Cô dân quân Nghệ An 2 lần bắn rơi máy bay địch

(Baonghean) - 20 tuổi, cô nữ sinh làng biển đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được đứng vào hàng ngũ của Đảng nhờ thành tích cùng đơn vị dân quân 2 lần bắn rơi máy bay địch. Cô dân quân ngày ấy đang lặng lẽ tìm lại màu xanh nơi cửa biển...

Bà Trần Thị Bình kể lại
Bà Trần Thị Bình kể lại chuyện bắn rơi máy bay 50 năm trước

Bà Trần Thị Bình sống một mình trong căn nhà nhỏ giữa xóm Thành Vinh, xã Nghi Quang, trước nhà là dòng sông Cấm hiền hòa, phía sau là màu xanh ngút ngàn của những ngọn đồi. Thân hình nhỏ bé, mái tóc ngả màu sương và bà Bình từng có một thời gùi lương, tải đạn tiếp tế cho đơn vị bộ đội trực chiến và trực tiếp tham gia bắn cháy máy bay địch.

Cô học sinh bắn rơi may bay địch

Ngày 5/8/1964, sau khi cố tình tạo ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng lực lượng không quân leo thang phá hoại miền Bắc nước ta, gây nên bao cảnh tang thương, đổ nát. Ngày ấy, cô gái Trần Thị Bình và bạn bè cùng trang lứa đang là học sinh buộc phải dời lớp học xuống lòng đất. Vùng đất Nghi Quang nằm ở hạ nguồn dòng sông Cấm, phía trước là biển, phía sau là những ngọn núi cao cùng với các địa điểm như: Cầu Cấm, cầu Bến Thủy, thị xã Vinh, Truông Bồn (Đô Lương) trở thành cái túi bom của không quân đế quốc Mỹ.

 Mức độ khốc liệt càng tăng lên khi đồi 200 và đồi 170 được chọn để thiết lập trận địa pháo phòng không và pháo cao xạ đánh chặn máy bay địch từ Hạm đội 7 vào đánh phá đất liền. Rồi các loại tàu chiến của địch tiến vào gần bờ biển pháo kích không kể ngày đêm, làm cho làng biển Nghi Quang trở thành chiến địa.

Chia lửa với bộ đội chủ lực, xã Nghi Quang thành lập Trung đội dân quân trực chiến với 25 đồng chí, trong đó 6 người là nữ, vũ khí được trang bị gồm 3 khẩu 12,7 ly và súng đại liên.

Đang là học sinh, hàng ngày cắp sách đến lớp nhưng Trần Thị Bình vẫn đăng ký tham gia Trung đội dân quân trực chiến, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được điều động. Đã 50 năm đi qua nhưng suốt đời bà Bình không bao giờ quên ngày 31/3/1965, ngày quân và dân Nghi Quang viết nên một sự kiện lớn trong cuộc đối đầu với giặc Mỹ.

Địch đánh phá suốt ngày đêm tại đồi 200, chúng liên tục dội bom, nã pháo vào đỉnh và mé đồi, lực lượng dân quân kiên cường bám trụ, vận chuyển đạn dược và lương thực tiếp tế cho bộ đội chủ lực. Vừa chuyển đạn lên trận địa, tốp hàng chục chiếc máy bay địch ồ ạt tràn vào dội bom, lập tức Trần Thị Bình tiến lại vị trí khẩu 12 ly 7 hướng lên trời nhả đạn. Một chiếc F-4 bất ngờ liệng cánh rồi quay ra phía biển một khoảng rồi bốc cháy và rơi xuống mặt biển.

Dân quân Nghi Quang lập tức phối hợp với dân quân các xã Nghi Tiến, Nghi Thiết bắt sống 2 tên giặc lái nhảy dù. Hôm ấy, Trung đội dân quân xã Nghi Quang phối hợp với bộ đội pháo lập nên chiến công ấy, Trung đội được tuyên dương.

Không đầy 1 tháng sau, ngày 19/4/1965, phân đội trực chiến của Trần Thị Bình tiếp tục bắn rơi 1 máy bay A-4, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đội thuyền vận tải tiếp nhận lương thực và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau đó, Trần Thị Bình được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 20 tuổi.

Lặng lẽ tìm lại màu xanh nơi cửa biển

Người dân Nghi Quang nói rằng, ngày trước nơi nào có “điểm nóng”, nơi ấy có dấu chân của Trần Thị Bình. Ngày 9/7/1968 là ngày đau thương, tang tóc ở làng quê ven biển này. Địch ném bom và pháo kích suốt ngày đêm khiến 8 chiến sỹ pháo binh hy sinh, 128 người dân bị chết và 170 người bị thương, có những gia đình bom dội trúng hầm nên không một ai sống sót, tiếng khóc dội lên khắp làng quê. Trần Thị Bình cùng anh em dân quân đã đến từng căn hầm bị sập để cứu chữa những người bị mắc kẹt, mai táng những người bị chết do bị sức ép và trúng mảnh bom, động viên và chia sẻ nỗi đau với những gia đình có người thân bị chết.

Không chỉ ở địa bàn Nghi Quang, người con gái trẻ ấy còn có mặt ở Nghi Yên tham gia trực chiến, cứu chữa người bị thương tại trận địa Cầu Cấm. Rồi hay tin địch ném bom na-pan xuống địa bàn xã Nghi Xá làm chết và bị thương hàng chục người, Trần Thị Bình lập tức có mặt để giúp đỡ, cùng lực lượng dân quân và nhân dân xã bạn cứu chữa người bị thương, mai táng những người bị bom Mỹ sát hại...

Đang tham gia Trung đội dân quân xã, Trần Thị Bình được điều lên làm cán bộ chính sách của Huyện đội Nghi Lộc. Với bản tính nhiệt tình, xông xáo, không ngại khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, người chiến sỹ ấy lại tiếp tục có mặt ở những “điểm nóng” chiến sự để giải quyết hậu quả bom đan và cứu chữa người bị thương vong.

Trong những năm tháng bom đạn ấy, Trần Thị Bình kết hôn với một người cùng làng, là sỹ quan Phòng không - Không quân đang chiến đấu nơi xa. Chiến tranh kết thúc, chồng vẫn biền biệt nơi xa, bà Bình đành xin phục viên để về nuôi dưỡng và chăm sóc mẹ già, con nhỏ, làm tròn vai của một người dâu thảo, vợ hiền và mẹ đảm. Một cô Bình xông xáo dưới mưa bom, bão đạn giờ quần quật giữa ruộng lúa, nương ngô, nơi bãi sông, cửa biển để mưu sinh và chờ chồng trở về.

Bà Trần Thị Bình (giữa) làm
Bà Trần Thị Bình (giữa) làm công để tăng thu nhập tại một cơ sở chế biến hải sản.

Người chồng trở về chưa được bao lâu đã ra đi vì bạo bệnh, để lại cho bà Bình 3 đứa con chưa kịp khôn lớn, bà lại phải gồng mình lên để vừa làm mẹ, vừa làm cha. Nặng gánh mưu sinh để nuôi các con khôn lớn nhưng bà Bình vẫn tích cực tham gia công tác xã hội trong vai trò là Uỷ viên BCH Đảng ủy xã, cán bộ Hội Phụ nữ, nhiều năm liền làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Bà chính là người đã vận động hội viên trồng cây và trả lại màu xanh cho đồi 200 và đồi 170, xoa dịu vết thương do bom đạn chiến tranh. Rồi vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Mỗi khi gặp phải khó khăn, trắc trở hoặc đau buồn, người dân làng biển Nghi Quang thường tìm đến bà Bình để được sẻ chia, an ủi.

Giờ đây, đã 70 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, con cái đã ra cửa nhà, bà Trần Thị Bình sống một mình trong căn nhà nhỏ. Nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày nhờ vào việc làm thuê làm mướn, ai thuê việc gì bà đều vui vẻ nhận lời, miễn là có được đồng tiền chân chính. Công việc chủ yếu là nướng cá thuê cho một cơ sở chế biến cá ở gần nhà, theo bà vừa hợp với điều kiện sức khỏe và thu nhập không đến nỗi nào. Bà Bình chia sẻ: “Mình còn sức lực, phải làm việc để kiếm sống, không nên phiền đến con cái quá nhiều”.

Rời Nghi Quang với đồi 200, đồi 170 lừng lững và dòng sông Cấm hiền hòa, hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé nhưng dũng cảm, kiên cường và giàu lòng vị tha vẫn đọng mãi trong tâm trí. Bà chính là bông hoa lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường...

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới