Nghệ An có 196 hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW, trên địa bàn tỉnh có 196 HTX, chiếm 31% số HTX nông nghiệp có liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 30 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 25 HTX có 39 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên.
Sáng 19/10, Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Điểm cầu Nghệ An do đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp. ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp &PTNT, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt, đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra, thu nhập bình quân người lao động trong hợp tác xã ngày càng tăng (năm 2001 là 4,5 triệu đồng/năm, đến năm 2021 là 36,7 triệu đồng/năm). Hoạt động khu vực KTTT, HTX nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài.

Năm 2020, tổng vốn hoạt động của HTX 28.225 tỷ đồng (tăng 22.950 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Tổng giá trị tài sản của hợp tác xã 12.712 tỷ đồng (tăng 7.881 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Doanh thu bình quân 2,44 tỷ đồng/năm/HTX (tăng 1,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Lợi nhuận bình quân đạt 383 triệu đồng/năm (tăng 287 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2011).

Dự kiến đến 31/12/2021, cả nước có tổng số 18.327 HTX (tăng 12.569 HTX so với thời điểm 31/12/2001), tổng số 3,2 triệu thành viên. Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 7.924 HTX (tăng 6.527 hợp tác xã so với năm 2001).
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn Nghệ An sản xuất dưa lưới có chất lượng cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn Nghệ An sản xuất dưa lưới có chất lượng cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, dù đã có Luật nhưng các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp (chiếm tỷ lệ 19% tổng số hợp tác xã).

Các chính sách hỗ trợ đối với KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện nên ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn thực hiện ưu tiên cho lĩnh vực KTTT, HTX. Mặc khác, một số chính sách ban hành khi triển khai thực hiện thì HTX khó tiếp cận, tổng mức hỗ trợ tối đa thấp nên HTX ngại đầu tư, nguyên nhân do HTX không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ; không có vốn đối ứng...

Đối với Nghệ An, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX, lĩnh vực KTTT, HTX kiểu mới đã dần được phân biệt với doanh nghiệp, với tổ chức xã hội và với hợp tác xã kiểu cũ. Công tác quản lý nhà nước đối với KTTT bước đầu được quan tâm, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX dần được kiện toàn, chuyên nghiệp hơn.

Nông dân Diễn Châu (Nghệ An) sản xuất cây vụ đông trên đất màu. Ảnh: Xuân Hoàng
Nông dân Diễn Châu (Nghệ An) sản xuất cây vụ đông trên đất màu. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến tháng 10/2021, Nghệ An đã có 628 HTX nông nghiệp, trong đó 339 HTX hoạt động có hiệu quả, chiếm 54,06% HTX toàn tỉnh (tăng 33% số HTX hoạt động có hiệu quả so với năm 2013). Với tổng số 153.220 thành viên, doanh thu hàng năm khoảng 625 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 76 tỷ đồng/năm; tổng số cán bộ quản lý của HTX là 2.975 người, trong đó cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 36,90%; Các HTX đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.850 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 42 triệu đồng/lao động/năm.

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 196 HTX chiếm 31% số HTX nông nghiệp có liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 30 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 25 HTX có 39 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên.

Các HTX đóng góp tích cực trong việc giúp nông dân tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và nhu cầu của thị trường, thực sự làm vai trò bà đỡ cho các hộ nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất công nghệ cao, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao KTTT, HTX. Các HTX phát huy kinh nghiệm, vai trò quản lý của Ban Quản lý HTX. Tiếp tục tích tụ, chuyển đổi đất đai tạo điều kiện cho HTX mở rộng quy mô sản xuất. Chính sách tài chính, tín dụng của HTX hiện đang khó khăn, cần được phân tích, giải quyết trong giai đoạn tới. 

Các địa phương xem phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ tất yếu; thu hút nhiều thành viên vào HTX. Phát triển HTX nông nghiệp đa lĩnh vực để nông nghiệp phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi.../.

Tin mới