Nghệ An đặt mục tiêu hình thành một số doanh nghiệp 'đầu tàu' giữ vai trò dẫn dắt

(Baonghean.vn) - Nghệ An hiện có số lượng doanh nghiệp xếp thứ 9 cả nước, tuy nhiên có đến 97,03% doanh nghiệp là siêu nhỏ và nhỏ. Trong vòng 5 năm tới, tỉnh quyết tâm tạo lập môi trường ngày càng thuận lợi để thành lập thêm 9.096 - 11.186 doanh nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp "đầu tàu".

Sáng 29/11, trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện UBKT Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sáng 29/11. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sáng 29/11. Ảnh: Thành Duy

QUY MÔ DOANH NGHIỆP CHỦ YẾU NHỎ, SIÊU NHỎ

Giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh về số lượng; hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn với số lượng được thành lập mới là 8.906 doanh nghiệp, gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Lũy kế đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 23.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó 13.220 doanh nghiệp hoạt động (xếp thứ 9 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ). 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lực lượng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp năm 2020 chiếm 35,61% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; bình quân hàng năm đóng góp 62,56% thu ngân sách; số doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trên 50 tỷ đồng tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng thu nội địa. Bình quân hàng năm, các doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 9.090 lao động, đóng góp lớn cho an sinh xã hội.

Sản xuất tại một công ty may trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: DT
Sản xuất tại một công ty may trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: DT

Tuy vậy, quy mô, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước như: Mật độ doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động mới bằng 43,5%, thu nhập bình quân của lao động chỉ bằng 65%;…

Đặc biệt, quy mô doanh nghiệp còn hạn chế khi có đến 97,03% doanh nghiệp của tỉnh là siêu nhỏ và nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý còn hạn chế, hiệu quả thấp, chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. 

TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và thông qua Đề án Phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025 với mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; trọng tâm là phát triển về chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô, hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để giữ vai trò dẫn dắt các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; từ đó tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Cụ thể Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 32.500 - 34.500 doanh nghiệp, cao hơn mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tương ứng số doanh nghiệp thành lập tăng thêm là 9.096 - 11.186 doanh nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp…

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận nội dung về Đề án Phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận nội dung về Đề án Phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phân tích các yếu tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là bảo đảm hạ tầng, đặc biệt hạ tầng cảng nước sâu và sân bay.

Vấn đề này rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tính chất chiến lược đầu tư vào tỉnh. Khi có sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn cũng sẽ thu hút theo các nhà đầu tư các lĩnh vực phụ trợ khác. Vì vậy, trước mắt cần cố gắng khởi công cảng nước sâu từ nguồn vốn xã hội hóa… 

Cùng với đó cần đánh giá và có các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn về đất đai, thuế, cải cách hành chính; cung ứng được nguồn lao động.

Từ đó tạo lập một môi trường sôi động, thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách đột phá. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 -  2030. Ảnh: Thành Duy

Mặt khác, Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu cần hỗ trợ để trang bị cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các kiến thức, kỹ năng nâng cao sức cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước, quốc tế; quan tâm công tác quản lý, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 -  2030; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trương thực hiện các dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Tin mới