Nghệ An chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm an ninh, trật tự

(Baonghean.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kế hoạch số 77-KH/TU về đẩy mạnh thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới theo Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.

Kế hoạch do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông ký, nội dung yêu cầu về thực hiện Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2001 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Kế hoạch đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức an ninh, trật tự cho cán bộ chủ chốt gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các đề án, kế hoạch dài hạn về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và cụ thể hóa trong từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực. Trong đó bảo đảm khi xảy ra tình huống phức tạp phải có sự tập trung thống nhất cao, xuyên suốt trong chỉ huy, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả theo đúng phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

2. Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo và xử lý chính xác thông tin có tác động, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, chủ động đề xuất giải pháp, xử lý kịp thời, đi định, không để phát sinh các vấn đề phức tạp, “điểm nóng”. Đồng thời, tăng cường trao đổi, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan chủ động xử lý thông tin chiến lược liên quan an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm thống nhất, chính xác, kịp thời, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn địa phương.

3. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chính trị nội bộ. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc rà soát quy hoạch, kiện toàn nhân sự, bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ làm việc ở các cơ quan, đơn vị có bộ phận trọng yếu, cơ mật.

Thường xuyên củng cố tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là ở những nơi có “điểm nóng” về an ninh, trật tự; giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, đình công, lãn công. Rà soát, bổ sung, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, quy trình công tác của cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp về quản lý cán bộ, đảng viên, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ.

Phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh đảng viên vi phạm nguyên tắc Đảng, những điều đảng viên không được làm, kỷ luật phát ngôn, có biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chú trọng cung cấp thông tin, vận động, tranh thủ cùng với việc củng cố chứng cứ, xử lý theo quy định đối với các đối tượng có hành vi chống đối Đảng, Nhà nước. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động thâm nhập nội bộ, cài cắm nội gián, tác động, chuyển hóa nội bộ của các thế lực thù địch, phản động.

4. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhất là hệ thống thông tin điện tử các cơ quan đảng, nhà nước, hệ thống thông tin trọng yếu, chủ động phòng, chống các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, nhất là mạng Internet. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, thương mại trên không gian mạng.

Chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, chuyên gia bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đa dạng hóa biện pháp tuyên truyền định hướng dư luận; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại... không để bị động trên mặt trận truyền thống. Tập trung chỉ đạo, chủ động làm tốt công tác theo dõi, phát hiện, đấu tranh, phản bác thông tin xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng. Đồng thời, chủ động thu thập, củng cố chặt chẽ tài liệu, chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phụ nữ xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) tham gia bảo vệ an ninh biên giới với cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Na Loi. Ảnh tư liệu: Hoài Thu.
Phụ nữ xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) tham gia bảo vệ an ninh biên giới với cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Na Loi. Ảnh tư liệu: Hoài Thu. 
5. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đề xuất, tham mưu, thực hiện, đánh giá và quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án nhận viện trợ nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động hậu thuẫn, hỗ trợ phát triển “xã hội dân sự”, tác động chuyển hóa thể chế, chính sách, pháp luật theo tiêu chí “Phương Tây”, biểu hiện “lợi ích nhóm”. Chú trọng lãnh đạo, quản lý về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, các tổ chức phi chính phủ trên lãnh thổ Việt Nam.

6. Xây dựng và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định bảo đảm an ninh ở những cơ quan hoạch định chính sách, các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Có biện pháp khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Rà soát toàn diện, có phương án, giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia đối với dự án đầu tư nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp giữa các ngành, các lực lượng, trong đó lực lượng Công an, Quân sự đóng vai trò trọng yếu trong việc thẩm định về an ninh, trật tự đối với các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trên địa bàn, nhất là đối với địa bàn chiến lược, trọng điểm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án không thực hiện đúng cam kết, không hiệu quả, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

7. Nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng, rà soát, hoàn thiện các phương án bảo đảm an ninh nội địa, an ninh tôn giáo, dân tộc; xử lý từ sớm, từ xa mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; kiên quyết không để xảy ra biểu tình, bạo loạn; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm. Đấu tranh phá rã các hội, nhóm trái pháp luật, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước. Chủ động tấn công, trấn áp tội phạm, trọng tâm là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm về ma túy; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; tội phạm về môi trường; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội mới phát sinh liên quan đến dịch bệnh Covid-19... Tăng cường bảo đảm an ninh trong công nhân, các khu kinh tế, khu công nghiệp; củng cố môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

8. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố “thế trận lòng dân” trong công tác an ninh, trật tự. Tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các phong trào ở địa phương.

Kịp thời thông tin về tình hình quốc tế, trong nước và tình hình an ninh, trật tự, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; cung cấp thông tin định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội. Qua đó nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, củng cố lòng tin cũng như khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, đẩy lùi tiêu cực, cái ác.

Tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại địa bàn miền núi, biên giới, dân tộc... Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân; chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận.

Chú trọng tổng kết thực hiện, nghiên cứu lý luận về nhận thức, tư duy mới trong bảo vệ an ninh quốc gia, làm rõ nội hàm khái niệm an ninh con người, thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, tạo cơ sở vững chắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

9. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; ngăn chặn, không để đối tượng vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài. Trên cơ sở đó, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức đảng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được kiểm tra, kết luận. Kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

10. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh, phòng, chống tội phạm, nhất là đối với bạn Lào, qua đó tăng cường, củng cố lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác đối ngoại, quốc phòng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, của tỉnh. Đồng thời, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh, trật tự trên địa bàn.

11. Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chú trọng tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất cho lực lượng Công an cấp cơ sở, nhất là cấp xã để kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh ngay từ đầu và tại cơ sở.

Kế hoạch cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp; đồng thời yêu cầu căn cứ Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong ngành, đơn vị, địa phương mình.

Tin mới