có hơn 915.000 con. Tuy nhiên hiện nay nhiều trang trại chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng khó xuất hàng vì giá rớt thảm và thiếu đầu ra.

Mỗi con lợn lỗ 1 triệu đồng

Những ngày này, các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang đứng ngồi không yên, bởi lợn hơi xuống giá thảm hại. Là địa bàn gần thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên xác định chăn nuôi là thế mạnh để phục vụ cho tiêu dùng thành phố. Hiện, toàn huyện có 60 trang trại chăn nuôi lợn, bình quân mỗi trang trại 50 con cũng có đến 3.000 con lợn, trong đó chủ yếu là lợn thịt, lợn mạ. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trang trại đều gặp khó trong việc tiêu thụ lợn và đang vay mượn, lấy chỗ này đập chỗ kia để duy trì đàn lợn đã đến tuổi xuất chuồng.

Chăn nuôi lợn theo quy mô hàng hóa là hướng phát triển kinh của nhiều hộ gia đình. Ảnh: Hồng Sơn
Chăn nuôi lợn theo quy mô hàng hóa là hướng phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình. Ảnh: Hồng Sơn

Anh Võ Ngọc Duyên ở xóm 16, xã Hưng Thắng đã nuôi lợn 16 năm nay, vừa đầu tư vào trang trại hết 1,6 tỷ đồng. Năm ngoái lợn hơi xuất chuồng giá 50.000 đồng/kg mỗi con thu lãi 500.000 - 700.000 đồng. Thời gian gần đây giá lợn hơi liên tục giảm và rất khó bán. Lứa trước anh Duyên nuôi 70 con, khi lợn đạt trọng lượng xuất chuồng thì giá lợn giảm xuống còn 28.000 đồng/kg, tính ra mỗi con lỗ từ 500.000 - 800.000 đồng.

Anh Duyên cho biết: "Nhà tôi hiện tại có gần 50 con lợn nái và 120 con lợn thịt, cứ bán mỗi con lợn tôi bị lỗ 1 triệu đồng. Một con lợn 1 tạ xuất chuồng chi phí hết 4 triệu đồng, nhưng bán chỉ được 3 triệu đồng (nếu bán được lợn hơi 30.000 đồng/kg). Lợn giống năm ngoái bán 1 triệu đồng/con nay giảm còn 400.000 đồng/con cũng không bán được". 

Giá lợn xuống thấp lại không có khách mua nên anh Duyên phải bán lẻ từng con cho người dân trong làng. “Nhưng không phải ngày nào cũng có người mua. Giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi lo lắng khi nợ nần chồng chất”.

Chúng tôi vào trang trại anh Hồ Văn Cường ở xã Hưng Tân cũng chứng kiến tình cảnh tương tự. Anh Cường nuôi 200 con lợn thịt, mấy tháng nay, anh đã lỗ hơn 100 triệu đồng. Anh Cường cho biết, mấy tháng trước bán lợn hơi 35.000 đồng/kg, nay chẳng thấy ai mua nữa. Anh đã dốc kiệt tiền vay mượn khắp nơi để mua thức ăn cho lợn, nay mỗi ngày chỉ dám cho ăn từng muỗng một để duy trì. Khi được hỏi, “sao không mổ thịt từng con bán trong làng?”, anh Cường cho hay: “Cả làng ai cũng nuôi lợn, nhà nào cũng mổ, có khi anh mổ thử 1 con cả ngày mới bán hết. Mấy mối mua lợn đều nói không mua”. 

Càng nuôi càng lỗ là tình cảnh chung của những người chăn nuôi lợn hiện nay. Ông Trần Quốc Trung - Chủ tịch Hội kinh tế trang trại huyện Hưng Nguyên, cũng là một trong những hộ chăn nuôi lợn thịt và lợn nái có quy mô hàng trăm con ở Hưng Nguyên, cho biết: “Vào thời gian này năm ngoái, giá lợn hơi bình quân 50.000 đồng/kg, hiện tại xuống dưới 30.000 đồng/kg nhưng cũng không bán được. Càng nuôi càng lỗ, nhưng các trang trại chưa thể tìm ra hướng giải quyết nào cho tình trạng hiện nay.

Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 60 trang trại lợn lâm vào hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi đang hẹn gặp nhau để tự cứu mình. Nguyên nhân theo tôi được biết là Trung Quốc không thu mua, còn vì sao tôi cũng không biết được. Hiện nay, các trang trại nuôi lợn đều nợ chồng, nợ chất, đã có trang trại bị phá sản”. 

Nông dân xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) điêu đứng vì giá lợn xuống thấp. Ảnh: Trân Châu
Nông dân xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) điêu đứng vì giá lợn xuống thấp. Ảnh: Trân Châu

Ở huyện Nghi Lộc, chăn nuôi lợn cũng là thế mạnh. Trung bình mỗi năm huyện phát triển tổng đàn lợn từ 17.000 - 21.000 con. Với giá lợn xuống thấp như hiện nay, người chăn nuôi toàn huyện thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Năm 2013, gia đình chị Lê Thị Hằng ở xóm 15B, xã Nghi Kiều đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn khép kín, có hầm bioga, với quy mô hơn 40 con/lứa. Trung bình 4 tháng gia đình chị xuất chuồng/lứa, (tương đương 3 tấn lợn hơi) hàng năm thu về trên 200 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm lại nay, giá lợn hơi rớt xuống còn 30.000 đồng/kg, (giảm 10.000 đồng/kg) so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, gia đình chị vô cùng hoang mang lo lắng bởi giá thức ăn vẫn giữ nguyên, trong khi đó, giá lợn hơi quá rẻ. Chị Hằng phân trần: “Toàn bộ tài sản bao năm tích góp được chúng tôi đã đầu tư hết để chăn nuôi, nhưng giờ giá lợn hơi giảm, mỗi lứa lợn gia đình tôi thất thu trên 40 triệu đồng. Không biết khi nào lấy lại được vốn”.

a
Đàn lợn đến tuổi xuất chuồng của gia đình chị Hằng ở xóm 15B Nghi Kiều (Nghi Lộc) nhưng không có khách mua. Ảnh: Thu Hiền

Những bất cập trong chăn nuôi lợn

Theo ông Trần Quốc Cường, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nghi Lộc, nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống nhanh là do cung vượt quá cầu. Mặt khác, việc tiêu thụ lợn hơi ở địa phương đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên khi Trung Quốc giảm nhập thì lợn hơi trong nước lập tức ế ẩm. Còn theo ông Trần Quốc Trung - Chủ tịch Hội trang trại Hưng Nguyên thì do người chăn nuôi đang tự "bơi" và chưa có được sự hỗ trợ kịp thời tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong thời điểm khó khăn. 

Một nghịch lý là hiện nay giá lợn hơi rớt thảm, nhưng chi phí thức ăn công nghiệp vẫn cao nên sau khi xuất bán, đa số các chủ trang trại chăn nuôi đều thua lỗ, không đủ vốn để tái đàn mà chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn duy trì. Và dù lợn hơi rớt giá mạnh nhưng tại các chợ đầu mối trên địa bàn giá thịt lợn vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, thịt vai, thịt mông, ba chỉ, sườn dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, riêng thịt nạc có giá từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg.

Một nguyên nhân nữa khiến cho tổng đàn lợn gia tăng dẫn đến nguồn cung về lợn rất lớn phải kể đến chính sách kích cầu tăng nguồn của Nhà nước và địa phương. Từ năm 2014, Nghệ An có chính sách hỗ trợ đầu tư vào địa bàn đối với lợn như: Hỗ trợ 1 triệu đồng/con lợn cái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có trọng lượng bình quân 60 kg/con. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa 100 triệu đồng/trang trại. Tỉnh trợ giá lợn đực giống ngoại (2 triệu đồng/con) với chỉ tiêu 30 con lợn nái trở lên được bố trí 1 con lợn đực cho trang trại đủ tiêu chuẩn sản xuất giống cấp ông, bà bố mẹ. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 50% giá lợn đực giống ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo của tỉnh. Trọng lượng lợn đực giống bình quân 100 kg/con. Nghệ An phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn lợn đạt 1.800.000 con, trong đó tổng đàn lợn nái: 288.000 con (trong đó nái ngoại đạt 57.000 con); lợn thịt 1.357.800, số con xuất chuồng 2.400.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 180.000 tấn.

Cung vượt cầu là lý do chính khiến cho lợn trên địa bàn cả nước lâm vào tình trạng bi đát như hiện nay. Một nền chăn nuôi chạy theo số lượng, tăng trọng trong khi đầu ra chưa tính đến, chưa nói đến tình trạng nhập khẩu thịt ồ ạt trong thời gian qua là cái sự “dở khóc dở cười” của ngành chăn nuôi cả nước. Thông tin thu thập cho thấy: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và tăng 21% về giá trị so với cùng kỳ. Giá thịt nhập khẩu bình quân chỉ 27.000 đồng/kg.

Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, ước tính tới cuối 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ riêng số lượng các trang trại lớn và vừa trong cả nước đã lên tới con số 26 nghìn, tăng tới 23% so với năm 2015. Đáng nói là cả 3 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm là đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ đều phát triển “nóng” đàn lợn.


Trong chuỗi chăn nuôi, người Việt Nam đang bị động từ cả các khâu thức ăn lẫn khâu thị trường, con giống. Hay nói cách khác là đang chăn nuôi theo kiểu robot, “gia công”, “tay không bắt giặc”. Người chăn nuôi nhập thức ăn ngoại, nhập giống ngoại, vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại, mua thức ăn rồi về vỗ béo đàn lợn, sau đó xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này.  Những con lợn được vỗ béo bằng thức ăn tăng trọng nhập ngoại của Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ..., trong khi hàng ngàn ha ngô, lúa, khoai của Việt Nam đang phải tiêu thụ thô với giá rẻ. Hàng chục nhà máy chế biến thức ăn của Việt Nam đang mua nguyên liệu ngô, mỳ từ các nước về chế biến thức ăn cho lợn trong khi ngô, khoai của Việt Nam bị ế. Đó là sự bất cập ngay trong khâu thức ăn chăn nuôi. 

Theo Đề án số 124/TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chăn nuôi của Việt Nam đến năm 2020 thì đàn lợn sẽ tập trung phát triển đàn lợn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước. Phát triển nuôi lợn chất lượng cao ở một số vùng có lợi thế như đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam bộ theo hướng sản xuất công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng đàn lợn vào năm 2020 đạt 34 triệu con, sản lượng thịt hơi khoảng 4,8 - 4,9 triệu tấn. 


 Nhóm P.V

(Còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới