Nghệ An: Dân phải chi tiền mới được ký xác nhận nguồn gốc đất để được thủy điện đền bù?

(Baonghean) - Bị thu hồi 7 ha đất để làm thủy điện Khe Bố từ năm 2006, nhưng ông Tiến không được đền bù vì thiếu chữ ký xác nhận của xã, bản. Mãi gần 15 năm sau, sau khi gia đình ông chịu bỏ 40 triệu đồng và hơn 6 ha đất, ông mới có được chữ ký xác nhận. Nhưng lúc này số tiền đền bù lại giảm một nửa so với 15 năm trước.

2 chữ ký mất 15 năm

Trong chiếc lán xập xệ nằm giữa lòng hồ thủy điện Khe Bố, ông Lương Đình Tiến (60 tuổi) nói rằng, không nhớ đã bao nhiêu lần đi khiếu nại, yêu cầu đền bù vì bị thu hồi đất để làm thủy điện. “Tôi quá mệt mỏi rồi”, ông nói.

Những năm đầu thập niên 90, ông Tiến là Trưởng bản Đình Tiến, xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Năm 1998, gia đình ông được UBND huyện Tương Dương cấp 13,3 ha đất thuộc khu vực giáp ranh giữa bản Đình Tiến của xã Tam Đình và xã Tam Quang, thời gian sử dụng là 50 năm. Cũng trong thời gian đó, ông Tiến chuyển nhà tới xã Tam Quang sinh sống.

Gần 15 năm nay, ông Tiến liên tục đi khiếu nại. Ảnh: Tiến Hùng
Gần 15 năm nay, ông Tiến liên tục đi khiếu nại. Ảnh: Tiến Hùng

Sau khi thực hiện Chỉ thị 364, khu vực này rơi vào địa giới hành chính của xã Tam Đình. Ông Tiến sau đó làm đơn kiến nghị UBND huyện giải quyết tranh chấp. Ngày 11/4/2000, huyện Tương Dương có kết luận giải quyết tranh chấp. Theo đó, huyện tiếp tục giao cho ông Tiến sử dụng 13,3 ha đất này 50 năm, thời gian kể từ năm 1998. Tuy nhiên, không rõ vô tình hay cố ý, biên bản photo giải quyết tranh chấp mà huyện Tương Dương gửi cho ông Tiến lại bị che đi phần chữ ký của các bên tham gia giải quyết.

Mặc dù vậy, ông vẫn thường xuyên vào khu vực này để làm trang trại, trồng cây ăn quả. Cho tới năm 2006. Khi đó, thủy điện Khe Bố khởi công xây dựng, ông Tiến bị thu hồi gần 7 ha đất. “Họ thu hồi xong, chờ mãi vẫn không được đền bù. Hỏi thì Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Khe Bố nói rằng, gia đình tôi xâm canh đất của xã Tam Đình. Họ nói phải có biên bản giải quyết tranh chấp đất đai từ năm 2000. Khi tôi đưa biên bản lên thì họ nói biên bản không có chữ ký của ai cả nên gia đình tôi chỉ được đền bù hơn 45 triệu đồng về cây cối, hoa màu”, ông Tiến kể.

7ha đất ông Tiến bị thu hồi từ 2006, đã chìm dưới lòng hồ thủy điện Khe Bố nhưng chỉ được đền bù sau gần 15 năm. Ảnh: Tiến Hùng
7 ha đất ông Tiến bị thu hồi từ 2006 đã chìm dưới lòng hồ thủy điện Khe Bố, nhưng chỉ được đền bù sau gần 15 năm. Ảnh: Tiến Hùng

Đến năm 2013, sau khi nắm được việc Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 513 về việc phê duyệt dự án “hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”, với mục tiêu giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính, ông Tiến tiếp tục làm đơn kiến nghị. Tháng 3/2014, ông Tiến nhận được văn bản của huyện thông báo sẽ giải quyết trong tháng 5/2014.

Nhưng chờ mãi, gia đình vẫn không thấy cán bộ huyện xuống giải quyết, ông Tiến lại phải tìm lên huyện để "hỏi cho ra nhẽ". Lúc này, ông mới được Trưởng phòng Nội vụ huyện Tương Dương đưa cho biên bản giải quyết tranh chấp đất đai năm 2000 với đầy đủ chữ ký và dặn xuống gặp cán bộ xã Tam Đình để làm sổ đỏ.

“Có được biên bản đầy đủ chữ ký rồi, mang tới lãnh đạo xã Tam Đình nhưng ông Vi Văn Thắng, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND xã không cho đăng ký và nói đất này đang tranh chấp”, ông Tiến kể. Cho rằng quá bất công, thiệt thòi, ông Tiến không chịu bỏ cuộc. Ông nhiều lần tìm lên trụ sở huyện để hỏi. Những lần đó, ông Tiến nhận được câu trả lời đất của ông đủ điều kiện được đền bù, nếu Chủ tịch UBND xã Tam Đình ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho.

Kể từ đó, gia đình ông Tiến liên tục đến trụ sở xã Tam Đình tìm gặp ông Vi Văn Thắng, lúc này đã lã Chủ tịch UBND xã Tam Đình để xin chữ ký, nhưng ông Thắng vẫn một mực từ chối. “Thời gian sau, tôi được một thành viên của hội đồng đền bù rỉ tai rằng “phải trả lại phần đất trên cốt ngập (hơn 6 ha còn lại), thì hội đồng đền bù sẽ liên lạc với ông Thắng để ông ấy ký xác nhận cho”, ông kể.

Gia đình ông Tiến sau đó làm đơn xin trả lại hơn 6 ha đất cho xã Tam Đình. Tuy nhiên, nhận đất xong, phía xã Tam Đình vẫn không chịu ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho ông Tiến.

Bị ép chi tiền?

Mãi đến tháng 8/2019, ông Tiến khiếu nại lên Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải trong một cuộc tiếp công dân của người đứng đầu Huyện ủy. Sau đó, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Khe Bố mới xuống xã Tam Đình để giải quyết. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc làm việc, phía xã Tam Đình vẫn không chịu ký xác nhận.

“Ban quản lý bản Đình Tiến, xã Tam Đình nhất quyết không chịu ký xác nhận nếu không được chia 50% tiền đền bù đồng thời giao hết đất đai, tài sản trên đất của tôi cho bản sử dụng. Sau khi trưởng bản nói thế thì ông Vi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tam Đình lại nói với tôi nên chia cho họ thì ông ấy sẽ nói họ ký cho”, ông Tiến kể. Sau nhiều lần “ngã giá”, phía xã Tam Đình giảm xuống còn 40 triệu đồng. Nhận tiền xong, ông Vi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tam Đình và Trưởng ban quản lý bản Đình Tiến mới chịu ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất cho ông Tiến để ông này được nhận tiền đền bù.

Trao đổi về việc ép người dân trả lại đất rồi chi tiền mới chịu ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, ông Vi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tam Đình nói rằng, ông không hề đề nghị gia đình ông Tiến chi 40 triệu đồng. “Tôi không hề đề nghị gia đình ông Tiến chi tiền và cũng không nói là phải chi bao nhiêu mới ký. Mà tôi chỉ nói gia đình hỗ trợ, còn hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ bằng gì là tùy họ”, ông Thắng trần tình với phóng viên Báo Nghệ An.

Về câu hỏi vì sao suốt nhiều năm không chịu ký xác nhận cho ông Lương Đình Tiến để gia đình này được nhận đền bù dù có đầy đủ hồ sơ, điều kiện, ông Vi Văn Thắng lại đùn đẩy xuống cấp dưới. “Muốn được xác nhận phải có 2 chữ ký, của tôi và của Trưởng ban quản lý bản. Nhưng Trưởng ban quản lý bản họ không chịu ký thì tôi có ký cũng vô giá trị”, ông Thắng nói. Còn về việc không ký xác nhận dù đã nhận lại hơn 6 ha đất trên cốt ngập, ông Thắng cho hay, do chưa có quyết định thu hồi đất. Trong khi ông Tiến làm đơn xin trả lại đất cho UBND xã Tam Đình quản lý từ đầu năm 2016. Xã Tam Đình sau đó giao cho bản Đình Tiến quản lý, bảo vệ và hưởng tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ đó đến nay. 

Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình. Ảnh: Tiến Hùng

Sau gần 15 năm đi khiếu nại, đến đầu năm 2020, ông Lương Đình Tiến mới được tiền đền bù cho gần 7 ha đã thu hồi để làm thủy điện Khe Bố từ năm 2006. Tuy nhiên, số tiền lúc này lại quá ít so với kỳ vọng của gia đình. Cũng thu hồi một thời điểm nhưng những hộ dân được nhận đền bù từ gần 15 năm trước thì được hưởng 6.000 đồng/m2, nhưng đến nay, thay vì giá tiền được nâng lên thì mức giá đền bù cho ông Tiến chỉ còn 3.000 đồng/m2.

“Tôi không đồng tình với việc áp giá như vậy. Cũng là loại đất giao như nhau, được Nhà nước giao cùng thời điểm, bị thu hồi cùng lúc, ký hiệu các thửa thu hồi cũng giống nhau... mà đền bù sau gần 15 năm lại áp giá thấp hơn một nửa”, ông Tiến nói. Người đàn ông này cũng không đồng ý với cách làm hồ sơ đền bù của huyện Tương Dương với gia đình ông, khi bắt buộc phải có chữ ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của xã Tam Đình và bản Đình Tiến. Bởi, khu đất này là của gia đình ông được UBND huyện Tương Dương cấp theo quy định của pháp luật. Theo đó, đất của hộ gia đình sử dụng ổn định trước ngày 23/3/2001 (thời điểm quy hoạch 3 loại rừng), thì được hỗ trợ, bồi thường về đất theo quy định.

Tin mới