Nghệ An: Công nghiệp xây dựng, chế biến duy trì tăng trưởng

(Baonghean.vn) - ​Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch nhưng một số sản phẩm công nghiệp ở Nghệ An vẫn duy trì tăng trưởng khá khả quan.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, quý I/2020, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mặc dù một số lĩnh vực như cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,60%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí giảm 32,34%; nhưng công nghiệp khai khoáng tăng 11,91%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,41%.

Đồ họa: Lâm Tùng
Quý I/2020, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì tăng trưởng khá. Đồ họa: Lâm Tùng

Một số sản phẩm tăng khá như khai thác đá xây dựng có tăng so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và giao thông trên địa bàn tăng, các doanh nghiệp vẫn được phép hoạt động bình thường theo quy định của Chị thị số 16/CT-TTg.

Đối với lĩnh vực sản xuất cơ kim khí, điện tử: Nhà máy Hoa Sen Đông Hồi và Nam Cấm hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, nguồn nguyên liệu vẫn đủ khả năng cho dây chuyền hoạt động tháng 4 và tháng 5. Sản lượng sản xuất hàng tháng đạt gần 40.000 tấn, đầu tháng 4/2020 đã xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn đi thị trường Mexico.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như Em-Tech, BSE do không nhập khẩu được nguyên liệu nên phải sử dụng lại nguyên liệu tái chế để phục vụ sản xuất.

Hiện nay sản phẩm tôn Hoa Sen đang tạm ổn do có nguồn nguyên liệu đảm bảo. Ảnh: Việt Phương
Hiện nay sản phẩm tôn Hoa Sen đang tạm ổn do có nguồn nguyên liệu đảm bảo. Ảnh: Việt Phương

Sản xuất xi măng của các nhà máy trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá, sản lượng 3 tháng đầu năm tăng 15,7% so với cùng kỳ. Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng đã hoàn thành đầu tư và bắt đầu cho ra thương phẩm cuối tháng 3/2020.

Một số nhà máy chế biến nông sản vẫn hoạt động ổn định do nhu cầu thị trường trong nước tăng cao. Lý do là các mặt hàng cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu đang tạm dừng trong khi nhu cầu bổ sung nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, người tiêu dùng có tâm lý mua sắm dự phòng nhiều hơn. Sản xuất sữa của hai nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đạt 95% công suất dây chuyền, sản lượng sữa tăng 10,5% so với cùng kỳ; Sản xuất dầu ăn tại Nhà máy dầu Tường An tăng 12%; Sản xuất nước uống tinh khiết tăng 15%.
Sản xuất đường kính đã kết thúc vụ ép từ tuần đầu tháng 4, niên vụ năm nay sản lượng mía đạt thấp hơn các năm trước, tuy nhiên cây ít sâu bệnh, chất lượng mía tốt, nên hàm lượng đường cao, sản lượng đường cả ba nhà máy trên địa bàn (Sông Lam, Sông Con, NASU) đạt xấp xỉ 90.000 tấn.
Xi măng là một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng khá hiện nay. Trong ảnh: Trạm trộn xi măng Nghi Thiế, Nghi Lộc . Ảnh Việt Phương
Xi măng là một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng khá hiện nay. Trong ảnh: Trạm trộn xi măng Nghi Thiết, Nghi Lộc . Ảnh Việt Phương

Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Anh Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho hay: Các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh quy trình phòng dịch như: Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cổng, rửa tay sát khuẩn, liên tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m theo quy định, phun thuốc khử trùng các xe chở nguyên liệu và hàng hóa ra vào nhà máy,... Thực hiện việc khai báo y tế thường xuyên và khuyến cáo cán bộ, CNV hạn chế tiếp xúc với bên ngoài khi tan tầm về nhà.

Tuy nhiên, các dự án đang triển khai dở dang chưa thể nhập khẩu máy móc, thiết bị về để lắp đặt theo kế hoạch nên tiến độ chậm; Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, nợ ngân hàng tăng, công nhân phải nghỉ việc không có lương...

Để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, ngành công thương đang đề xuất  tỉnh nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ đã phê duyệt, đồng thời, xem xét việc cho phép sử dụng một phần các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho công nhân. Vận động các ngân hàng thương mại triển khai ngay các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà doanh nghiệp dùng trả lương cho công nhân trong các tháng tiếp theo cho đến khi hoạt động sản xuất, thương mại quay lại quỹ đạo bình thường.                          

Tin mới