Nghệ An có 13 làng nghề dừng hoạt động

(Baonghean.vn) - Từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An công nhận 153 làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay có 13 làng nghề đã dừng hoạt động, trong đó có 8 làng nghề mây tre đan.
Đồ họa: Hữu Quân
Đồ họa: Hữu Quân

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, năm 2017, có 7 làng nghề được công nhân mới, nâng tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh lên 153 làng. Trong đó, hiện có 127 làng  phát triển ổn định và bền vững (chiếm 86,98 %).

Tuy nhiên hiện có 6 làng hoạt động kém hiệu quả, gồm: 1 làng đan lát, 1 làng ươm tơ và 4 làng mây tre đan.

Có 13 làng nghề ngừng hoạt động, trong đó có 8 làng mây tre đan gồm: Làng mây tre đan xuất khẩu Xuân Tình, xã Diễn Lộc (Diễn Châu); Làng mây tre đan xuất khẩu xóm 5 Đồng Luyện, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu); Mây tre đan xuất khẩu Vạn Nam, xã Diễn Vạn (Diễn Châu); Mây tre đan Quyết Thắng, xã Diễn Trường (Diễn Châu); Mây tre đan Sơn Mỹ, Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu); Mây tre đan xuất khẩu xóm 3 Trung Hậu, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu); Mây tre đan xuất khẩu thôn 4A, xã Ngọc Sơn; Mây tre đan xuất khẩu xóm 4B xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu).

Ngoài ra, có 1 làng móc sợi ở huyện Quỳnh Lưu, 1 làng ươm tơ ở huyện Anh Sơn, 1 làng sản xuất chu hương ở Diễn Châu, 1 làng chế biến nước mắm khối ở TX.Cửa Lò và 1 làng đan lát dè cót ở Hưng Nguyên.

Sản xuất ở làng nghề mây tre đan ở Nghi Phong, Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu
Sản xuất ở làng nghề mây tre đan xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu
Mặc dù làng mây tre đan chiếm 30% số lượng lớn trong tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh, với 44 làng nghề, nhưng số lượng lao động chỉ chiếm gần 14%; giá trị sản xuất chỉ chiếm trên 4% trong tổng giá trị sản xuất của các làng nghề trên toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Tư vấn chính sách, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, sản phẩm mây tre đan của các làng nghề tại Nghệ An có đặc trưng riêng từ nguyên liệu đến kỹ thuật, mẫu mã, nhưng hiện các làng nghề này đang gặp nhiều khó khăn như không chủ động được nguồn nguyên liệu; sản phẩm chủ yếu làm thủ công chưa có trang thiết bị sản xuất hiện đại, các làng nghề thiếu lao động trẻ; chưa có chính sách hỗ trợ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi; các sản phẩm làng nghề chưa được quảng bá hiệu quả, chưa xây dựng được thương hiệu, giá thành thấp ...”.
Tổng giá trị sản xuất của khu vực làng nghề hàng năm của Nghệ An đạt khoảng 160 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, tổng số lao động tham gia thường xuyên tại các làng nghề trên 20 nghìn lao động.
Làng nghề đóng tàu ở Quỳnh Lập - Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu
Làng nghề đóng tàu ở Quỳnh Lập - TX. Hoàng Mai. Ảnh tư liệu
Nhằm phát huy hiệu quả làng nghề mây tre đan nói riêng cùng với bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới trên địa bàn, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ như: Đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ; chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, nhãn mác; đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ; chú trọng môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng thời tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển TTCN và xây dựng làng nghề; xây dựng các cụm, khu TTCN, làng nghề ở các huyện thành thị. Đưa chỉ tiêu phát triển làng nghề vào kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề mới, sản phẩm mới; phát triển làng nghề gắn với du lịch để phát triển sản phẩm TTCN …

Phấn đấu từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nghề đạt 15%/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh; Giải quyết việc làm cho 250.000 lao động; Phấn đấu mỗi năm phát triển từ 5 - 7 làng nghề, nâng tổng số làng nghề đến năm 2020 đạt 180 - 200 làng nghề./.

Tin mới