Nghệ An đang gỡ 2 nút thắt quan trọng để tăng thu hút các dự án lớn

(Baonghean.vn) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An cho biết: Nâng cấp sân bay quốc tế, ga hàng không, cảng nước sâu, đồng bộ hạ tầng KKT Đông Nam là giải pháp tháo gỡ các nút thắt ảnh hưởng đến triển vọng thu hút đầu tư của tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 8/12 của kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại biểu Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh nêu trước đó trong phiên thảo luận tại tổ.

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, đại biểu HĐND tỉnh cũng như lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành thời gian qua là việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đơn cử, tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ 1 nêu rõ, cần rà soát, sửa đổi quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, cơ chế chính sách liên quan phù hợp với quy định pháp luật hiện hành theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thu hút được nhiều dự án lớn, dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, dự án sử dụng nhiều lao động.

Phản hồi nội dung này, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh được thể hiện qua 3 chỉ số chính, gồm: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index).

“Các chỉ số này của tỉnh Nghệ An đều được cải thiện, tăng dần qua các năm”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định. Cụ thể, năm 2020, PCI của Nghệ An xếp thứ 18 cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; PAPI năm 2020 xếp thứ 15 cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2019; PAR Index năm 2020 xếp thứ 18 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2019. 

Khu công nghiệp WHA thuộc KKT Đông Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Khu công nghiệp WHA thuộc KKT Đông Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Cũng trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song công tác thu hút đầu tư của Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, có 106 dự án được cấp mới, 118 dự án được điều chỉnh với tổng số vốn hơn 28.000 tỷ. Tổng số dự án tăng 41%, số vốn tăng gần 2,92 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những dự án FDI lớn trong hệ sinh thái của hãng Apple đã vào đầu tư tại Nghệ An với số vốn hàng trăm triệu USD…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 12 này, nhận định những mặt mạnh, mặt yếu trong lĩnh vực trên. 

“Đặc biệt đối với những dự án lớn, lãnh đạo tỉnh đã nhận thấy 2 nút thắt lớn cần tháo gỡ về nâng cấp cảng hàng không quốc tế, ga hàng hóa cũng như cảng biển, cảng nước sâu, để vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, dự kiến tỉnh bố trí khoảng hơn 600 tỷ đồng để hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, tăng cường thu hút các dự án lớn vào đây”, đại diện Sở này cho biết. 

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng Miền Tây Nghệ An chiếm hơn 50% diện tích nông nghiệp ứng dụng cao của tỉnh. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng Miền Tây Nghệ An chiếm hơn 50% diện tích nông nghiệp ứng dụng cao của tỉnh. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Cũng giải trình, làm rõ ý kiến thảo luận tại tổ 4, đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp lên đầu tư tại các địa bàn miền núi, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến nhằm giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất, tránh việc người dân được mùa thì rớt giá, đại biểu Nguyễn Xuân Đức cho biết, hiện đã có 11 huyện miền núi được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt của Chính phủ, được chỉ định nhà đầu tư, miễn thuế, miền tiền thuê đất…

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan tâm đến địa bàn này, xoay quanh các nội dung như thu hút các dự án, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn… Thực tế, đã có nhiều dự án được triển khai tại miền Tây Nghệ An như chế biến gỗ của MDF, chế biến sữa, hoa quả của Tập đoàn TH, dự án chế biến của Masan… 

Trong quy hoạch, tỉnh Nghệ An nhận thấy chế biến, chế tạo, nâng cao chuỗi giá trị là lĩnh vực cần quan tâm để phát huy tiềm năng, lợi thế của các huyện miền núi, giao các sở, ngành tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu, phối hợp xây dựng các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới, tiến tới giải quyết việc làm cho địa bàn miền núi. 

Tin mới