Nghệ An chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ngày 22/9, trước dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và giông, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có công văn số 177/VP-PCTT, chỉ đạo công tác chủ động ứng phó.

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ đêm 22 đến ngày 25/9/2022, do chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa được tăng cường, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ có xu hướng nâng trục lên phía Bắc; trên cao áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây và hoạt động mạnh dần lên, nên khu vực Nghệ An sẽ xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông trên diện rộng. Tổng lượng mưa có khả năng đạt: 150-250mm, có nơi cao hơn. Dự báo còn có khả năng tiếp tục xuất hiện một đợt mưa lớn từ ngày 27 đến 29/9.

Nhiều tuyến đường miền núi Kỳ Sơn hư hỏng sau mưa lớn đầu tháng 9/2022. Ảnh tư liệu: Quang An

Nhiều tuyến đường miền núi Kỳ Sơn hư hỏng sau mưa lớn đầu tháng 9/2022. Ảnh tư liệu: Quang An

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, kèm lốc, sét, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung:

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước.

Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, hệ thống đê điều, hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục khi có sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở...

Đặc biệt, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập trong thời gian mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh.

Tin mới