Phan Bội Châu - Người mang hồn đất nước

(Baonghean) - Những năm cuối thế kỷ XIX phong trào Cần Vương bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp nặng nề và đi đến thất bại.
Nhân dân Việt Nam rên xiết dưới 2 tầng áp bức, bóc lột, cuộc sống vốn đã vô cùng khổ cực lại càng tăm tối hơn. Trong bối cảnh đó, lịch sử dân tộc đặt ra một đòi hỏi, yêu cầu hết sức bức thiết và khắc nghiệt dành cho những nhà yêu nước lúc bấy giờ là phải tìm ra phương thức và con đường cứu nước phù hợp với yêu cầu lịch sử, kế tục truyền thống cứu nước giải phóng dân tộc của cha ông. Chính vào thời khắc đó Phan Bội Châu xuất hiện như một vị cứu tinh, tạo ra niềm tin, ánh sáng, tia hy vọng mới cho 20 triệu người dân Việt Nam bị đô hộ dưới chế độ hà khắc của thực dân. Đúng như lời nhận xét đầy tôn kính của Nguyễn Ái Quốc: “Phan Bội Châu – bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Thai Mai đã từng viết: “Chỉ vì đọc Phan Bội Châu mà hàng nghìn thanh niên đã cắt cụt bím tóc, vất hết sách vở văn chương nghề cử tử cùng cái mộng công danh nhục nhã gắn trên đó, lìa bỏ làng mạc, nhà cửa, vợ con, rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi nỗi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi và trù tính việc đánh Tây. Đó là một thành công vĩ đại”. 
Nhà Lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn. 	Ảnh: sỹ minh
Nhà Lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn. Ảnh: Sỹ Minh
Phan Bội Châu tên là  Phan Văn San, còn gọi Hải Thụ, sau lấy hiệu Sào Nam, ông sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình hàn Nho, thuở bé Phan Văn San nổi tiếng khắp vùng vì thông minh hơn người. Với tài năng xuất chúng thiên bẩm nhưng lại sinh ra trong một bối cảnh đất nước cần lao, giặc giã, gia cảnh nghèo khó Phan Văn San lựa chọn con đường dạy học để kiếm sống. Ông cũng từng theo đuổi con đường khoa cử nhưng dường như đã kịp nhận thấy sự lạc hậu, lỗi thời của nền giáo dục lúc bấy giờ. Năm 1898 sau khi mắc oan tội “hoài hiệp văn tự” vì đưa tài liệu vào trường thi và bị kết án “Chung thân bất đắc ứng thí” (suốt đời không được đi thi), Phan Văn San khăn gói vào Huế. Tại vùng đất kinh đô ông đã được tiếp xúc, kết giao với các bậc danh sỹ, đại khoa đang giữ chức vụ quan trọng trong kinh thành. Tài danh của Phan nhanh chóng được nhiều người ở Huế biết đến và ông trở thành bạn chí cốt với những người cùng chí hướng như: Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Cũng tại kinh đô Huế, với sự giúp đỡ của bạn bè, nỗi oan “hoài hiệp văn tự” của Phan Văn San đã được giải. Năm 1900 ông trở về quê nhà Nghệ An và tham dự kỳ thi hương. Tại kỳ thi này ông đỗ giải nguyên với lời ngợi ca “Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn” và cũng từ đây Phan Văn San “đã có cái hư danh để che mắt đời” – như cách nói của ông. Đây cũng chính là thời điểm ông bước vào cuộc đời hoạt động cứu nước đầy sôi nổi và sóng gió với cái tên Phan Bội Châu.
Ông Phan Thiệu Cát (cháu nội cụ Phan  Bội Châu) trao đổi với các cựu học sinh trường Phan tại Khu Lưu niệm  Phan Bội Châu ở TP. Huế.  	Ảnh: đ.t
Ông Phan Thiệu Cát (cháu nội cụ Phan Bội Châu) trao đổi với các cựu học sinh trường Phan tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu ở TP. Huế. Ảnh: Đ.T
Năm 1904, Phan Bội Châu cùng với Nguyễn Hàm và một số người khác thành lập Duy Tân hội, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để - tức Nguyễn Phúc Đan thuộc dòng dõi triều đình nhà Nguyễn làm chủ hội. Năm 1905, ông cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản với mục đích cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp. Giai đoạn này Phan Bội Châu đã viết cuốn sách “Việt Nam vong quốc sử” để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân và bắt đầu hình thành con đường đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để trở về cứu nước. Bằng phong trào Đông Du, từ năm 1905 - 1908 Phan Bội Châu cùng với những người cùng chí hướng đã đưa khoảng 200 thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Nhật Bản học tập với mong muốn họ sẽ trở thành nòng cốt cho phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc về sau. Tháng 9/1908 ở trong nước sau khi nổi lên phong trào chống sưu thuế ở khu vực Trung Kỳ và lan rộng các tỉnh khác, thực dân Pháp đã đàn áp nặng nề, nhiều hội viên Duy Tân bị bắt và kết án, trong số đó có Nhà yêu nước Nguyễn Hàm – một hạt nhân nòng cốt của phong trào. Tiếp đó, với việc thỏa hiệp bắt tay của chính phủ bảo hộ Pháp và chính quyền Nhật, các học sinh theo phong trào Đông Du đã bị trục xuất khỏi Nhật Bản và đến đây cũng đã kết thúc một hoạt động quan trọng mà Phan Bội Châu và những người đồng sự đã dày công xây dựng. 
Vào tháng 6 năm 1912, Phan Bội Châu đã chủ trì cuộc “Đại hội nghị” tại Quảng Châu (Trung Quốc) và đưa ra quyết định giải tán Duy Tân hội, thành lập mới Việt Nam Quang phục hội. Với chủ trương này, Phan Bội Châu đã thay đổi tôn chỉ đấu tranh từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, mục đích thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam, đáp ứng tình hình chuyển biến mới trên trường quốc tế. Sau khi tổ chức Việt Nam Quang phục hội ra đời, Phan Bội Châu đã cử một số người về nước trừ khử một số kẻ địch, khuấy động lại phong trào yêu nước trong quần chúng nhân dân. Cho rằng Phan Bội Châu là kẻ chủ mưu, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã kết án tử hình vắng mặt. Năm 1913, chính phủ bảo hộ Pháp đã cấu kết với tổng đốc Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam Phan Bội Châu và ông bị giam cầm tại nhà tù Quảng Đông đến tháng 2/1917 mới được thả. Ra tù Phan Văn San tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1922, học tập đường lối của Tôn Trung Sơn tại Trung Quốc, Phan Bội Châu đã có ý định cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Đảng Quốc dân Việt Nam nhưng chưa kịp cải tổ thì ông bị bắt cóc ngày 30 tháng 6 năm 1925. 
Với dã tâm “diệt cỏ tận gốc” và ngăn chặn phong trào cách mạng dưới ảnh hưởng của Phan Văn San, thực dân Pháp quyết định bí mật tiêu diệt, trừ khử vị lãnh tụ này. Âm mưu bại lộ và lúc này nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới thanh niên trí thức yêu nước đã dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ yêu cầu thực dân Pháp thả tự do cho cụ Phan. Phong trào còn lan rộng sang cả Trung Quốc và Paris. Trước áp lực của quần chúng cách mạng, thực dân Pháp buộc phải xóa bỏ án chung thân đối với cụ Phan. Và kể từ năm 1925 – 1940 cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế và trở thành “Ông già Bến Ngự”  - theo cách gọi gần gũi nhất, kính trọng nhất của người dân trên quê hương của núi Ngự, sông Hương.
Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu từ anh Giải San xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất cho các chí sỹ, sỹ phu yêu nước của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu đã có một hành trình vượt biên giới đến với nhiều khu vực của Đông Á và Đông Nam Á, sớm khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và quốc gia, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc. Trong những lần tự thuật, Sào Nam đã rất khiêm nhường về mình khi nói: “Than ôi! Bao nhiêu năm bôn tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình lỗi nặng, tội nhiều...” hay: “Than ôi! Lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công”. Thế nhưng từ cái sự “không nên một việc gì” của Phan Bội Châu đã thắp sáng cho các thế hệ tiếp nối tìm thấy kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá và cũng từ đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trở nên rõ ràng nhất. Đây chính là những kinh nghiệm, tiền đề vô cùng quan trọng để các thế hệ nối tiếp kế thừa và phát triển thành công. Tiêu biểu nhất trong đó không ai khác chính là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Trong nhân cách lớn Phan Bội Châu có sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 phương diện chính trị và văn hóa. Trước khi trở thành vị lãnh tụ của phong trào Duy Tân và tổ chức Việt Nam Quang phục hội, Phan Văn San nổi danh khắp cả nước về tài năng Hán học. Khi trở thành một nhà cách mạng cụ Phan lại có sự song hành phát triển giữa nhân cách chính trị và nhân cách văn hóa. Từ năm 1925 đến những năm cuối đời bị thực dân Pháp quản chế ở Huế, dù không trực tiếp tham gia đấu tranh với kẻ thù nhưng cụ Phan vẫn tiếp tục sự nghiệp bằng ngòi bút có khả năng chuyển sấm chớp vào thời cuộc. Trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng đã có một thế hệ dân chúng đã thao thiết với lời cụ Phan nói: “Đúc gan sắt để dời non lấp bể/Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Trong suy nghĩ của Phan Bội Châu, tầng lớp thanh niên là nòng cốt có vai trò quyết định đến vận mệnh của đất nước. Ông đã viết: “Vì có người thanh niên mà nước thanh niên mới trường xuân bất lão. Vì có nước thanh niên mới danh giá vô cùng! Nói cho đúng lẽ, người thanh niên chính là linh hồn của nước thanh niên”. 
15 năm nương mình ở đất kinh đô, “ông già Bến Ngự” sống bình dị trong ngôi nhà lá và không thôi thổn thức vì quê hương, đất nước. Ở đó, trong một khuôn viên chật hẹp giữa kinh thành mọi người nhìn thấy hình ảnh giếng nước, hàng cau, nhìn thấy những hàng mộ chí cụ Phan đã dựng lên để phụng thờ đồng chí của mình đã ngã xuống vì vận nước. Khi sức đã cùng, lực đã tận cụ đã thốt lên rằng: “Lo cứu nước bảo tồn nòi giống, tôi có chí nhưng không có tài. Nay tôi xin từ biệt quốc dân mãi mãi. Tội tôi rất lớn, mong quốc dân tha thứ cho”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy tấm lòng của một người con đối với quê cha đất tổ. Phan Bội Châu mãi là “một trong những con người Việt Nam đẹp nhất” như cách đánh giá của nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh.
Trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, Phan Văn San - Phan Bội Châu mãi là tấm gương sáng ngời phẩm chất cách mạng, người đại diện tiêu biểu cho nhân cách, khí phách của dân tộc. Để tỏ lòng biết ơn và giáo dục muôn lớp thế hệ cháu con, năm nay kỷ niệm 75 năm ngày mất của Phan Bội Châu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý phê duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại tại Thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) để xứng đáng hơn với thân thế, sự nghiệp và tầm vóc của Người. Đặc biệt công trình được xây dựng bởi sự đóng góp hết sức có ý nghĩa của các thế hệ cựu học sinh dưới mái trường mang tên Phan Bội Châu ở Nghệ An. Chỉ trong vòng 4 tháng sau khi phát động, đã có trên 500 lượt cựu học sinh trường Phan tham gia ủng hộ với số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Công trình là một sự tiếp nối sâu sắc và có ý nghĩa về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về niềm tin, lòng tri ân của thế hệ hôm nay dành cho các bậc tiền bối cách mạng mà cụ Phan Bội Châu là một tấm gương ngời sáng.
Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
TIN LIÊN QUAN

Tin mới