Nghệ An: Công nhân sống tằn tiện với mức lương 4 triệu đồng/tháng

(Baonghean) - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An Nguyễn Tử Phương cho biết, theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, cuối năm 2017, mức lương bình quân của công nhân, lao động mới chỉ đạt 4 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, cuộc sống, sinh hoạt của công nhân, lao động phải rất tằn tiện, chắt bóp.

P.V: Thưa đồng chí, công nhân, người lao động đóng một vai trò rất quan trọng trong các doanh nghiệp, tuy nhiên, việc quan tâm đến lực lượng này lâu nay vẫn chưa thật sự thỏa đáng. Đồng chí có thể chia sẻ vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Tử Phương: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển giai cấp công nhân, người lao động. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 18.

Và trong từng doanh nghiệp cũng nhận thức được vai trò cốt lõi, quan trọng của công nhân, lao động, cho nên đã có nhiều quan tâm đến các chính sách tiền lương, tiền thưởng, tạo điều kiện để công nhân, lao động gắn bó, đóng góp ngày càng nhiều cho doanh nghiệp.

Khám và tư vấn về SKSS cho công nhân ở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Tiến (xã Diễn Yên - Diễn Châu). Ảnh tư liệu
Khám và tư vấn về SKSS cho công nhân ở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Tiến (xã Diễn Yên - Diễn Châu). Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, đại đa số công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, cuối năm 2017, mức lương bình quân của công nhân, lao động mới chỉ đạt 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương này thì cuộc sống, sinh hoạt của công nhân, lao động cũng phải rất tằn tiện, chắt bóp, bởi ngoài chi tiêu ăn uống, xăng xe đi lại, tiền thuê nhà trọ, nhiều công nhân, lao động còn phải nuôi con nhỏ; đó là chưa nói đến việc phải tích lũy khi ốm đau và chăm lo sau này khi về già.

Đồng chí Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Quá trình tiếp xúc, gần gũi với công nhân, người lao động, chúng tôi cũng chứng kiến những bữa ăn của người lao động còn rất đạm bạc. Các điều kiện về văn hóa, thể thao, đời sống tinh thần của công nhân, lao động còn quá nghèo nàn; nhà ở chật hẹp, chủ yếu là đang thuê phòng trọ, số ít có điều kiện gần nhà thì đi về hàng ngày.

Điều kiện trường học, nhà trẻ phục vụ cho con em công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu lao động tập trung cũng chưa được quan tâm đầu tư. Nhìn chung điều kiện và môi trường làm việc trong nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn kém.

Tình trạng nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH của khá nhiều doanh nghiệp đang đặt lên vai công nhân, người lao động những thiệt thòi trong việc đảm bảo các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc giải quyết chế độ hưu cho công nhân, người lao động khi đến tuổi… 

P.V: Trước những vấn đề bức xúc đang đặt ra, với vai trò của tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, công đoàn các cấp trong tỉnh đã có những tác động gì để giải quyết, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tử Phương: Thời gian qua, hoạt động của LĐLĐ tỉnh và tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều nội dung, phần việc thiết thực hướng tới công nhân, lao động. Trong đó trọng tâm nhất là giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp cũng như đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh lao động, thực hiện đóng BHXH cho công nhân, lao động…

Thông qua giám sát, kiểm tra, LĐLĐ đã chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện ra tòa đối với 50 doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động; quá trình đó đã có 1 doanh nghiệp thỏa thuận đề nghị LĐLĐ tỉnh không đệ đơn và tiến hành đóng BHXH cho người lao động.

LĐLĐ tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm tra, tuyên truyền, vận động đối với các doanh nghiệp nâng chất lượng bữa ăn ca cho công nhân, người lao động, đảm bảo tối thiểu 15.000 đồng/người/bữa; gắn với giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp mỗi năm.

Ngày hội thể thao của công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu
Ngày hội thể thao của công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu

LĐLĐ tỉnh cũng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo trực tiếp đến công nhân, người lao động thông qua Tháng Công nhân nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội chăm lo cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật hoặc khen thưởng những lao động có thành tích trong lao động, sản xuất; hỗ trợ xây dựng mái ấm công đoàn đối với đoàn viên công đoàn.

Mặt khác, trong điều kiện chưa có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao và điều kiện thu nhập của công nhân, lao động chưa đủ điều kiện để tự cải thiện đời sống tinh thần; LĐLĐ tỉnh cũng đã tổ chức một số câu lạc bộ công nhân, lao động nhằm tập hợp công nhân, người lao động để tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ…

LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Viên chức Nghệ An hỗ trợ sách báo, ti vi, lắp đặt wifi, tạo điều kiện cho công nhân, lao động cải thiện đời sống tinh thần.

Thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2017, LĐLĐ tỉnh cũng đã triển khai một số hoạt động như ký kết thỏa thuận với một số đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông, ga tàu, dịch vụ chế biến hải sản…, thực hiện ưu đãi 10 - 30 % giá dịch vụ đối với người lao động có thẻ đoàn viên Công đoàn…

Và vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất và được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ủng hộ và trong năm 2018 này sẽ tiến hành khởi công xây dựng khu thiết chế Công đoàn, bao gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí, khu thương mại…, nhằm phục vụ nhu cầu của lượng lớn công nhân, người lao động tại KCN Nam Cấm.

Sau khi hoàn thành khu thiết chế này, LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tiến hành ký kết với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ kèm theo để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất và với giá cả hợp lý nhất cho người lao động.

Giờ ăn ca của công nhân Công ty TNHH MLB Yên Thành. Ảnh tư liệu
Giờ ăn ca của công nhân Công ty TNHH MLB Yên Thành. Ảnh tư liệu

P.V: Như đồng chí trao đổi về vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và công nhân, người lao động cùng nỗ lực. Vậy, đồng chí có thể nói rõ hơn yêu cầu này?

Đồng chí Nguyễn Tử Phương: Phải thẳng thắn thừa nhận, trước sự phát triển nhanh của doanh nghiệp, yêu cầu thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình công nghiệp, hiện đại hóa hiện nay, tỉnh ta đang ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, giảm thuế… Còn việc đầu tư, chăm lo cho công nhân, người lao động thì vẫn chưa thật thỏa đáng.

Muốn thực hiện tốt mục tiêu đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp và đảm bảo các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ thì một trong những vấn đề cần quan tâm đó là chăm lo xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh.

Ngoài các chính sách vĩ mô thì cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 20/NQ-TW và Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặt khác, tỉnh cũng cần đưa quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hay nhà ở công nhân đi kèm để thực hiện; đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước thông qua đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành việc thành lập tổ chức công đoàn, thực hiện các chế độ, chính sách về tiền lương, chế độ ăn ca, làm thêm ngoài giờ, chế độ BHXH, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động cũng như đảm bảo các thiết chế văn hóa, thể thao...

Doanh nghiệp muốn phát triển thì đòi hỏi phải có đội ngũ công nhân tốt và muốn vậy thì phải chăm lo tốt về đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động để họ yên tâm, tin tưởng gắn bó, toàn tâm, toàn ý cống hiến, lao động sản xuất.

Người lao động bao giờ cũng mong muốn mình có thu nhập tốt hơn, có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao hơn, nhưng người lao động cũng cần hiểu rằng, khi doanh nghiệp phát triển thì mới có đủ điều kiện để trả lương cao và tạo ra nhiều chế độ phúc lợi và hoạt động tinh thần tốt.

Vì vậy, chính người lao động cũng phải tự ý thức được trách nhiệm, tinh thần gắn bó với doanh nghiệp để cùng với người sử dụng đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Tin mới