8 điểm du lịch tâm linh không nên bỏ qua khi đến Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngoài những điểm đến như bãi tắm, chợ hải sản, làng nghề truyền thống, nhà hàng, khách sạn… thì du lịch tâm linh cũng thực sự hấp dẫn du khách khi đến với Cửa Lò.

1.     Đền Làng Hiếu

Rước
Lễ hội đền Làng Hiếu.

Đền Làng Hiếu thuộc phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò), có lịch sử hơn 300 năm hình thành. Đây là nơi thờ phụng thần ngư với 85 ngôi mộ cá ông.

Các mộ thờ cá voi ở đền Làng Hiếu
Các mộ thờ cá voi ở đền Làng Hiếu.

Ngoài ra đền còn thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn và Đức Phật. Đền Làng hiếu được xem là ngôi đền thờ nhiều cá voi nhất Nghệ An.

2.  Đền Mai Bảng

Đền Mai Bạng
Đền Mai Bảng, Phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò.

Đền Mai Bảng thuộc phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò), cách trung tâm  thị xã khoảng chừng 3km về phía Bắc. Đền được xây dựng từ thời Lê, thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi - người có công lớn dưới triều đại nhà Lê, từng giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, thờ Chế phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu - một Quý phi tài sắc vẹn toàn, được nhân dân suy tôn làm nữ thần biển; thờ Thủy Tinh phu nhân- vợ của Long Vương... Đền có lối kiến trúc cổ, chạm trổ tinh xảo tạo nên sự cổ kính, uy nghiêm.

3.     Đền Yên Lương

Đền Yên Lương
Đền Yên Lương.

Đền Yên Lương cũng thuộc phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò). Đền được xây dựng từ thời hậu Lê (1630), bố cục theo kiểu chữ Tam. Đền là nơi thờ Tam Tứ Vị Thánh Nương và các vị thần Tam Thế Phật; Cao Sơn, Cao Các; Đức Thánh Sơn thần đảo Lan Châu. Trong những năm kháng chiến, đây từng là nơi hội họp bí mật của các tổ chức cứu quốc; là nơi tập trung nhân dân trong làng đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, là địa điểm phát động phong trào "Bình dân, học vụ"...

4.     Đền Vạn Lộc

Đền Vạn Lộc
Đền Vạn Lộc.

Đền Vạn Lộc thuộc phường Nghi Tân (TX.Cửa Lò). Trong quan niệm của người dân trong vùng đây là ngôi đền rất linh thiêng. Đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô. Đền là nơi thờ tự Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 -1506) - con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông là người có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm và an dân. Ông cũng được biết đến với công lao chiêu dân, lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc ngày nay. Đền Vạn Lộc có vị trí rất đẹp, trước mặt đền là dòng sông Cấm êm đềm, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế "rồng chầu, hổ phục". Đền được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991.

5.  Chùa Lô Sơn

Chùa Lô Sơn
Chùa Lô Sơn.

Chùa Lô Sơn thuộc khối 6, phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò). Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, tọa trên một địa thế khá đẹp, tựa lưng vào núi Lô Sơn, hướng về phương Bắc. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

6.     Đền Cửa

Đền Cửa
Đền Cửa.

Đền Cửa thuộc xã Nghi Khánh (huyện Nghi Lộc) cách trung tâm thị xã hơn 1km về phía Bắc. Đền có tên gọi khác là Đền Khánh Duệ, được xây dựng từ thế kỷ XIII, thờ Quốc mẫu Âu Cơ, Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa Thánh Mẫu và các bậc hiền tài có công trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước như Chiêu Minh Vương - Thượng tướng Trần Quang Khải, tướng Ninh Vệ - hy sinh trong cuộc chiến chống giặc Chiêm Thành, Quận công Nguyễn Cảnh Quế, Nho sư Phùng Thời Tá…

7.     Đền Nguyễn Xí

Đền Nguyễn Xí
Đền Nguyễn Xí.

Đền thờ Nguyễn Xí thuộc xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc) cách trung tâm thị xã Cửa Lò khoảng 2km về phía Bắc. Đền là nơi thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí - bậc khai quốc công thần thời Hậu Lê, người có công lao lớn trong sự nghiệp Bình Ngô của vua Lê Thái Tổ. 

8
Hạ điện đền Nguyễn Xí.

Và ông cũng là người có công lớn trong việc phế bỏ Nghi Dân, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, mở ra thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Đền được xây dựng năm 1467, do vua Lê Thánh Tông ban sắc “Quốc tạo, quốc tế”, lập đền thờ ngài tại quê nhà.

8. Chùa Đảo Ngư

Chùa đảo ngư
Chùa đảo Ngư.

Chỉ mất khoảng 25 phút đi bằng thuyền máy từ bãi tắm Cửa Lò, du khách có thể viếng thăm chùa Đảo Ngư. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13 - 14), là nơi thờ thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Tại đây có đôi câu lộc vừng và giếng ngọc hơn 700 năm tuổi. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa..

Hồ Phương - Vương Vân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới