Chất chứa bao kỷ niệm, tâm sự sâu kín!

(Baonghean.vn)- Nhạc sĩ An Thuyên ra đi là một tổn thất lớn. Với mỗi văn nghệ sĩ quê nhà, đó còn như mất đi người cha, người anh, người bạn từng có nhiều gắn bó, kỷ niệm riêng tư, sâu sắc.

Nhạc sĩ An Thuyên được xem là nhạc sĩ hàng đầu trong dòng nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam. Ông được ví là cây đại thụ tỏa bóng mát cho không chỉ những công chúng thưởng thức, yêu mến âm nhạc, mà cả những người sáng tác, biểu diễn, quản lý và đào tạo nghệ thuật. Tin nhạc sĩ An Thuyên qua đời chiều ngày 3/7 gây ra nỗi bàng hoàng, tiếc thương cho văn nghệ sĩ quê nhà. Ngày 4/7, Báo Nghệ An đã gặp gỡ và chia sẽ những tình cảm của một số văn nghệ sĩ có nhiều kỷ niệm và chịu ảnh hưởng từ nhạc sĩ An Thuyên.

Nhạc sĩ Vũ Tiến Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An: "Nhạc sĩ An Thuyên là biểu tượng, là niềm tự hào cho mọi thế hệ người dạy và người học"

Nhạc sĩ Vũ Tiến Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, người bạn đồng môn, đồng nghiệp, người có quá trình gắn bó lâu dài với nhạc sĩ An Thuyên
Nhạc sĩ Vũ Tiến Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An, người bạn đồng môn, đồng nghiệp, người có quá trình gắn bó lâu dài với nhạc sĩ An Thuyên

“Tôi đón nhận tin nhạc sĩ An Thuyên mất trong niềm tiếc thương vô hạn. Thầy và trò Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An luôn tự hào về nhạc sĩ An Thuyên, người học trò khóa đầu tiên của nhà trường niên khóa 1967-1968. Ông đã đi qua nhiều môi trường, nhiều cơ quan, sự nghiệp của ông đã phát triển lên đến đỉnh cao trong cả sáng tác và quản lý, nhưng ông vẫn luôn giành nhiều tình cảm cho nơi đầu tiên đưa ông đến với nghệ thuật chuyên nghiệp. Khi có tác phẩm, ông đều gửi về tặng nhà trường và nhà trường coi đó là những giáo trình hết sức ý nghĩa, chất lượng để đào tạo, giảng dạy. Trong nhà trường, bất kỳ khóa học nào cũng lấy nhạc sĩ An Thuyên làm biểu tượng, cả về tài năng, đức độ, tâm huyết, nhân cách.

Với riêng tôi, nhạc sĩ An Thuyên là người anh, người bạn tâm giao. Tôi đi thi tốt nghiệp cấp 3 ngồi cùng một phòng với nhạc sĩ An Thuyên. Khi học xong hệ Trung cấp âm nhạc và thi chuyển lên hệ Đại học ở Học viện âm nhạc quốc gia cũng ngồi chung một phòng thi. Quen nhau từ những lần như thế rồi trở thành anh em, bạn bè. Nhạc sĩ An Thuyên học sáng tác, tôi học biểu diễn, mỗi khi đi biểu diễn ở đâu thì anh An Thuyên đều gọi tôi đi để tạo điều kiện cho tôi có dịp “sống” bằng nghề.

Khi anh đã gặt hái những thành công lớn, mỗi lần về quê anh em vẫn gặp nhau để trao đổi về tác phẩm, công việc. Tôi được ảnh hưởng nhiều từ anh, và nhận được sự quan tâm của anh, cả trong sự nghiệp nghệ thuật và trong quản lý. Anh ra đi khi đang tràn đầy nhiệt huyết và tâm huyết. Tổn thất lớn quá!”

.

Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh, Nguyên ca sĩ Đoàn văn công quân khu IV, người đầu tiên thể hiện thành công các ca khúc "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác": "Nhạc sĩ An Thuyên, người anh, người đồng đội, đồng nghiệp tài hoa, ca khúc của anh đã mang giọng hát của tôi bay xa!"

Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh, người đầu tiên thể hiện thành công và đưa những ca khúc
Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh, người đầu tiên thể hiện thành công và đưa những ca khúc "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" đi vào đời sống âm nhạc

“Tôi may mắn được là đồng đội, đồng nghiệp gắn bó cùng đơn vị với nhạc sĩ An Thuyên khoảng 3 năm. Năm 1976 chúng tôi cùng ở Đội Tuyên truyền Văn hóa – Văn nghệ Tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Năm 1977 nhạc sĩ An Thuyên được chuyển lên đoàn văn công quân khu IV, một năm sau đó tôi cũng được chuyển lên đoàn Văn công quân khu IV. Sau này nhạc sĩ An Thuyên đi học tiếp và chuyển đơn vị khác.

Tôi được nổi danh chính là nhờ thể hiện thành công các ca khúc của anh. Và ngược lại, tôi cũng có may mắn là người đầu tiên được thể hiện thành công, được đem những ca khúc đầu tiên “đóng đinh” tên tuổi An Thuyên trong lòng công chúng.

Nhạc sĩ An Thuyên viết nhạc rất nhanh. Cùng đợt đi thực tế sáng tác, khi đến Trung Đoàn 1 làm đường ở Vều (Anh Sơn), anh viết "Em chọn lối này" ngay buổi sáng, buổi tối tôi đã đem ra hát phục vụ bộ đội làm đường. Khi đến Trung đoàn 2 làm đường từ Cửa Rào (Tương Dương) đi lên, anh viết bài "Cái cuốc chim", bài hát cũng được dùng để phục vụ ngay sau đó. Hồi đó, bài "Em chọn lối này" thường do tốp nữ gồm Lệ Thanh, Bảo Hòa, Mỹ Hạnh, Hoài Thanh, Xuân Hương, Minh Châu thể hiện. Hay tin An Thuyên mất, cả 6 người trong tốp nữ ngày xưa gọi điện cho nhau và đều rưng rưng tiếc nhớ.

Nhạc sĩ An Thuyên là người đồng đội chân tình, rộng lượng. Khi đưa ca khúc cho ca sĩ hát anh đều nói “cứ hát đi, nốt nhạc nào thấy thích luyến láy thì các em cứ đồng hành sáng tạo”. Do đó, ca sĩ thể hiện ca khúc của ông đều rất tự tin. Bài "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" tôi có tham gia luyến láy, ngân rung ở một số nốt nhấn, nốt cuối của câu hát, An Thuyên hài lòng và ghi nhận điều đó.

Tại hội diễn nghệ thuật toàn quân năm 1979, tôi hát "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" và được yêu cầu hát lại lần nữa vì khán giả quá yêu thích. Đó cũng là lần đầu tiên ca khúc này đến với một hội diễn lớn. Từ đó, các đài phát thanh bắt đầu phát ca khúc này. Năm 1980, tại Hội diễn  ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tôi hát "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" đạt giải B. Sau này, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền và nhiều ca sĩ khác cũng rất thích thể hiện bài này.

Từ những ngày anh chưa nổi tiếng, ở anh đã có tầm vóc và ảnh hưởng rất lớn. Anh ra đi, nhưng tình cảm và tác phẩm của anh sẽ còn sống mãi".

.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu – Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân ca ví dặm xứ Nghệ: "Nhạc sĩ An Thuyên có công lớn trong việc làm cho dân ca xứ Nghệ thăng hoa, đẹp hơn, dễ tiếp nhận hơn".

Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca ví dặm xứ Nghệ, người nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, tâm huyết của nhạc sĩ An Thuyên trong việc sân khấu hóa dân ca ví dặm xứ Nghệ.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca ví dặm xứ Nghệ, người nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, tâm huyết của nhạc sĩ An Thuyên trong việc sân khấu hóa dân ca ví dặm xứ Nghệ.

"Tôi vào face và hay tin nhạc sĩ An Thuyên ra đi thì sững người. Lập bập gọi cho nghệ sĩ An Phúc (An Phúc gọi nhạc sĩ An Thuyên là chú ruột), nghe An Phúc xác nhận đó là sự thật, cả nhà tôi đứng sững ở chân cầu thang, không ai nói với ai, rồi mỗi người đi về một góc riêng với những kỷ niệm, tình cảm và sự trân trọng riêng đối với chú An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên làm công tác điền dã, sưu tầm dân ca ví dặm xứ Nghệ. Ông cùng những người như Hoàng Thọ, Lê Hàm, Văn Thế... đi sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn dân ca từ thời đất nước còn nhiều khó khăn. An Thuyên có công lớn trong việc phát triển âm điệu dân ca thành những ca khúc. Ông đã có vai trò quan trọng trong việc lôi đẩy âm vực, khúc thức ca dao dân ca lên thành tác phẩm độc lập để cả xã hội thưởng thức.

Nếu không có những nhạc sĩ như An Thuyên, Trần Hoàn, Văn Tý... lấy chất liệu dân ca làm hồn vía cho tác phẩm thì câu dân ca sẽ khó có sức lan tỏa ra thế giới nhanh đến vậy. Trong hồ sơ ví dặm trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, phần ví dặm trong đời sống cộng đồng hôm nay có tên nhạc sĩ An Thuyên với những ca khúc như "Đêm nghe hát đò đưa nhớ bác", "Neo đậu bến quê", "Ca dao em và tôi"...

Năm 2014, khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, tôi trình bày với nhạc sĩ An Thuyên ý định tổ chức chương trình Lời Biển gọi để hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Tôi không chỉ được ông góp ý từ tổng thể đến từng chi tiết, mà còn được ông “tiếp sức” bằng bài "Bắc cầu ra Hoàng Sa, Trường Sa" cho phần kết.

Từ khi nghe tin ông ra đi, lòng tôi bứt rứt, trĩu nặng, ơn của ông với chúng tôi quá lớn!

.

Ca sĩ Quế Thương – Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An: "Chú An Thuyên là nhạc sĩ của mọi miền quê!"

Ca sĩ Quế Thương, Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An, người hâm mộ nhạc sĩ An Thuyên từ nhỏ. Trong các album của Quế Thương không thể thiếu các ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên.
Ca sĩ Quế Thương, Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An, người hâm mộ nhạc sĩ An Thuyên từ nhỏ. Trong các album của Quế Thương không thể thiếu các ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên.

"Từ khi chưa bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp tôi đã ngưỡng mộ nhạc sĩ An Thuyên. Ca khúc của chú mộc mạc, chân chất, gần gũi với tình cảm con người Việt Nam. Chú là người có công trong việc đưa những từ dân giã như áo tơi, nón, chè xanh... đi vào đời sống âm nhạc một cách rất thi vị, thân thương. Từ một ca sĩ đam mê nghiệp hát, cho đến khi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, tôi càng cảm nhận được tầm vóc lớn lao của nhạc sĩ An Thuyên. Người trong nghề có thể gọi An Thuyên là người đi đầu và thành công bậc nhất trong việc phát triển tác phẩm từ âm hưởng dân gian các vùng miền, các miền quê.

Với những ca khúc như Huế Thương, Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê... ông được xem là nhạc sĩ của những miền quê với các ca khúc “đóng đinh” tâm hồn, tình cảm của con người những nơi ông viết. Ai ở đó nghe ca khúc của ông cũng thấy tâm hồn mình, bóng dáng quê mình trong đó.

Với thế hệ ca sĩ trẻ, với bạn bè đồng nghiệp thế hệ sau như chúng tôi, mỗi lần tham gia các cuộc thi, các sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp hay không chuyên, nếu có việc hỏi chú thì bất cứ ai chú cũng tư vấn, góp ý trách nhiệm, tâm huyết, chân tình. Tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên đã góp phần đưa nhiều ca sĩ thành danh tại các cuộc thi lớn như Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, Phương Thanh... Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi ca khúc có ý nghĩa quyết định sự thăng hoa của ca sĩ trên sân khấu.

Chú ra đi là tổn thất lớn cho âm nhạc Việt Nam, với những người theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng dân gian như tôi thì đó là tổn thất không gì bù đắp nổi. Đến giờ tôi vẫn không tin chú ra đi là sự thật, tôi không muốn tin đó là sự thật. Nước mắt cứ thế trào ra như người thân trong nhà mình ra đi vậy".

.

Thực hiện: Ngô Kiên – Cảnh Nam

Tin mới