Nghệ An đang chuyển mình mạnh mẽ

(Baonghean) - Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Với mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá khu vực phía Bắc, phát triển toàn diện về mọi mặt chính trị, kinh tế - xã hội trở thành trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ trên nhiều lĩnh vực, Nghị quyết 26 thực sự là động lực mạnh mẽ, điều kiện quan trọng để tỉnh nhà có những bước tiến lớn, chắc chắn trong những năm qua.

Xây dựng nền tảng hạ tầng đồng bộ, vững chắc

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có đặc thù tự nhiên, địa lý như một nước Việt Nam thu nhỏ. Đặc biệt, khu vực miền Tây Nghệ An rộng lớn có nguồn tài nguyên dồi dào, có nhiều tiềm năng trở thành mũi nhọn kinh tế trong tỉnh và vươn tầm ra bên ngoài.

Tuy nhiên, Nghệ An có xuất phát điểm hạn chế, với nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng phần cứng chưa phát triển đồng bộ.

Thành Vinh về đêm
Thành Vinh về đêm

Xác định được thực trạng địa phương cũng như vai trò “giá đỡ” của kết cấu hạ tầng đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành, triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó nhấn mạnh và ưu tiên Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu (7 dự án).

Việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng được xem là nhiệm vụ đầu tiên trong những năm đầu triển khai Nghị quyết 26. Đến nay, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh nhà có sự thay đổi vượt bậc trong các mảng: giao thông, thuỷ lợi, điện, phát triển đô thị, bưu chính viễn thông,…

Một số hình ảnh về Nghệ An đang phát triển về kinh tế - xã hội. 	Ảnh: Nhóm P.V
Một số hình ảnh về Nghệ An đang phát triển về kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhóm P.V

Trong đó phải kể đến những công trình quan trọng như: nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh thành sân bay quốc tế; nâng cấp cảng Cửa Lò phục vụ tàu tải trọng 3 vạn tấn, xây dựng cụm cảng Đông Hồi, cảng nước sâu; đường Tây Nghệ An; cầu vượt sông Lam; 5 cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46, Quốc lộ 1; Bệnh viện đa khoa 700 giường…

Đặc biệt, thành phố Vinh được Nghị quyết 26 định hướng trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung bộ cũng được đầu tư nhiều công trình lớn về giao thông. Hiện đang triển khai dự án Phát triển đô thị Vinh từ nguồn vốn ODA của WB với tổng kinh phí 152 triệu USD, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ khắc phục những yếu kém trong hạ tầng kỹ thuật thành phố, đạt đến các tiêu chuẩn đô thị cấp cao. 

Kết cấu hạ tầng được đồng bộ hoá và nâng cấp không chỉ đem đến diện mạo mới đầy khởi sắc, mà còn là yếu tố thu hút các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Có thể điểm tên một số dự án lớn đang và sắp hoạt động trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy Xi măng Sông Lam; dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH; Nhà máy chế biến thức ăn Masan, Royal Foods; Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An; dự án Vinpearl Cửa Hội;…

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án với số vốn đăng ký đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang tiến hành khảo sát, dự kiến sẽ đầu tư các dự án lớn có “sức nặng” với kinh tế - xã hội như Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan)…

Có thể nói, cơ sở hạ tầng là lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ và dễ nhận thấy nhất sau 3 năm Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Đây vừa là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, vừa là khó khăn lớn của Nghệ An khi mà nguồn thu ngân sách của tỉnh chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách Trung ương.

Dù vậy, với những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội, đến thời điểm này, mạng lưới hạ tầng của tỉnh Nghệ An đã tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa.

Đặc biệt, tới đây khi có những công trình mang tầm vóc liên tỉnh, xuyên quốc gia như cao tốc Hà Nội - Thanh Thủy, đường Tây Nghệ An nối sang Lào và Đông Bắc Thái Lan, đường băng thứ 2 của sân bay quốc tế Vinh…, Nghệ An sẽ vươn đến tầm trung tâm, đầu mối kết nối của khu vực Bắc miền Trung như mục tiêu Nghị quyết 26 đề ra. 

Cán bộ cộng sự, nhân dân đồng lòng

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, con người được xác định là yếu tố trung tâm, là chìa khoá của sự phát triển bền vững. Xây dựng con người bao hàm các nhiệm vụ chính như: Đào tạo, sử dụng nhân lực và tạo khối đồng thuận. Cả 3 nhiệm vụ này luôn được tỉnh Nghệ An đặt lên ưu tiên hàng đầu. 

Lực lượng trí thức trẻ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn thanh niên bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) ươm, chăm sóc giống chè Shan tuyết. Ảnh: Phùng Ngọc Thăng
Lực lượng trí thức trẻ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn thanh niên bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) ươm, chăm sóc giống chè Shan tuyết. Ảnh: Phùng Ngọc Thăng

Đối với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, Nghệ An vốn có truyền thống là đất học, là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài có đóng góp lớn cho đất nước qua mỗi thời kỳ. Để phát huy truyền thống hiếu học trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi ngành Giáo dục Nghệ An vừa phải đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, vừa phải nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.

Đó vừa là giải pháp để giảm bớt áp lực công ăn việc làm cho xã hội, vừa hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Những năm gần đây, bên cạnh hệ đào tạo cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo nghề phát triển khá nhanh, thể hiện sự thay đổi trong tư duy của học sinh, phụ huynh, hướng đến nhu cầu thực tiễn nhiều hơn. Trong 3 năm (2013 - 2015), tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 111.000 lao động, xuất khẩu lao động gần 38.000 người. 

Bên cạnh việc đào tạo nhân lực lao động, việc đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn, lãnh đạo điều hành của đội ngũ hoạt động trong hệ thống chính trị cũng được chú trọng. Công tác thi tuyển được công khai minh bạch. Việc bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ đi vào nề nếp. Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được triển khai thực hiện kịp thời. Toàn tỉnh cũng đang thực hiện đề án chính quyền điện tử, dự kiến sẽ vận hành chính thức tại 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện từ ngày 1/1/2017. 

Đại lộ Quang Trung.Ảnh: Trần Hải
Đại lộ Quang Trung. Ảnh: Trần Hải

Sau giai đoạn tập trung toàn lực cho xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, nửa sau chặng đường hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra sẽ lấy vấn đề con người làm trọng tâm. Trong đó, tạo được khối đồng thuận toàn Đảng, toàn dân là điều kiện tiên quyết. Nghệ An sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của hệ thống chính trị cũng như người dân về quyết tâm phấn đấu thoát nghèo, đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh khá của khu vực.

Bên cạnh các chính sách, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức cho người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, thụ hưởng phúc lợi xã hội, bộ máy công quyền sẽ tiếp tục công cuộc cải cách, cải tổ, đảm bảo tính đơn giản, tiết kiệm trong thủ tục hành chính, minh bạch trong cơ chế và kịp thời tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân. Từ đó tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tất cả hướng đến mục tiêu chung là xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh. 

Trong trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An, tháng 10/2015, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Nghệ An đạt được những bước tiến quan trọng, toàn diện sau những năm đầu thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Xét về tổng quát, Nghệ An đã bước đầu trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực như mục tiêu đề ra. Tôi nghĩ rằng Nghệ An đang có cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực kinh tế và tỉnh phải tận dụng những lợi thế của mình để bứt phá”. 

 Thục Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới