Về Nghi Thủy nơi biển muôn nghề

(Baonghean) - Tôi chạm đất Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) vào một buổi sáng mùa Đông. Trong không khí tinh sương hơi biển như thoáng mặn đầu môi. Bến cá như thức suốt từ đêm hôm trước, rộn ràng âm thanh bán mua, trao đổi. Thi thoảng lại dội đến tiếng động cơ tàu cá cập cảng, nào ngừ, nào mú, nào lượng, rồi ốc hương, ghẹ xanh, moi ruốc… đúng là Nghi Thủy chưa bao giờ ngơi nghỉ.

Tàu của ngư dân phường Nghi Thủy cập bến
Tàu của ngư dân phường Nghi Thủy cập bến

Tôi gặp Nguyễn Viết Phúc ngay tại bến cá Nghi Thủy. Giữa muôn tiếng nói cười và cả âm thanh của hàng chục chiếc xe đông lạnh vào ra chúng tôi chỉ có một không gian hẹp để trò chuyện. “Em chỉ làm ăn nhỏ không đáng kể chi mô” – Phúc như đoán được ý định của tôi. Tuy vậy chàng trai có vóc người đậm chắc như cây lim ấy cũng cho biết mình làm nghề đi biển được hơn 10 năm nay. Phúc là người Nghi Tân nhưng về làm rể và chọn đất Nghi Thủy để lập nghiệp. Nghề chính của anh là đánh ốc hương.

“Em thường đến bến để mua mồi nhử săn ốc. Mồi là các loại tôm tít, ghẹ kém chất lượng đã được các tàu giã đánh về và phân loại.” – vừa nói Phúc vừa chỉ đống ráp xác anh mới mua. Phúc còn cho biết, để bắt được ốc hương những người đi nghề cần có những ngư cụ chuyên biệt, đó là các mành lưới, “đòi” thép để bẫy chúng. Mỗi chuyến con tàu hơn 80 sức ngựa của Phúc đi khoảng 3 ngày đêm. Lượng ốc hương đánh được không nhiều, chỉ dăm tạ. Tuy nhiên đây là loại hải sản có giá trị cao với hơn 300 nghìn đồng/kg, thậm chí khi vào mùa du lịch ốc “đẹp” là 600 nghìn đồng/kg nên cũng bõ cái công ra khơi và gắn bó với nghề.

Ngư dân Nghi Thủy nổi tiếng với nghề câu các thu, cá ngừ
Ngư dân Nghi Thủy nổi tiếng với nghề câu các thu, cá ngừ và vào mỗi buổi sáng sớm cảng cá tập nập người bán kẻ mua

Nhiều người cho rằng, cũng là đi biển nhưng ở phường Nghi Thủy có sự tụ hội của nhiều nghề khác nhau. Có vây, có giã, có câu, có đi ghẹ, đi ốc... và có cả làm du lịch biển. Người Nghi Thủy vốn năng động, năng động ngay cả từ cái dạo chuyên buôn bán, cung cấp hàng điện tử “si cần hen”. Và nay trở lại với nghề truyền đời không thể thay thế được.

Ông Hoàng Thanh Hồng, Bí thư Chi bộ khối 7, phường Nghi Thủy vẫn còn nắc nỏm cười khi chợt nhắc đến chuyện cũ. Vị Bí thư Chi bộ của khối dân cư với 179 hộ cho biết, khối 7 là 1 trong những đơn vị dẫn đầu của phường Nghi Thủy về nghề khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản. Hơn 1/3 hộ dân khối 7 đang tham gia khai thác, đánh bắt hải sản. Trong đó có 3 đôi tàu giã cào công suất từ 400 – 450 CV. Tính đến thời điểm này thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm. Khối 7 cũng được nhà nước công nhận là làng nghề chế biến hải sản với các sản phẩm chủ lực là nước mắm, tôm nõn và mắm tôm. Có gần 60 hộ gia đình gắn bó với công việc này.

Như để minh chứng cho điều mình nói, ông Hoàng Thanh Hồng dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình chế biến nước mắm, tôm nõn thuộc làng nghề. Vừa kịp dừng chân trước cổng nhà ông Dương Ngọc Trung đã thấy người đàn ông ngoại lục tuần cởi mở đón khách. Vị Bí thư Chi bộ chẳng phải giải thích nhiều khi vây quanh chúng tôi trong khoảng sân rộng chừng 100m2 là cơ man thùng ủ, ướp cá. “Tất cả đều được làm từ cá trỏng than, còn gọi là cá cơm đen. Một mẻ vài ba tấn, mần quanh năm” – ông Trung vui vẻ giới thiệu. Vị chủ nhà còn cho biết gia đình ông 5 đời liên tục làm nghề ngày. Mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn sản phẩm, trong đó khoảng 13 tấn mắm tôm, lãi ròng trên 200 triệu đồng.

Chế biến mắm tôm, nước mắm ở làng nghề hải sản Nghi Thủy
Chế biến mắm tôm, nước mắm ở làng nghề hải sản Nghi Thủy

Ông  Hoàng Thanh Hồng, Bí thư Chi bộ khối 7 còn bật mí thêm: “Khối có 38 gia đình đầu tư xe điện phục vụ nhu cầu du lịch, rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu khác nữa…”.

Theo các lão ngư Nghi Thủy thì hoạt động đánh bắt hải sản gắn bó với người dân trên mảnh đất này từ rất lâu đời song nó thực sự trở thành nghề biển kể từ những năm 40 của thế kỷ trước. Khi đó một số ngư dân từ vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh) tìm đến đây định cư và hình thành nên làng biển Mai Giang thuộc hợp tác xã Phương Đông xã Nghi Thủy (nay là phường Nghi Thủy). Từ những ngư dân đầu tiên đến nay Nghi Thủy có gần 800 hộ tham gia các nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng chế biến hải sản. Toàn phường hiện có 173 tàu khai thác hải sản, trong đó có 42 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 350 - 450 CV.

Nghi Thủy cũng là đơn vị có số lượng tàu thuyền khai thác, đánh bắt nhiều nhất thị xã biển Cửa Lò. Nghề đi biển đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, chưa kể hàng nghìn lao động khác gắn bó với hoạt động dịch vụ, thương mại. Đặc biệt, trong năm 2015 phường Nghi Thủy đã đóng mới 2 tàu vỏ composite theo Nghị định 67 với công suất 820CV/tàu. Sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ  6.500 – 8.000 tấn. Trong đó năm 2015 nhờ tích cực đổi mới phương pháp đánh bắt như vươn khơi, bố trí nhiều nghề trên một tổ thuyền và duy trì 4 tổ liên kết giúp nhau trên biển nên sản lượng khai thác hải sản của Nghi Thủy đạt 8.000 tấn. với giá trị hơn 157,8 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của mỗi lao động nghề cá đạt từ 52 - 57 triệu đồng/lao động/năm. Điển hình vươn khơi bám biển ở Nghi Thủy có ông Võ Văn Phúc, khối 7; ông Hoàng Văn Hoa, khối 10;ông Mai Văn Thái, khối 4…

Tàu
Ngư dân Nghi Thủy trước giờ ra khơi

Ông Võ Văn Lý - Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết, để giúp ngư dân phát huy tốt hiệu quả nghề kinh tế biển, lãnh đạo địa phương đã tạo nhiều cơ chế thuận lợi hỗ trợ bà con ngư dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền, nâng cấp công suất, mua sắm ngư cụ. Đồng thời duy trì các tổ tàu thuyền liên kết giúp nhau trên biển. Mục đích là chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt hải sản, nhất là những lúc mưa bão, hoạn nạn trên biển. Hàng năm địa phương đã tổ chức cho các chủ tàu, thuyền trên địa bàn đi tham quan học tập mô hình tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, đồng thời đầu tư xây dựng bến cá để ngư dân thuận lợi trong việc cập bến tiêu thụ sản phẩm và làm tốt công tác hậu cần nghề cá.

Một năm ra khơi đánh bắt dần khép lại, một mùa cá mới chuẩn bị bắt đầu. Nếu là ngư dân Nghi Thủy trên chuyến tàu ra khơi vào đầu năm mới, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được niềm xúc động thiêng liêng xen lẫn tự hào khi nhận những lá quốc kỳ do lãnh đạo địa phương trao trước giờ xuất bến. Đó không chỉ là sự tôn vinh dành cho những người can đảm cưỡi lên sóng dữ mà quê hương còn trao gửi niềm tin và trách nhiệm đối với mỗi ngư dân trên vùng biển thiêng liêng của cha ông.

Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới