Nghệ An đặt mục tiêu có 50.000 ha cây ăn quả, xuất khẩu đạt 80 - 100 triệu USD vào năm 2030

(Baonghean.vn) - Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 có 50.000 ha cây ăn quả, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ trái cây đạt khoảng 80 - 100 triệu USD vào năm 2030.

Chiều 27/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục phiên làm việc thường kỳ tháng 9/2021 dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số ban, ngành liên quan. 

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào dự thảo “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030”.

Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình, thổ nhưỡng đa dạng và phù hợp cho việc trồng, phát triển nhiều loại cây ăn quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây ăn quả có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa. 

Đến năm 2020, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã đạt 22.802 ha, sản lượng 260.695 tấn; giá trị sản xuất đạt từ 2.000 đến 2.600 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 8 -10% giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt.

Thu hoạch cam tại huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Thu hoạch cam tại huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là cây ăn quả trên địa bàn tỉnh nhìn chung phân bố còn phân tán; đầu tư thâm canh thấp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống còn nhiều bất cập; thị trường chưa ổn định; liên kết sản xuất, công nghiệp chế biến còn hạn chế. 

Nghệ An xác định phát triển cây ăn quả là một trong những khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, giai đoạn 2025 - 2030, nhằm tổ chức lại sản xuất, huy động được mọi nguồn lực đầu tư vào mở rộng, phát triển cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung; thu hút đầu tư công nghiệp chế biến; tiêu thụ sản phẩm…; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội Chính Tỉnh ủy phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội Chính Tỉnh ủy phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Việc xây dựng “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030” là cần thiết góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025. 

Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 30.000 ha, đến năm 2030 đạt 50.000 ha. Sản lượng năm 2025 đạt khoảng 425.395 tấn, năm 2030 đạt 789.160 tấn. 

Giá trị sản xuất cây ăn quả đến năm 2025 đạt 4.500 - 5.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 8.500 - 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,5 - 13,5%.

Dự thảo Đề án cũng đặt mục tiêu thu hút ít nhất 3 cơ sở chế biến quy mô công suất 200.000 - 250.000 tấn/năm. Tổng công suất đến năm 2030 đạt 300.000 - 350.000/năm (chiếm 40 - 45% sản lượng quả). 

Đặc biệt, Nghệ An đặt mục tiêu hình thành và phát triển sản lượng hàng hóa từ trái cây để xuất khẩu với kim ngạch đạt khoảng 80 - 100 triệu USD vào năm 2030. 

Tại cuộc làm việc, góp ý vào dự thảo Đề án, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ đề nghị cơ quan tham mưu đánh giá công tác quy hoạch để phát triển diện tích cây ăn quả.

Đề cập đến nội dung dự thảo Đề án, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay trong các loại cây trồng thì cây ăn quả mang lại hiệu quả cao nhất, bình quân hơn 100 triệu/ha, thậm chí có loại cho thu nhập 500 triệu/ha.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số nội dung về dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số nội dung về dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Dự thảo Đề án đã xây dựng rất chi tiết, cụ thể các phương án thực hiện. Trong đó đối với việc mở rộng diện tích cây trồng cây ăn quả đã tính toán quy hoạch như: Vận dụng các diện tích trồng cây lâu năm, hàng năm, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đặc biệt trong quy hoạch 3 loại rừng đã giảm diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất để chuyển sang đất nông nghiệp trồng cây ăn quả. 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để tổ chức thực hiện thành công cần cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công, chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp căn cơ. Trước hết cần xây dựng các mô hình hiệu quả, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời liên kết theo quy mô hợp tác xã để nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá cao mục tiêu dự thảo Đề án đặt ra. Nếu triển khai Đề án đạt hiệu quả cao sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; cải tạo vườn; xây dựng nông thôn mới; thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến; đồng thời có tác động tích cực đến môi trường.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 27/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh phiên làm việc ngày 27/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Đi vào nội dung dự thảo Đề án, người đứng đầu Tỉnh ủy lưu ý, cần chọn số lượng cây chủ lực phù hợp, tránh giàn trải; quá trình thực hiện cụ thể cần triển khai theo giai đoạn, mà trước hết phải làm mẫu, làm điểm trước. 

Cùng với đó, quá trình triển khai Đề án cần chú trọng cơ chế liên kết, mời gọi chuyên gia cùng thực hiện với tỉnh; mục tiêu đặt ra là phải có những sản phẩm đạt chất lượng cao, có khả năng đưa vào những thị trường “khó tính”; tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt phải quan tâm trong khâu tổ chức thực hiện, có cơ chế hợp tác, liên kết, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Trên cơ sở thảo luận, phân tích, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030”.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua dự thảo Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững và công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021 - 2025, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tin mới